Brunei là nước rất nhỏ, dân số ít, chỉ có 230.000 người; địa lý thuộc vùng Đông Á, phía bắc đảo Borneo. GDP của Brunei có được chủ yếu là nguồn tiền thu được từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt bán cho Nhật Bản, mỗi năm thu được khoảng 5 – 6 tỷ USD, nhờ đó chi tiêu của Chính phủ và vị quốc trưởng kiêm Giáo chủ Hồi giáo là rất thoải mái. Ở Brunei, người ta gọi ông là “Sultan of Brunei”, vừa là Quốc trưởng, vừa là Giáo chủ quyền lực.
Về kinh tế, nền nông nghiệp, ngư nghiệp Brunei có nhiều lợi thế với những cánh đồng màu mỡ xa tít tận chân trời hầu như vô tận, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, cộng với vùng biển bao la có nhiều hải sản quý hiếm.
Con người Brunei có sức khỏe tốt, thể lực trí tuệ toàn diện, nhiều người có thể trọng trên 200 kilogram. Tôi còn nhớ có lần, anh Lê Văn Châu (nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - PV) và tôi được cử đến Brunei dự hội nghị thường niên ngân hàng ADB tại Brunei, khi di chuyển từ sân bay quốc tế đến địa điểm hội nghị được đi bằng máy bay cỡ nhỏ. Khi lên máy bay, mọi người phải đứng lên bàn cân để biết trọng lượng cơ thể, chỉ có 2 người bạn Việt Nam được miễn cân vì thân hình bé nhỏ, nhẹ nhàng.
Cán bộ ngân hàng Brunei số đông là người nước ngoài. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brunei hồi đó cũng là người Anh. Ông này tự giới thiệu, ông ta là người ký hợp đồng làm việc có kỳ hạn với Chính phủ Brunei.
Những người phục vụ hội nghị ADB cũng là người nước ngoài, nói tiếng Anh thông thạo và có thái độ phục vụ tận tình, chu đáo. Có một người tài xế lái xe cho đoàn Việt Nam đã tâm sự: “Tôi chưa được biết Việt Nam và hy vọng sau này sẽ có điều kiện du lịch Việt Nam để được biết những điều tốt đẹp của đất nước quý ông.” Ông tài xế tâm sự thêm rằng, người Trung Hoa đã có mặt khá nhiều ở Brunei, họ là những doanh nhân thành đạt, nói tiếng Anh giỏi và là các đại gia giàu có tại Brunei, điều này lý giải tại sao Brunei hấp dẫn thế!
Ngồi trong xe của người tài xế, chúng tôi đọc được tờ báo tiếng Anh và biết thêm đôi điều về vị Quốc trưởng, Giáo chủ Sultan of Brunei, nhưng giới báo chí bình luận ông là “a very shy man” (con người nhút nhát), ít nói trước các diễn đàn trong nước và quốc tế. Ông đã là người Quốc trưởng khi ở độ tuổi 42. Ở độ tuổi 19, ông đã cưới cô em họ là công chúa Saleha xinh đẹp mới 16 tuổi theo thông lệ hoàng gia như sau: Năm 1980, Quốc trưởng Sultan gặp một nữ tiếp viên hàng không tên là Mariam Bell, một nửa là người Brunei, một nửa khác là người lai Anh và lai Nhật Bản. Nàng có sắc đẹp quốc tế tuyệt vời, thật sự là “hoa thua sắc thắm, liễu hờn kém xanh”. Quốc trưởng, Hoàng đế Sultan đã cưới cô tiếp viên hàng không Mariam Bell trở thành “đệ nhất phu nhân” (Công nương). Họ sống với nhau rất hạnh phúc trong cung điện Quốc trưởng vừa mới xây. Hạnh phúc của họ được tạo dựng trên cơ sở tài sản của Sultan 25 tỷ USD, bao gồm khách sạn Doschester ở London, Beverly Hill ở Los Angeles và Hyatt tại Singapore. Quốc trưởng Sultan còn có một phi hành đoàn với vài ba máy bay hiện đại. Quốc trưởng Sultan còn có biệt thự đặc biệt tại London, chẳng kém gì cung điện Buckingham của đất nước sương mù Anh quốc.