Trong phiên giao dịch sáng 7/10, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, sau khi trải qua tuần tăng mạnh nhất trong hơn một năm do căng thẳng leo thang tại Trung Đông.
Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 43 xu Mỹ (0,5%) xuống 77,62 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 35 xu Mỹ (0,5%) xuống 74,03 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent đã tăng hơn 8%, ghi dấu mức tăng lớn nhất trong một tuần kể từ tháng 1/2023; giá dầu WTI cũng tăng 9,1%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023.
Bà Tina Teng, một nhà phân tích thị trường độc lập, nhận định hoạt động bán ra chốt lời có thể là nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong phiên đầu tuần, sau khi giá tăng mạnh trong tuần trước. Bà lưu ý thị trường dầu vẫn có triển vọng tăng giá giữa những lo ngại về sự leo thang căng thẳng địa chính trị.
Quân đội Israel ngày 6/10 cho biết Lực lượng Không quân nước này (IAF) đã đánh chặn nhiều thiết bị bay không người lái (UAV) gắn thuốc nổ được phóng từ Liban vào lãnh thổ Israel.
Cùng ngày, hãng thông tấn Wafa của Palestine đưa tin Israel đã không kích một đền thờ Hồi giáo ở Dải Gaza khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Mặc dù giá dầu tăng mạnh trong tuần trước, song tổ chức nghiên cứu ANZ Research cho rằng tác động của cuộc xung đột tại Trung Đông đối với nguồn cung dầu sẽ tương đối nhỏ. Theo tổ chức này, Israel ít khả năng tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào các cơ sở dầu của Iran.
Bên cạnh đó, ANZ Research cũng lưu ý rằng ảnh hưởng của các sự kiện địa chính trị đối với nguồn cung dầu đã giảm sút. Ngoài ra, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có công suất dư thừa lên tới 7 triệu thùng dầu/ngày. Điều này có thể tạo một lớp đệm cho thị trường.
Tại cuộc họp ngày 2/10, OPEC và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định giữ nguyên chính sách sản xuất dầu, bao gồm kế hoạch bắt đầu tăng sản lượng từ tháng 12/2024.