Sau cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol, Meta quyết định hạn chế nội dung chính trị hiển thị tới người dùng. Động thái trên đang dần định hình lại diễn ngôn chính trị trên nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới, dù cho công ty này đã từ bỏ cách thức được cho là hữu hiệu nhất: tắt tất cả các đề xuất về nội dung chính trị.
Nỗ lực của Meta trong suốt 18 tháng qua nhằm hạn chế các nội dung chính trị và chủ đề gây chia rẽ trên nền tảng vừa được đề cập trong tài liệu nội bộ tờ The Wall Street Journal tiếp cận.
Ban đầu, Facebook đại tu cách quảng bá các nội dung liên quan đến chính trị và sức khỏe. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy người dùng đã quá mệt mỏi với xung đột, vậy nên CEO Mark Zuckerberg quyết định ưu tiên các bài đăng chứa nội dung mà người dùng cho là xứng đáng với thời gian của họ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Meta vẫn thấy điều đó là chưa đủ. Cuối năm 2021, quá mệt mỏi với vô số chỉ trích cho rằng Facebook thiên vị nội dung chính trị, Zuckerberg và hội đồng quản trị quyết định giảm hạng các bài đăng chứa chủ đề “nhạy cảm” càng nhiều càng tốt trong nguồn cấp tin tức - một sáng kiến chưa từng có trước đây.
Vào thời điểm đó, Facebook và Youtube bị cho là có hành vi thiên vị chính trị, đồng thời có động cơ thương mại để khuếch đại thù ghét và tranh cãi. Trong nhiều năm, các nhà quảng cáo và giới đầu tư đã thúc ép công ty này “tẩy trắng” vai trò “lộn xộn” của mình trong lĩnh vực chính trị, theo WSJ.
Tuy nhiên, một cách rõ ràng, kế hoạch tắt các nội dung chính trị sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Báo cáo cho thấy lượt xem đối với các “nhà xuất bản tin tức chất lượng cao” như Fox News và CNN đã giảm đi đáng kể, trong khi nội dung từ những nguồn kém tin cậy lại tăng lên. Nhiều khiếu nại người dùng về thông tin sai lệch được ghi nhận, trong khi hoạt động quyên góp từ thiện thông qua Facebook giảm đi đáng kể trong nửa đầu năm 2022. Người dùng chắc chắn không thích những điều này.
Phân tích nội bộ cho thấy Facebook có thể đạt được một số mục tiêu bằng cách hạn chế nội dung chính trị, cộng đồng và xã hội trong nguồn cấp tin tức, nhưng điều này sẽ tốn chi phí và không hiệu quả.
Đến cuối tháng 6, Zuckerberg quyết định rút lại kế hoạch cực đoan. Không thể ngăn chặn tranh cãi chính trị bằng “vũ lực thẳng thừng”, nền tảng này chuyển sang thay đổi từ từ cách nguồn cấp tin tức truyền bá “chủ đề nhạy cảm”, chẳng hạn như sức khỏe và chính trị.
“Trong nhiều năm qua, chúng tôi thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau, cuối cùng quyết định thực hiện các thay đổi nhỏ chậm mà chắc để hạn chế nội dung chính trị, đồng thời mang đến cho người dùng những trải nghiệm mà họ muốn”, Dani Lever, phát ngôn viên Meta nói.
Sau cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol, Meta quyết định hạn chế nội dung chính trị hiển thị tới người dùng.
Cách tiếp cận hiện tại đã làm giảm số lượng nội dung người dùng có thể nhìn thấy. Meta ước tính chính trị chiếm ít hơn 3% tổng số lượt xem nội dung trong nguồn cấp tin tức, giảm từ 6% vào khoảng thời gian diễn ra cuộc bầu cử năm 2020.
Theo Ravi Iyer, cựu quản lý khoa học dữ liệu Meta kiêm Giám đốc điều hành Viện Tâm lý Công nghệ Đại học Nam California, cách tiếp cận hiện tại của Meta rất khác so với mô hình tập trung tương tác vốn được Facebook và nhiều nền tảng truyền thông xã hội lớn khác áp dụng. Ông Iyer cho biết cần tập trung nhiều hơn vào cách các nền tảng cho phép một số nội dung lan truyền thay vì đưa ra quyết định chủ quan về những nội dung cần bị gỡ bỏ.
“Việc để nhân viên đánh giá tốt, xấu thường tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. Mục tiêu của chúng tôi là nhận về ít chỉ trích hơn”, Ravi Iyer nói.
Theo các chuyên gia, động thái gần đây của Meta có nguy cơ khiến một số nhà xuất bản kỹ thuật số mất lòng. Courier Newsroom, một công ty truyền thông Mỹ cho biết họ đã phải vật lộn giành sức hút trên Facebook trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Mặc dù đã tăng sản lượng các bài báo lên 14,5% trong tháng 10, công ty nhận thấy số lần hiển thị không tính phí đã giảm 42,6% so với một tháng trước đó.
“Facebook vẫn là một trong những nền tảng phân phối mạnh mẽ và sâu rộng nhất thế giới. Tuy nhiên, bằng cách hạn chế hơn nữa phạm vi tiếp cận của các nhà xuất bản tin tức đáng tin cậy trên nền tảng, Facebook sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thông tin ở Mỹ mà họ vốn góp phần tạo ra”, Tara McGowan, đại diện Courier Newsroom cho biết.
Trên trang tin Mother Jones chuyên tập trung các vấn đề chính trị-xã hội, tổng lượt xem trên Facebook vào năm 2022 chỉ bằng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước đó. Monika Bauerlein, Giám đốc điều hành Mother Jones cho biết: “Thật tồi tệ khi nhận ra một công ty công nghệ đơn lẻ có quyền lực như thế nào đối với tin tức mà mọi người có thể truy cập”.
Theo Dan Bongino, một nhà bình luận bảo thủ người Mỹ, việc Facebook thay đổi chiến lược đối với các nội dung chính trị là sai lầm, một phần vì đa số các người dùng lớn tuổi sẽ có xu hướng quan tâm đến các vấn đề chính trị.
Facebook đại tu cách quảng bá các nội dung liên quan đến chính trị và sức khỏe.
“Họ đã có thể tận dụng người dùng lớn tuổi nhưng không. Thay vào đó, họ thông báo ‘Tôi có một ý tưởng này: Tập hợp những người dùng lớn tuổi thích nội dung bảo thủ và xóa họ khỏi nền tảng”, Dan Bongino nói.
Theo WSJ, Facebook trong nhiều năm đã duy trì mối quan hệ mâu thuẫn với chính trị. Hiếm có chủ đề nào khiến người dùng nổi giận và tương tác trên mạng xã hội nhiều đến thế.
Phát biểu hồi năm 2019, Zuckerberg đã bảo vệ vai trò mạng xã hội đối với chính trị và xã hội. “Tôi tin rằng mọi người sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của chúng tôi để thảo luận về một số vấn đề họ quan tâm, từ tôn giáo đến chính sách đối ngoại và tội phạm,” vị CEO nói, đồng thời cho rằng vai trò của Facebook trong việc diễn ngôn công khai là lành mạnh.
Tuy nhiên, một báo cáo hồi năm 2021 cho thấy thuật toán của Facebook từ lâu đã khuyến khích việc tạo ra “nội dung gây phẫn nộ, không đáng tin cậy”. Sau cuộc bầu cử năm 2020 và cuộc bạo động ngày 6/1/2021, công ty này càng chịu thêm nhiều áp lực, rằng nó đã thiên vị các nội dung về chính trị. Zuckerberg tỏ ra mệt mỏi với vấn đề này.
“Chính trị gần như len lỏi vào mọi thứ. Người dùng phát ngán với chính trị, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu”, Zuckerberg nói, đồng thời cho biết Facebook đang tìm cách hạn chế nội dung chính trị trong nguồn cấp tin tức.
Tháng 2 năm đó, Facebook thông báo sẽ bắt đầu hiển thị ít nội dung chính trị hơn đối với “một tỷ lệ nhỏ người dùng” như một biện pháp thử nghiệm. Mục tiêu không phải là hạn chế thảo luận chính trị, mà là “tôn trọng sở thích của mỗi người đối với nó”. Thử nghiệm bắt đầu được thực hiện ở Mỹ, Brazil và Canada.
Sáu tháng sau, công ty cho biết đã đạt được một số tiến bộ trong việc xác định “những bài đăng mà mọi người thấy có giá trị”. Nền tảng cũng tuyên bố sẽ ít chú trọng lượt chia sẻ và nhận xét hơn trong tương lai.
Theo các chuyên gia, việc Facebook giải quyết thông tin không chính xác bằng cách giảm mức độ lan truyền của nền tảng là rất tích cực, bởi chúng không liên quan đến việc kiểm duyệt quan điểm hay giảm hạng nội dung thông qua hệ thống phân tích kém chính xác.
Dữ liệu nội bộ cho thấy lượt xem nội dung trong nguồn cấp tin tức đã giảm gần ⅓, trong khi bình luận bài đăng giảm ⅔. Phản ứng tiêu cực của người dùng cũng giảm gần ¼ trên toàn nền tảng, trong khi bắt nạt, thông tin không chính xác và hình ảnh bạo lực được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, dù đa số người dùng Facebook cho rằng nguồn cấp dữ liệu của họ đã trở nên “sạch sẽ”, tỷ suất đăng nhập lại giảm hơn 0,18%.
Facebook cố gắng thay đổi cách nguồn cấp tin tức truyền bá “chủ đề nhạy cảm”, chẳng hạn như sức khỏe và chính trị.
Sau đó ít lâu, người dùng tiếp tục phàn nàn về những nội dung thô tục và sai lệch. Nhiều khảo sát cho thấy họ đang ngày càng công nhận Facebook gây ra những tác động xã hội không lành mạnh.
Hội đồng quản trị và Zuckerberg theo đó quyết định loại bỏ rộng rãi các nội dung công dân trên nguồn cấp tin tức. Tuy nhiên, việc tắt các nội dung chính trị không dễ như bật công tắc. Những thay đổi cũng không thể trực tiếp giải quyết các tranh cãi phát sinh từ nhiều diễn đàn thù địch.
Tùy thuộc vào sự kết hợp của các tính năng, lưu lượng truy cập dự kiến của Facebook vào Fox News, MSNBC, New York Times, Newsmax, Atlantic và The Wall Street Journal sẽ giảm từ 40% đến 60%. Tác động có thể giảm dần nếu các nhà xuất bản tìm được cách thích ứng.
Tuy nhiên, ngay cả khi Facebook đã cố gắng ngăn chặn nội dung nhạy cảm, nghiên cứu cho thấy nền tảng này vẫn không thể thuyết phục người dùng rằng nó không độc hại về mặt chính trị. Điều này khiến Zuckerberg một lần nữa phải suy nghĩ lại cách quảng bá các nội dung nhạy cảm.
“Chúng tôi đã suy nghĩ về ranh giới giữa nội dung nhạy cảm và không nhạy cảm”, ông Iyer, cựu Giám đốc khoa học dữ liệu của Facebook cho biết.