"Mã đỏ" cho các công cụ tìm kiếm
Chỉ sau 5 ngày ra mắt, đã có rất nhiều người dùng đăng ký ChatGPT này. ChatGPT được đánh giá là "trả lời câu hỏi như người thật", có thể trình bày ý tứ một cách logic, có chiều sâu và cực kỳ trôi chảy cho các câu hỏi phức tạp.
Được đánh giá là công cụ mạnh hơn bất cứ chatbot nào từng có trước đây, ChatGPT có thể viết kịch bản, viết tiểu luận cấp đại học, viết content…
Khi ChatGPT mới ra mắt, nhiều người dùng thử nghiệm cho rằng "ChatGPT có thể thay thế công cụ tìm kiếm của Google". Trước đó, Google bỏ ngoài tai các bình luận như vậy và nói "không có gì phải lo lắng".
Nhưng chỉ một tháng sau, đội ngũ điều hành của Google bất chợt "quay xe" và phát hoảng trước sự đe dọa tiềm tàng của chatbot này. Thậm chí, ngay trước lễ Giáng Sinh, Sundar Pichai, CEO của Google, đã vội vã phát ‘Báo động đỏ’ (‘Code Red’) cho toàn công ty công ty vì ChatGPT đang trở nên quá bùng nổ trên toàn cầu.
Ngay sau đó, Microsoft đã báo kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI. Microsoft được cho là đang lên kế hoạch tung ra một tính năng Bing kết hợp công nghệ đằng sau ChatGPT. The Information cho biết, tính năng trên Bing nhằm mục đích cung cấp cho người dùng câu trả lời cho một số tìm kiếm thay vì chỉ hiển thị các liên kết có liên quan.
Ảnh hưởng đến việc học tập
Với tính năng vượt trội, ChatGPT cũng có thể viết những bài luận khá hay, khả năng của công cụ này tạo ra những ý kiến trải chiều.
Trong khi một số giáo viên coi công nghệ như một công cụ để tiết kiệm thời gian thì những giáo viên khác lại phản đối việc can thiệp của AI.
Theo Bussiness Insider, 2 giáo sư triết học đã bắt gặp các sinh viên đang cố gắng hoàn thành bài tập bằng cách nhờ AI làm hộ. Các giáo sư lo lắng các bài tập được AI làm sẽ khó bị phát hiện đạo văn hơn quy tắc thông thường.
Trước đó, theo CNN, Sở Giáo dục Thành phố New York, cơ quan quản lý giáo dục lớn nhất nước Mỹ, thông báo lệnh cấm truy cập ChatGPT trong hệ thống mạng và thiết bị của các trường công tại thành phố này.
Do đó, Sở Giáo dục thành phố New York đã thông báo cấm sử dụng công cụ này vì những ảnh hưởng tiêu cực lên quá trình học tập của học sinh và lo ngại xoay quanh độ an toàn và chính xác của thông tin.
Jenny Lyle, phát ngôn viên của cơ quan này, cho biết, quyết định này có nguồn gốc từ "các lo ngại về tác động tiêu cực đối với việc học của học sinh, cũng như về sự an toàn và chính xác của nội dung".
“Mặc dù công cụ này có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng cho các câu hỏi, nhưng lại không xây dựng các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Đây lại là những kỹ năng cần thiết cho học sinh”, bà Jenny Lyle cho biết thêm.
Vượt qua kì thi MBA, kỳ thi luật
Tại Trường Kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania danh tiếng, vốn cũng là trường kinh doanh số 1 nước Mỹ, giáo sư Christian Terwiesch đã tự hỏi các công cụ A.I. sẽ thể hiện ra sao đối với các chương trình MBA (chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh).
Mới đây, giáo sư Terwiesch đã phát hành một bài báo nghiên cứu, trong đó ông phân tích, đánh giá cách ChatGPT thực hiện trong bài kiểm tra cuối kỳ của chương trình MBA tại trường Wharton.
Theo đó, ChatGPT đã "thể hiện một cách tuyệt vời ở các câu hỏi phân tích quy trình và quản lý hoạt động cơ bản, bao gồm cả những câu hỏi dựa trên các case study điển hình." Theo nhận định của ông Terwiesch, "sẽ nhận được điểm từ B đến B- trong kỳ thi MBA."
Bên cạnh đó, theo CNN, ChatGPT cũng đã vượt qua kỳ thi cuối kỳ môn luật tại Đại học Minnesota.
Theo đó, để kiểm tra xem ChatGPT thể hiện ra sao trong kì thi sau khi hoàn thành 4 khóa học về luật, các giáo sư tại Trường Luật Đại học Minnesota gần đây đã chấm điểm các bài kiểm tra theo dạng 'bịt mắt' – tức không hề hay biết bài kiểm tra nào được thực hiện bởi AI.
Sau khi hoàn thành 95 câu hỏi trắc nghiệm và 12 câu hỏi tự luận, ChatGPT đạt điểm ở mức C+ - ngưỡng trình độ trung bình của một sinh viên C+, tức đạt điểm thấp nhưng đủ để đậu trong cả bốn khóa học.