Hạ tầng và tài chính - hai nhân tố không thể thiếu trong cuộc cách mạng xe điện

Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính cho người dân, các quốc gia đang đề ra những chính sách phát triển hạ tầng phù hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phần lớn biện pháp khuyến khích sử dụng xe điện của chính phủ đều đánh vào hai nhân tố chính: tài chính và hạ tầng.

Ban đầu, các ưu đãi tài chính là động lực để người dân tiêu thụ xe điện. Nhưng ngân sách nhà nước có hạn khiến giải pháp này không thể duy trì vô hạn. Sự tiện lợi mới là yếu tố bền vững góp phần gia tăng mức độ sẵn sàng sử dụng xe điện của người dân.

Một số nước phát triển đang tích cực thử nghiệm và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại để theo đuổi mục tiêu điện khí hóa ô tô.

“Thủ đô xe điện” của thế giới - Na Uy có gần 17.000 trạm sạc trên toàn quốc, trong đó hơn 3.000 bộ sạc nhanh. Đặc biệt, người dân có thể tìm điểm sạc nhanh gần nhất trong bán kính dưới 50km. Xe điện trở nên phổ biến với người dân Na Uy chính nhờ sự tiện lợi này.

Tại Anh, người dân có thể lái xe vòng quanh đất nước mà không tốn tiền cho việc sạc lại, nhờ mạng lưới trạm sạc xe điện rộng rãi, với gần 13% số điểm sạc được sử dụng miễn phí.

Theo Zap Map, 84% bộ sạc công cộng miễn phí là sạc nhanh, có công suất từ 7,5kW đến 22kW. Điều này cho phép chiếc xe được sạc đầy trong 7 giờ 33 phút với bộ sạc 7kWh hoặc ít nhất là 2 giờ khi xe trang bị bộ sạc 22kW, trong khi thông thường phải cần từ 12 đến 48 giờ để sạc đầy pin xe điện (tùy thuộc vào công suất nguồn điện).

Cuối năm 2021, Anh thử nghiệm sạc cảm ứng xe điện công cộng đầu tiên trên thế giới. Với công nghệ không tiếp xúc, xe điện sẽ được sạc tự động mà không cần dây cáp hoặc bất kỳ tương tác nào của người lái với điểm sạc.

Công ty Char.gy của Anh thử nghiệm sạc cảm ứng xe điện công cộng đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Char.gy)

Công ty Char.gy của Anh thử nghiệm sạc cảm ứng xe điện công cộng đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: Char.gy)

Thụy Điển đang lắp đặt hệ thống đường điện tự sạc đầu tiên cho xe, cách thủ đô Stockholm khoảng 100km, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025. Đáng chú ý, Stockholm hiện có 16 trạm sạc xe điện trên mỗi km vuông, thuộc top 10 thủ đô châu Âu có mật độ trạm sạc xe điện cao nhất.

Đường điện tự sạc được lắp đặt trên đoạn cao tốc dài 21km giữa Hallsberg và Örebro, do hầu hết hàng hóa giữa hai miền Bắc - Nam Thụy Điển đều đi qua Örebro. (Ảnh: The Guardian)

Đường điện tự sạc được lắp đặt trên đoạn cao tốc dài 21km giữa Hallsberg và Örebro, do hầu hết hàng hóa giữa hai miền Bắc - Nam Thụy Điển đều đi qua Örebro. (Ảnh: The Guardian)

Ngày 8/11, Chính phủ Thụy Điển bất ngờ công bố chấm dứt chính sách hỗ trợ tài chính cho người dân mua xe điện. Nguyên nhân được đưa ra do các phương tiện này đã đạt mức giá ngang bằng với dòng xe chạy xăng hoặc dầu diesel.

Như vậy, thay vì tiếp tục duy trì giải pháp tài chính, Thụy Điển đang tiến hành những kế hoạch mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sử dụng xe điện.

Chính phủ Thụy Điển có kế hoạch mở rộng cung đường tự sạc điện trong tương lai. (Ảnh: Joakim Kröger/eRoadArlanda)

Chính phủ Thụy Điển có kế hoạch mở rộng cung đường tự sạc điện trong tương lai. (Ảnh: Joakim Kröger/eRoadArlanda)

Tương tự, Hoa Kỳ đang xây dựng con đường dài 1,6 km cho phép sạc xe điện không dây tại bang Michigan. Ấn Độ cũng bắt đầu thử nghiệm đường cao tốc bê tông từ tính để sạc xe điện vào năm ngoái.

Minh họa một chiếc ô tô đang sạc trong lúc di chuyển bằng công nghệ sạc không dây tại Mỹ. (Ảnh: Electreon)

Ngoài ra, nước Đức đã đưa vào thử nghiệm 3 cung đường cao tốc sạc điện cho xe tải với công nghệ khác với những quốc gia kể trên. Hệ thống này có thể nạp điện cho xe thông qua đường dây trên cao. Xe tải hybrid (chạy bằng điện hoặc dầu diesel) có thể tới thẳng điểm đến ngay cả khi đã ra khỏi đường cao tốc.

