Kinh tế Mỹ giờ đây không còn nhiều khác biệt với phần còn lại của thế giới nữa, thông tin này không tốt cho diễn biến của đồng USD.
Theo Wall Street Journal, đồng USD đã giảm ước tính 8,3% tính từ mức đỉnh vào tháng 9/2022, tính theo diễn biến của chỉ số WSJ Dollar. Đồng USD cũng vừa trải qua khởi đầu năm sụt giảm mạnh nhất tính từ năm 2018.
Nhà đầu tư đang tin rằng đồng USD sẽ tiếp tục hạ giá khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tiến gần hơn đến cuối quá trình nâng lãi suất mạnh tay nhất tính từ thập niên 1980. Ngoài ra, yếu tố khác cũng đang gây sức ép lên tỷ giá đồng USD bao gồm những nỗi lo về hệ thống ngân hàng, khả năng Mỹ vỡ nợ cũng như kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế về khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới.
Việc Fed thắt chặt chính sách đã khiến cho đồng USD tăng mạnh trong năm ngoái lên ngưỡng cao nhất trong nhiều thập kỷ so với nhiều loại tiền tệ khác như đồng euro và đồng yên. Đồng USD bắt đầu suy yếu trong mùa thu năm ngoái, đồng USD giữ tỷ giá khi sang năm 2023 khi mà lạm phát dai dẳng hơn so với kỳ vọng, tuy nhiên đến 2 tháng gần đây giảm trở lại.
Vào tuần này, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm trước khi hãm phanh chính sách tiền tệ. Như vậy, Fed sẽ có khác biệt chính sách rất lớn với nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, trong đó có cả khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh. Hai khu vực này mở cửa nền kinh tế sau đại dịch chậm hơn so với Mỹ và hiện tại cũng đang trải qua tình trạng lạm phát căng thẳng.
Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại bộ phận quản lý tài sản thuộc JP Morgan Chase, ông Nick Wall, nhận xét: “Nước Mỹ đang trải qua giai đoạn khác thường. Nhiều nước khác giờ mới chỉ bắt đầu theo kịp Mỹ về tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ”.
Đồng USD yếu thường là tin tốt cho kinh tế toàn cầu. Đồng USD thấp làm giảm chi phí trả nợ bằng đồng USD của nhiều nước trên thế giới, đồng thời giúp làm tăng lợi nhuận kiếm được từ nước ngoài của các doanh nghiệp đa quốc gia Mỹ. Nó cũng có thể tạo đà cho thương mại toàn cầu tăng trưởng tốt hơn bởi giá hàng hóa được tính theo đồng USD trở nên rẻ hơn đối với người mua hàng quốc tế.
“Đồng USD giá thấp như vậy mang đến yếu tố kích thích tăng trưởng toàn cầu. Đến 60% nợ của các nước trên toàn thế giới được tính theo đồng USD. Phần lớn trong đó của các nước đang phát triển, nhóm nước này đóng góp đến 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập kỷ qua”, ông Wall nhấn mạnh.
Nhà đầu tư đang tin rằng việc Fed chuyển hướng chính sách tiền tệ sẽ theo lộ trình hạ lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trước thời điểm cuối năm, theo nhận định của các chuyên gia đưa ra theo khảo sát của CME. Trong khi đó, giới đầu tư đang tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ nâng lãi suất chủ chốt thêm nửa điểm phần trăm trước thời điểm cuối năm 2023.
Sự chệch hướng về chính sách đó sẽ giúp cho nhiều loại tiền tệ ví như đồng euro hay đồng bảng Anh tiếp tục tăng giá so với đồng USD, theo nhận định của các chuyên gia phân tích. Sự chênh lệch về lãi suất là động lực quan trọng gây ra những thay đổi trên các thị trường tiền tệ bởi lãi suất cao hơn giúp giữ chân nhà đầu tư trong quá trình tìm kiếm lợi suất.
Một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá các đồng tiền chính là việc đồng USD là một lựa chọn tài sản được ưa thích trong bối cảnh khủng hoảng. Nếu kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu thực sự trở thành sự thực, các yếu tố gây căng thẳng trong ngành ngân hàng toàn cầu sẽ xấu đi đáng kể và khi ấy đồng USD chắc chắn sẽ tăng giá, giống như những gì từng xảy ra vào đầu năm 2020.
Diễn biến tăng trưởng của các nền kinh tế sẽ thay đổi. Tăng trưởng kinh tế châu Âu vững vàng khi mà cuộc khủng hoảng năng lượng tại khu vực này hạ nhiệt còn hoạt động kinh tế tại Mỹ chững lại. Kinh tế Trung Quốc quý 1/2023 bất ngờ tăng trưởng đến 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Mỹ sẽ chững lại còn 1,1% trong năm sau, GDP khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng 1,4% còn Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng tốt ở ngưỡng 4,5%.