Người Mỹ u mê một ứng dụng khác không phải TikTok: Độ gây "nghiện" tương tự, bố mẹ tìm cách hạn chế nhưng không thể

Dù tìm mọi cách để cấm TikTok nhưng hiện người Mỹ lại đang u mê một ứng dụng "cây nhà lá vườn".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Người Mỹ u mê một ứng dụng khác không phải TikTok: Độ gây "nghiện" tương tự, bố mẹ tìm cách hạn chế nhưng không thể

Mức độ phổ biến ngày càng tăng của TikTok khiến các ứng dụng khác vội vàng sao chép đối thủ, trong đó có Youtube. Nền tảng này từng là nơi các thanh thiếu niên theo dõi video unbox đồ chơi, thậm chí được coi là giải pháp an toàn để thay thế ‘cơn nghiện’ TikTok.

Tuy nhiên, kể từ khi ra mắt tại Mỹ, YouTube Shorts ngày càng trông giống TikTok. Việc xem quá lâu các clip kéo dài 15 giây sẽ ảnh hưởng đến khả năng chú ý của trẻ em và khiến chúng khó tham gia vào các hoạt động không mang lại sự hài lòng tức thì.

Các video dài hơn vẫn có trên YouTube song chỉ những video ngắn mới thu hút được đông đảo trẻ em. Ứng dụng hiện đã thu hút được hơn 2 tỷ người dùng đăng nhập theo dõi mỗi tháng, tăng từ mức 1,5 tỷ một năm trước đó, theo công ty mẹ Alphabet.

Theo một nghiên cứu mới đây từ Đại học Tài chính Kinh tế Quý Châu và Đại học Western Michigan, các video dạng ngắn như video trên YouTube và TikTok thu hút mọi người nhờ ‘cảm giác hồi hộp ngắn ngủi’. Điều này giúp dễ dàng hình thành các hành vi gây nghiện ở người xem. Đại diện Youtube Ivy Choi cho biết nghiên cứu này hiện vẫn còn ở giai đoạn đầu và công ty sẽ cam kết theo dõi chặt chẽ mức độ ảnh hưởng của ứng dụng.

“Bảo vệ sự an toàn và hạnh phúc của những người dùng trẻ tuổi và gia đình họ là cốt lõi của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến trải nghiệm Shorts để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, thậm chí hợp tác với các chuyên gia bên thứ ba để cung cấp thông tin”, Choi cho biết.

Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, Shorts khó có thể tránh khỏi những hệ lụy không mong muốn từ ứng dụng. Robert Verderese cho biết cậu con trai 14 tuổi của mình say mê với YouTube Shorts đến nỗi không thể chú tâm những gì bố đang nói.

“Tôi nói với con rằng ‘Bố sẽ cho con 1.000 USD nếu con nhìn bố ngay bây giờ’. Ba giây sau, con tôi mới nhìn lên và hỏi lại ‘Bố nói cái gì cơ’?”, Verderese nói, đồng thời cho biết con trai thường xem các hướng dẫn trên YouTube để học cách lên cấp trong trò chơi. Trong năm qua, cu cậu lại chuyển sang các video dạng ngắn để giải trí.

Verderese, quá thất vọng với các video ngắn, đã quyết định gửi email cho Alphabet để xem liệu có cách nào tắt tính năng Shorts hoặc đặt giới hạn thời gian cho các video ngắn hay không.

Nghiên cứu từ trường đại học Trung Quốc và Michigan cho thấy mối bận tâm của Verderese không hề thái quá chút nào. Các nghiên cứu trước đây cũng phát hiện ra rằng việc xem quá lâu các video có tiết tấu nhanh sẽ cản trở khả năng thực hiện nhiệm vụ của trẻ, thậm chí giảm khả năng kiểm soát các cơn bốc đồng.

