Đầu năm nay, Meta triệu tập một cuộc họp khẩn để giải quyết vấn đề nghiêm trọng: hầu hết tất cả nội dung được xếp hạng cao trên Facebook đều là spam (tin rác) chứa nội dung nhạy cảm hoặc những thông tin được xếp vào loại “đáng tiếc”, theo WSJ. Được biết mạng xã hội này trước nay vẫn rất tin tưởng hệ thống đề xuất, đồng thời yên tâm rằng trang chủ người dùng sẽ chỉ hiển thị những nội dung tích cực và phù hợp.
Trong bối cảnh Meta đang lên kế hoạch chuyển thông tin hiển thị newsfeed thông thường sang những nội dung do chính Facebook đề xuất, tập đoàn này lo ngại tình trạng đầy rẫy spam kể trên sẽ khiến người dùng và các nhà quảng cáo từ bỏ mạng xã hội.
Trong vài tháng, nhóm phát triển sản phẩm và trải nghiệm người dùng đã định nghĩa lại những nội dung kém chất lượng, sau đó nhất trí cách Meta có thể áp dụng để tránh khuếch đại thông tin. Kết quả, trong bản báo cáo nội dung quý 3, không bài đăng nào trong top 20 bài đăng hàng đầu vi phạm quy tắc nền tảng.
“Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về những tiến bộ đã đạt được sau khi nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung cho Facebook,” Anna Stepanov, người đứng đầu bộ phận Liêm chính của Facebook, cho biết, đồng thời khẳng định việc Meta công khai thông tin trên là nỗ lực “tự chịu trách nhiệm”.
Câu chuyện xoay quanh nội dung hiển thị Facebook đã cho thấy sự phức tạp trong quá trình kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội, bao gồm cả Twitter. Trước đó, Elon Musk, CEO tạm thời của Twitter cũng khẳng định một trong những ưu tiên hàng đầu của ông khi tiếp quản “pháo đài tự do ngôn luận” là loại bỏ spam.
Đáng buồn, trong số hàng tỷ bài đăng hiển thị trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh, những nội dung có nhiều lượt xem nhất (đồng nghĩa với việc được lan truyền tích cực bởi hệ thống đề xuất) chủ yếu lại là tin rác. Người sáng tạo những nội dung này có xu hướng đạo văn và quảng cáo liên kết ngẫu nhiên từ các trang ẩn danh.
Meta đang lên kế hoạch chuyển thông tin hiển thị newsfeed thông thường sang những nội dung do chính Facebook đề xuất
Quý 3 năm ngoái, 70% trong số 20 bài đăng được xem nhiều nhất Facebook đều chứa những thông tin được cho là “đáng tiếc”. 30% còn lại cũng là “bait” chứa nội dung kém chất lượng. Được biết “bait” là thuật ngữ chỉ những bài đăng “mồi nhử” nhằm mục đích khiến người dùng nhấp vào xem.
Khảo sát gần đây cho thấy người dùng không thích nguồn cấp dữ liệu của họ xuất hiện những bài đăng không liên quan. Điều này khiến Meta khá lo lắng bởi công ty đang chuẩn bị chuyển nguồn cấp tin tức của người dùng sang Reels, một định dạng video ngắn phụ thuộc nhiều vào các đề xuất Facebook.
Trước đó, người dùng Instagram cũng than phiền rằng, thay vì các bài đăng từ bạn bè, họ chỉ độc thấy những quảng cáo vô bổ kèm video ngắn từ những story người lạ. Sự thay đổi dường như khiến Instagram “biến chất”:
“Hãy khiến Instagram trở thành Instagram một lần nữa.”, một người dùng chia sẻ trên trang cá nhân. “Tôi thấy rất thất vọng. Đây không phải là Instagram mà chúng tôi từng biết’’.
“Mọi người sử dụng các nền tảng vì những lý do khác nhau. Cảm giác như Instagram đang mất dần những lý do đó để thu hút người dùng. Vấn đề có thể bắt nguồn từ sự thay đổi trong tư duy thế hệ. Thế hệ Millennials lớn lên bằng những tấm ảnh, trong khi thế hệ Z trẻ hơn được “cai sữa” bằng các cuộc gọi video FaceTime’’, Jayne Charneski, chiến lược gia marketing kiêm nhà sáng lập Front Row Insights cho biết.
Đáp lại phản ứng trái chiều, ông Adam Mosseri, người đứng đầu Instagram, cho biết Instagram đang tập trung vào lĩnh vực giải trí và người dùng sáng tạo. Trạng thái từ bạn bè cũng đang được điều chỉnh để xuất hiện thường xuyên hơn trên story.
“Chúng tôi cần phải phát triển bởi vì thế giới đang thay đổi quá nhanh. Chúng tôi buộc phải thay đổi cùng với nó,” ông Adam Mosseri nói. “Chúng tôi nhận ra rằng những thay đổi đối với ứng dụng có thể điều chỉnh được và chúng tôi cần thời gian để đảm bảo rằng mình làm đúng”.
Facebook đang cố gắng phân loại những nội dung mà người dùng có thể cho là “rác”.
Dẫu vậy, cho đến nay, chưa gì có thể đảm bảo những nội dung kể trên sẽ sớm biến mất khỏi Facebook.
“Hầu hết các video hàng đầu, từ nhiều nguồn mà người dùng Facebook không hề chọn theo dõi, đều chứa cảnh bạo lực hoặc ngôn từ xúc phạm”, một báo cáo đã chỉ ra.
Trong một tuyên bố của mình, bà Stepanov cho biết Meta luôn đề cao các biện pháp đo lường chất lượng nội dung dành riêng cho video dạng ngắn. “Chúng tôi cam kết với người cùng và hy vọng sẽ tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ”, bà khẳng định.
Cụ thể, Facebook đang cố gắng phân loại những nội dung mà người dùng có thể cho là “rác”. Công ty cũng xây dựng một hệ thống riêng biệt nhằm xác định nội dung kém chất lượng trong Reels, chẳng hạn như vi phạm quy tắc ngôn từ kích động, ảnh nhạy cảm, hay thậm chí là video không đủ sáng.
Theo ông Jeff Allen, cựu chuyên gia khoa học dữ liệu tại Facebook, dù nội dung hàng đầu trên nền tảng chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những thông tin người dùng hấp thụ, song lại đóng vai trò vô cùng quan trọng.
“Nếu những nội dung được xem nhiều nhất lại bị xóa do vi phạm, đó là điều đáng báo động. Đây chính xác là một sự thất bại trong việc xây dựng hệ thống xếp hạng và phân phối phù hợp với sứ mệnh và giá trị của công ty”, ông cho biết.
Theo WSJ, báo cáo gần đây cho thấy Facebook vẫn còn nhiều việc phải làm. Chất lượng 100 bài đăng hàng đầu đã được cải thiện đáng kể, song nếu xét trên 500 hay 1000 bài đăng thì chưa chắc.