Có hai nguyên nhân đằng sau những diễn biến mới nhất của hệ thống thương mại toàn cầu. Những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung hàng hóa do đại dịch, giá cả tăng cao và gián đoạn vận chuyển đang giảm phụ thuộc vào chỉ riêng một nhà máy hoặc đất nước nào.
Cùng lúc đó, chính phủ nhiều nước, đặc biệt chính phủ Mỹ và châu Âu, muốn đảm bảo khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các sản phẩm bán dẫn hoặc đất hiếm trong trường hợp thương mại thế giới chịu sự chia rẽ theo các xu thế địa chính trị.
Sự thay đổi mà nhiều người gọi là “tái toàn cầu hóa” sẽ mất nhiều năm. Số liệu thương mại thế giới hiện đang cho người ta thấy quy mô của sự thay đổi, những bên nào hưởng lợi và chịu thiệt. Dưới đây là những xu thế đang diễn ra giúp người ta hiểu được những diễn biến của kỷ nguyên mới:
Toàn cầu hóa vẫn vững vàng
Dù rằng có nhiều người nói về sự suy giảm của quá trình toàn cầu hóa, sự tích hợp kinh tế thông qua thương mại xuyên biên giới vẫn vững vàng bất chấp những yếu tố chiến tranh, nạn đói và đại dịch. Trong ba năm qua, tỷ trọng thương mại thế giới tính trong tổng quy mô sản xuất toàn cầu đã giảm đi phần nào thế nhưng vẫn đúng theo xu thế lịch sử. Trên thực tế, tính từ năm 2006 cho đến nay, không có thay đổi nào đáng kể hướng đến xu thế cởi mở thương mại, theo báo cáo của tổ chức tài chính ING Groep NV.
Quan hệ Trung Quốc – Mỹ căng thẳng
Căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh tăng cao không khỏi khiến nhiều người đồn đoán về sự dịch chuyển xa dần giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi mà giá trị nhập khẩu hàng hóa dịch vụ Trung Quốc vào Mỹ lên ngưỡng cao nhất từ năm 2022, có những dấu hiệu cho thấy thuế quan của Mỹ đang làm thay đổi dòng chảy thương mại. Trong năm ngoái, hoạt động nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ chịu thuế quan ước tính giảm khoảng 14% so với ngưỡng 2017 trước căng thẳng Nga – Ukraine, theo phân tích của chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson – ông Chad Bown.
Xu thế đa dạng hóa thương mại của Mỹ
Trong vòng 5 năm qua, các biện pháp thuế quan, hạn chế xuất khẩu và trợ cấp của Mỹ đã khiến cho nhiều doanh nghiệp Mỹ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu hàng hóa khỏi Trung Quốc. Tỷ lệ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã giảm khoảng 3 điểm phần trăm tính từ năm 2018 khi mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức áp thuế với hàng nghìn mặt hàng từ Trung Quốc. Tính từ thời điểm đó đến nay, Trung Quốc mất một tỷ lệ xuất khẩu nhất định về tay một số nước xuất khẩu lớn tại châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan.
Cũng trong xu thế này, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc cố gắng né tránh các biện pháp thuế quan của Mỹ và rút ngắn chuỗi cung ứng đang tăng cường mở rộng hoạt động tại nhiều nước như Việt Nam, Thái Lan và Mexico.
Mexico hiện đang trở thành lựa chọn địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc. Chuỗi cung ứng Mỹ - Mexico có tỷ lệ tích hợp cao, đồng thời Mexico cũng được hưởng lợi nhiều từ cơ chế thương mại ưu tiên, hai yếu tố này giúp tạo ra nhiều cơ hội đầu tư liên biên giới. Nhiều nhà nhập khẩu, thậm chí cả một số doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc, trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang tranh thủ mở rộng hoạt động tại Mexico. Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại Mexico ước tính 97,5% trong năm 2022.
Nhu cầu nhà xưởng và bất động sản công nghiệp tại các khu vực của Mexico gần biên giới với Mỹ hiện đang tăng lên ngưỡng rất cao. Ước tính có đến 47 khu công nghiệp hiện đã được lên kế hoạch xây dựng hoặc đang được xây dựng tại riêng khu vực gần biên giới Mỹ - Mexico, theo Hiệp hội Khu Công nghiệp Mexico.
Xu thế dịch chuyển thương mại liên Đại Tây Dương
Những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc cải thiện quan hệ thương mại với châu Âu đã dẫn đến việc Mỹ tăng cường nhập khẩu từ châu Âu chứ không phải Trung Quốc. Thay đổi này diễn ra sau khi Mỹ và châu Âu giảm mạnh thuế quan trong thương mại hai chiều ước tính 21,5 tỷ USD vào năm 2021, chấm dứt cuộc tranh cãi về sản xuất máy bay suốt từ năm 2004 và đồng thời khởi động các cuộc đối thoại nhằm giảm tình trạng sản xuất quá nhiều thép và nhôm. Trong năm vừa qua, giá trị hàng hóa Mỹ nhập từ châu Âu đã tăng ước tính khoảng 13%, còn giá trị hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc chỉ tăng 6%.
Hoạt động sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu
Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh lớn như Apple hiện đang cố gắng giảm phụ thuộc vào Trung Quốc khi mà căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng hơn. Trong khoảng thời gian 1 năm tính đến tháng 2/2023, Apple đã tăng gấp ba lần quy mô hoạt động sản xuất tại Ấn Độ lên hơn 7 tỷ USD. Ấn Độ hiện chiếm khoảng 7% tổng quy mô sản xuất điện thoại iPhone trên toàn cầu, doanh thu bán điện thoại sản xuất từ đất nước này hiện đã vượt 6 tỷ USD.
Xuất khẩu nội thất của Việt Nam
Việt Nam cũng là một điểm đến của các doanh nghiệp đang cố gắng đa dạng chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Trong vòng 7 năm qua, nhập khẩu hàng nội thất Việt Nam vào Mỹ tăng trưởng 186% trong khi đó nhập khẩu nội thất Trung Quốc vào Mỹ chỉ tăng trưởng 5%. Tuy nhiên, gần đây, số lượng đơn đặt hàng của phía Mỹ với nội thất sản xuất tại Việt Nam bắt đầu giảm khi nhu cầu hàng hóa tiêu dùng toàn cầu đi xuống.
Chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đã giúp Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu các phương tiện đi lại bằng điện lớn nhất thế giới sau Đức. Trong năm nay, doanh số bán các thiết bị điện và điện lai xăng nhiều khả năng sẽ chiếm khoảng 40% trong tổng xuất khẩu phương tiện đi lại của Trung Quốc. Cùng lúc đó, theo thống kê của Bloomberg Intelligence, tỷ trọng của châu Âu trong thị trường phương tiện đi lại bằng điện toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay khi mà có thêm nhiều mẫu mới được cung ứng ra thị trường và vấn đề chuỗi cung ứng hạ nhiệt.