Kinh Bắc còn “giữ” của nhân viên 7 tỷ đồng tiền lương và các khoản phúc lợi
Sau khoảng thời gian dài phải chịu trận vì Covid – 19, thời gian qua các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp địa ốc còn phải nhận thêm cú bồi từ chính sách tín dụng, trái phiếu bị kiểm soát đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình cảnh “sức cùng, lực kiệt”. Đây là thời điểm nhìn rõ nhất tình trạng doanh nghiệp rơi vào trạng thái “đuối sức” vì thiếu vốn.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phải chia nhỏ lương của nhân viên để trả dần, cũng có những doanh nghiệp nợ lương nhân viên chưa biết đến khi nào trả. Thậm chí, có nhiều nơi còn cắt giảm lương và cắt giảm nhân sự để tồn tại.
Tổng Công ty Phát triển Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cũng không nằm ngoài luồng khi đến ngày 31/12/2022, KBC còn nợ hơn 7 tỷ đồng bao gồm các khoản lương, thưởng và phúc lợi cho nhân viên.
Về tình hình kinh doanh của KBC trong quý IV và cả năm 2022. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Đô thị Kinh Bắc mới được công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu âm 331,2 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ 2021 đạt 1.169,35 tỷ đồng. Với giá vốn bán hàng âm 39 tỷ đồng, KBC ghi nhận lỗ gộp 292,3 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý IV/2022 KBC ghi nhận khoản lỗ ròng 482,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 523,2 tỷ đồng.
KBC ghi nhận khoản lỗ 482,4 tỷ đồng trong quý IV/2022.Lũy kế cả năm 2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt trên 957 tỷ đồng và lãi ròng chỉ còn 1.547 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 2.199,24 tỷ đồng lãi từ công ty liên kết. Mặc dù giảm 77,5% về doanh thu nhưng tăng 41,3% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm trước.
Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Kinh Bắc mới chỉ thực hiện được 14,3% kế hoạch doanh thu và 35,5% kế hoạch lợi nhuận.
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của KBC ghi nhận hơn 7 tỷ đồng tiền lương cùng các khoản khen thưởng phúc lợi phải trả cho người lao động của công ty.
Cụ thể, tại khoản nợ phải trả tính đến ngày 31/12/2022, KBC ghi nhận 105,5 triệu đồng tiền lương phải trả cho người lao động, con số này giảm đáng kể so với năm 2021 (9,45 tỷ đồng). Ngoài ra Kinh Bắc còn 6,95 tỷ đồng khoản nợ quỹ khen thưởng, phúc lợi (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm sức khỏe, các khoản trợ cấp,…) dành cho nhân viên.
Tính đến cuối năm 2022, KBC còn hơn 7 tỷ đồng tiền nợ lương và các khoản phúc lợi dành cho nhân viên.Nợ lương nhân viên, doanh nghiệp sẽ bị xử lý thế nào?
Về nguyên tắc trả lương được quy định tại khoản Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động (NLĐ)
Về thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với NLĐ, tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 có quy định, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Từ đó, có thể xác định thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với cá nhân là 30 ngày kể từ ngày nhận lương được ấn định trong hợp đồng lao động.
Trong trường hợp doanh nghiệp chậm trả lương cho NLĐ, tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định trong trường hợp trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, doanh nghiệp chỉ được nợ lương NLĐ nếu được xác định rơi vào trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, việc chậm lương từ 15 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất phải bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm với mức lãi được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng.
Mức phạt khi doanh nghiệp chậm trả lương cho NLĐ:Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với doanh nghiệp có hành vi trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật như sau:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 NLĐ;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 NLĐ;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 NLĐ;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 NLĐ;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 NLĐ trở lên.
Theo đó, tùy theo số lượng nhân viên mà doanh nghiệp chậm trả lương, mức phạt đối với hành vi trả lương không đúng hạn, không trả lương có thể dao động từ thấp nhất là 5.000.000 đồng đến cao nhất là 50.000.000 đồng.