Hệ thống cao tốc eHighway sạc điện cho xe thông qua các dây cáp trên cao. (Ảnh: Scania)

Hệ thống cao tốc eHighway sạc điện cho xe thông qua các dây cáp trên cao. (Ảnh: Scania)

Cơ sở hạ tầng sạc điện vốn là một trở ngại lớn đối với xe điện. Việc cải tiến hệ thống giao thông, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho xe điện được sử dụng rộng rãi, giảm mối lo ngại của người dân về quãng đường di chuyển.

Không thể thiếu các ưu đãi tài chính

Nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính - chủ yếu là trợ cấp mua xe, giảm/miễn thuế và các loại phí liên quan đến xe điện - được thiết kế để thu hẹp chênh lệch về giá giữa xe điện và các loại xe thông thường. Những giải pháp này đã được thực hiện ngay từ năm 1990 ở Na Uy.

Nhờ đó, Na Uy trở thành quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi sang xe điện cao nhất. Chủ xe điện tại đây được miễn phí đỗ xe, phí cầu đường và không phải trả phí tắc nghẽn như xe xăng, đồng thời xe điện có thể đi trên làn đường dành cho xe buýt.

20 quốc gia có tỷ lệ xe điện trên tổng số xe hơi bán ra cao nhất năm 2021. (Ảnh: Canary Media. Nguồn: IEA Global EV Outlook 2022)

20 quốc gia có tỷ lệ xe điện trên tổng số xe hơi bán ra cao nhất năm 2021. (Ảnh: Canary Media. Nguồn: IEA Global EV Outlook 2022)

Giá điện tại châu Âu đang tăng cao “chưa từng thấy” do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, số tiền trung bình để sạc xe điện vẫn rẻ hơn đáng kể so với việc tiếp nhiên liệu cho xe xăng. Nhìn chung, tổng chi phí cần thiết để sở hữu và vận hành xe điện vẫn thấp hơn so với xe xăng.

Trung Quốc cũng là một trong các quốc gia xây dựng chính sách hỗ trợ xe điện sớm nhất thế giới. Từ năm 2009, Chính phủ nước này bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp lên đến 47 tỷ USD để khuyến khích người dân mua xe điện.

Tuy nhiên, chênh lệch giá cả và số lượng người mua quá lớn khiến việc chi trả cho các khoản trợ cấp trở nên vô cùng tốn kém đối với Chính phủ.

Giá bán xe điện tại Trung Quốc từng đắt hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường. (Ảnh: China.org.cn)

Giá bán xe điện tại Trung Quốc từng đắt hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường. (Ảnh: China.org.cn)

Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm dần những khoản trợ cấp kể từ năm 2020. Thay vào đó, Chính phủ yêu cầu mỗi nhà sản xuất/nhập khẩu xe (cung cấp ít nhất 30.000 xe/năm) phải sản xuất/nhập khẩu tối thiểu một tỷ lệ xe điện nhất định. Đồng thời, gần như mọi nhà máy sản xuất xe bắt buộc phải có năng lực sản xuất xe điện.

Là thị trường xe điện nổi bật nhất Đông Nam Á, Thái Lan đã công bố các ưu đãi mới của chính phủ cho ngành công nghiệp xe điện vào tháng 2 năm nay. Cụ thể, mỗi chiếc xe điện sẽ nhận được một khoản trợ cấp dao động từ 18.000 baht đến 150.000 baht (khoảng 520 USD đến hơn 4.300 USD), tùy vào kiểu xe và công suất pin.

Tổng giá trị gói hỗ trợ và đầu tư vào lĩnh vực xe điện giai đoạn 2022 - 2025 lên đến hơn 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, Thái Lan còn có kế hoạch thu hút hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư để hỗ trợ sản xuất 1,2 triệu xe điện và 690 trạm sạc đến năm 2036.

Chính sách khuyến khích người dân dùng xe điện đã được áp dụng trong suốt thập kỷ qua và một số nước sẽ bắt đầu cắt giảm ngân sách ưu đãi cho xe điện trong thời gian tới. Các quốc gia vẫn cần vượt qua nhiều thách thức để hoàn thành “cuộc cách mạng xe điện”.

Hành trình “phổ cập” xe điện

Đến nay, hơn 120 quốc gia (chiếm khoảng 85% số lượng phương tiện giao thông đường bộ toàn cầu, không bao gồm xe hai/ba bánh) đã công bố các cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong vài thập kỷ tới.

Lộ trình thực hiện lệnh cấm xe xăng, mục tiêu sản xuất/bán xe điện và cam kết phát thải ròng bằng 0 của một số quốc gia. (Ảnh: IEA)

Lộ trình thực hiện lệnh cấm xe xăng, mục tiêu sản xuất/bán xe điện và cam kết phát thải ròng bằng 0 của một số quốc gia. (Ảnh: IEA)

Nhằm góp phần đạt được mục tiêu này, các quốc gia đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.

Xe điện đóng vai trò không thể thiếu trong việc đạt được mức phát thải ròng bằng không trên toàn thế giới

Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)

Số liệu từ IEA cho thấy có khoảng 16,5 triệu ô tô điện lưu thông trên toàn cầu vào năm 2021, cao gấp 3 lần năm 2018 nhưng mới chỉ chiếm hơn 1% tổng số ô tô. Dù tăng nhanh, xe điện vẫn chưa phải là một hiện tượng toàn cầu. Doanh số bán ra tại các nước đang phát triển chậm lại do giá thành cao và thiếu cơ sở hạ tầng.

Theo Markettimes

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE