Phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức ngày 2/12 cho hay chính phủ nước này không muốn "theo chân" Mỹ trong việc cấm toàn bộ các sản phẩm do các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc như Huawei sản xuất. Thay vào đó, Chính phủ Đức sẽ đưa ra các quyết định cấm trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Mối quan hệ kinh tế giữa Đức và Trung Quốc đã thu hút nhiều sự chú ý thời gian gần đây. Đặc biệt sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát cho thấy nền kinh tế Đức phụ thuộc lớn thế nào vào năng lượng nhập khẩu từ Nga và khiến giới chức cảnh giác về sự phụ thuộc tương tự vào Trung Quốc về thương mại.
Đức đã chịu áp lực đặc biệt lớn về việc đưa ra động thái cụ thể đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc sau khi Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FTC) tuần trước ra lệnh cấm phê duyệt nhập khẩu thiết bị mới của Huawei và ZTE, viện dẫn lý do về "rủi ro không thể chấp nhận được" đối với an ninh quốc gia.
Trong một tài liệu chiến lược của Bộ Kinh tế Đức mới đây, một số chính quyền bang đã đưa ra khuyến nghị chi tiết nhằm tăng mức độ giám sát đối với việc sử dụng các thành phần công nghệ. Tài liệu còn đề cập đến điều luật được đưa ra vào năm 2020, trong đó đặt ra những rào cản cao hơn đối với các nhà sản xuất thiết bị viễn thông cho các mạng thế hệ mới, chẳng hạn như Huawei.
Theo luật trên, các thành phần công nghệ riêng lẻ hoặc toàn bộ công ty có thể bị cấm và bị tuyên bố là không đáng tin cậy nếu nhà cung cấp khai báo sai, không hỗ trợ kiểm tra bảo mật hoặc không báo cáo hay vá lỗ hổng bảo mật kịp thời.
Tài liệu chiến lược dài 104 trang đề xuất chính phủ tiến thêm một bước, cho phép cấm các thành phần, sản phẩm công nghệ phục vụ mạng viễn thông cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng khác (như giao thông, cung cấp nước hoặc thực phẩm) do nhà cung cấp ở các quốc gia bị cho là "độc tài" sản xuất,.
Về phần Huawei, khi được hỏi liệu họ có sự kiến về việc Đức hay Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt các quy tắc kiểm soát thậm chí ra các lệnh cấm hay không, tập đoàn Trung Quốc cho hay họ dựa vào các đối thoại mang tính xây dựng và dựa trên sự thật.
Huawei cho biết, vấn đề an toàn mạng không phụ thuộc vào quốc gia xuất xứ của nhà cung cấp mà chỉ có thể được đảm bảo bằng các tiêu chuẩn toàn cầu trong hợp tác quốc tế giữa ngành và cơ quan quản lý.