Hình ảnh đoàn xe xếp hàng dài chờ vào trạm đổ xăng ở Ukraine. Ảnh: Getty Images
Trong ba tuần qua, Ukraine đã rơi vào tình trạng thiếu hụt xăng dầu trầm trọng. Rất nhiều cửa hàng xăng dầu buộc phải đóng cửa. Trong ngày 19/5, trên quãng đường dài 550 km từ Lviv tới Kiev, chỉ còn đúng hai cây xăng hoạt động. Đoàn xe xếp hàng để vào đổ xăng kéo dài hàng trăm mét là hình ảnh thường thấy.
Chiến tranh khiến giới lãnh đạo hoạch định ngành xăng dầu bất lực, hủy hoại nghiêm trọng hạ tầng xăng dầu thiết yếu, phá vỡ chuỗi cung ứng. Trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự (24/2), 80% xăng dầu tiêu thụ ở Ukraine phải nhập khẩu. Phần lớn trong số này được nhập từ Belarus bằng đường sắt. Ở thời điểm hiện tại, Belarus đứng ở phía đối địch với Ukraine.
Một nguồn xăng dầu khác được Ukraine nhập khẩu bằng đường biển, qua các cảng trên Biển Đen. Nhưng các cảng này hiện nằm trong vòng phong tỏa của hải quân Nga. Ở trong nước, nhà máy lọc dầu Kremenchuk đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, tổ hợp này đã ngưng hoạt động hồi tháng 4 vừa qua, sau khi hứng loạt tấn công bằng rocket từ phía Nga. Nhiều kho chứa xăng dầu, hạ tầng đường sắt phục vụ vận chuyển xăng dầu cũng bị phá hủy.
Cùng lúc, nhu cầu xăng dầu cho xe quân sự, xe cấp cứu tăng mạnh. Kế đến là xăng dầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, khi đây đang là thời điểm chính vụ gieo hạt ở Ukraine. Theo Serhiy Kuyun, chuyên gia năng lượng độc lập, Ukraine cần khoảng 540.000 tấn xăng dầu thành phẩm mỗi tháng. Nhưng hiện tại nước này chỉ đáp ứng được khoảng 70%. Hơn thế, xăng dầu được ưu tiên cho xe quân sự và sản xuất nông nghiệp, khiến nguồn cung cho tiêu dùng cá nhân bị bó hẹp.
Thâm hụt nguồn cung xăng dầu làm nảy sinh thị trường kiểu chợ đen, một hình thức vốn đã rất phổ biến ở Ukraine. Trên mạng quảng cáo bản địa giống mô hình mạng eBay, nhiều nhân viên trong ngành mời chào cả loạt dịch vụ liên quan đến xăng dầu. Tại Odessa, chủ ô tô có thể phải bỏ ra khoản phí 3,38 USD/giờ để nhờ người xếp hàng bên ngoài trạm xăng bán lượt. Ở thủ đô Kiev, khách mua xăng vẫn có thể không cần xếp hàng nếu sử dụng “hệ thống lẩn tránh” để mua xăng bằng tài khoản công ty, doanh nghiệp, nhưng với mức giá cao hơn từ 2-3 lần so với giá bán lẻ chính thức.
Giới hoạt động trong ngành xăng dầu ngại đưa ra những tuyên bố chỉ trích chính phủ mang tính công khai. Bởi họ nhận thấy rằng chỉ trích chính quyền như vậy là không đúng trong điều kiện chiến tranh. Nhưng trong trao đổi riêng tư, số này cho rằng nhà điều hành đã không đưa ra phản ứng kịp thời để xử lý khủng hoảng, thậm chí còn làm tình hình nghiêm trọng hơn.
Một nhà điều hành cấp cao tại một công ty xăng dầu tư nhân cỡ lớn cho biết theo quy định về giá do nhà nước ban hành, nhà cung cấp buộc phải bán sản phẩm xăng dầu thấp hơn mức chi phí nhập vào. Mục đích là để giữ giá nhiên liệu ở mức vừa phải, chấp nhận được với người tiêu dùng trong điều kiện cả nước khó khăn. Nhưng chính điều này làm triệt tiêu nguồn cung ra thị trường công khai. Lý lẽ mà giới chức điều hành đưa ra là các doanh nghiệp xăng dầu thu lợi nhuận trước đó, nay họ cần phải kiên nhẫn chịu đựng khó khăn.
Ban đầu, chính phủ cố tìm cách bảo vệ quan điểm về điều hành giá. Bộ trưởng Kinh tế Yulia Sviridenko ngày 14/5 chỉ trích một số nhà cung ứng có động thái phàn nàn về chính sách giá. Nhưng bốn ngày sau, nội các Ukraine có ý xuống thang khi thừa nhận cần phải tạm thời đóng băng kiểm soát giá, để cho các nhà bán lẻ điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ. Bà Sviridenko dự báo điều chỉnh này khiến giá xăng tăng khoảng 40%.
Tăng giá sẽ có tác động trực tiếp đến tiêu thụ, nhưng cũng khó lòng giúp chấm dứt khủng hoảng nhiên liệu ở Ukraine. Quốc gia này không có hạ tầng đường sắt đủ điều kiện để vận chuyển xăng dầu nhập khẩu từ các thị trường mới thuộc châu Âu, do sử dụng khổ đường sắt khác chuẩn. Ukraine cũng không sở hữu đội xe vận tải đủ mạnh để chuyển đổi sang nhập khẩu bằng đường bộ. Tình hình còn khó khăn hơn khi các nhà vận tải và bảo hiểm châu Âu không muốn nhập cuộc do lo sợ nguy cơ chuyên chở xăng dầu trong điều kiện thời chiến.
Theo Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine, ông Oleksandr Kubrakov, xử lý khủng hoảng xăng dầu không chỉ cần đến chuyển đổi giải pháp bên trong thị trường xăng dầu nội địa, mà còn cả dịch chuyển ở châu Âu. Đây là một tiến trình phức tạp, phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới có thể hoàn tất. “Chúng tôi có thể xử lý những vấn đề về cung ứng, logistic. Cả chính quyền đang vào cuộc từng giờ. Nhưng vấn đề chính thì vẫn còn đó và đó là chiến tranh”, ông Kubrakov nói.