“Khi trẻ em dành nhiều thời gian xem các video ngắn, chúng sẽ liên tục bị kích thích bởi những thay đổi nhanh chóng về nội dung”, Gloria Mark, giáo sư tin học tại Đại học California, Irvine, nói đồng thời cho biết việc thường xuyên xem các video có nhịp độ nhanh có thể khiến mọi thứ khác trở nên nhàm chán, trong đó có làm bài tập ở trường và đọc sách.

Scott Migliori, một nhà quản lý tài chính ở Mill Valley, California, cho biết YouTube Shorts có thể là lý do khiến cậu con trai 14 tuổi của anh không còn hứng thú đọc sách trong 6 tháng qua. “Tôi vẫn đang thuyết phục con chơi Fortnite - một trò chơi mang tính xã hội và liên quan đến tinh thần đồng đội thay vì chỉ xem các video ngắn một mình”, Migliori nói. “Thế hệ này đang được lập trình sẵn để đạt được sự hài lòng tức thời. Hãy giúp con bạn tạo ra các mục tiêu, chẳng hạn như chơi với bạn bè hoặc dành thời gian ở bên ngoài”.

Youtube từng được coi là giải pháp an toàn để thay thế ‘cơn nghiện’ TikTok nhưng thực tế nay đã khác.

Dù không có cách nào đặt giới hạn cụ thể cho các video ngắn, song hiện cha mẹ có thể đặt giới hạn thời gian trên YouTube thông qua Google Family Link. Cha mẹ sử dụng các thiết bị của Apple cũng có thể đặt giới hạn thời gian trên thiết bị của con hoặc thông qua Apple Family Sharing, theo WSJ.

Ngoài Shorts, TikTok cũng bị tố sử dụng thuật toán bí mật khiến người xem ‘nghiện’. Người dùng chủ yếu là thế hệ trẻ, trong đó 43% ở độ tuổi từ 18 đến 24; 3,4% trên 55 tuổi và giới nữ chiếm 57%. Trung bình mỗi người sẽ dành 11 phút mỗi lần truy cập để lướt 26 video TikTok, mỗi video kéo dài 15 giây.

“Nếu ví dữ liệu là loại dầu mỏ mới, thì chắc chắn, TikTok đang cung cấp loại dầu có chất lượng cao nhất thế giới”, tờ Guardian nhận xét về mức độ thu thập thông tin người dùng của TikTok.

Theo Bloomberg, thời gian trung bình sử dụng TikTok của người dùng Mỹ rơi vào khoảng 29 giờ/tháng, nhiều hơn cả Facebook (16 giờ) và Instagram (8 giờ) cộng lại, theo nhà nghiên cứu di động Data.ai. Scott Galloway, một giáo sư thuộc Đại học New York, đã ví khả năng gây nghiện này giống như một dạng “thuốc phiện”. Câu chuyện về cậu con trai 11 tuổi của bạn thân ông đã nói lên tất cả.

“Cậu bé nằm nghiêng trên chiếc ghế dài, tay cầm chiếc điện thoại xem TikTok. Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, khuôn mặt cậu như bị thôi miên, đôi mắt mở trừng trừng và những ngón tay thì liên tục vuốt trên màn hình”, Galloway mô tả. “Nó làm tôi nghĩ đến một người nghiện thuốc phiện”.

Đặc tính “gây nghiện” của TikTok theo đó được ông Galloway nâng lên tầm cao mới và ví đây như một dạng “cocaine kỹ thuật số”. Quan điểm này cũng được nhà báo John Koetsier của Forbes ủng hộ. Ông cho biết mình từng trải nghiệm TikTok và thấy mạng xã hội này gây nghiện đến mức đáng sợ.

“Tôi thử tải ứng dụng, tìm hiểu nó và bắt đầu xem các video ngắn 15 giây. Một tiếng sau, tôi giật mình và tự hỏi buổi chiều của mình đã trôi qua quá nhanh”, Koetsier nói. “Bằng một cách nào đó, tôi bị nghiện ngay từ lần thử đầu tiên”.

Theo Nhịp sống thị trường

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE