Zalo sẽ siết dần tính năng phổ thông để đảm bảo doanh số thu phí?

Nếu doanh số thu phí không đạt, có thể Zalo tiếp tục bổ sung các giới hạn sử dụng để gây khó cho người dùng, buộc họ phải mua các gói thu phí...
Zalo quyết tâm thực hiện chính sách thu phí sau khi đạt số lượng người dùng lớn
Zalo quyết tâm thực hiện chính sách thu phí sau khi đạt số lượng người dùng lớn

Từ hôm nay (01/8), Zalo bắt đầu hạn chế một số tính năng của người dùng phổ thông. Các gói Zalo thu phí triển khai để đem về doanh số cho công ty. Không chỉ vậy, để đảm bảo số tiền thu về đạt chỉ tiêu, có thể Zalo sẵn sàng tung ra thêm các hạn chế sử dụng mới cho người dùng bình thường?

Anh Xuân Bắc (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ anh dùng Zalo để kinh doanh trên mạng, lĩnh vực bán đồ thời trang online. Thời gian gần đây, anh gặp tình trạng bị giới hạn số lượng ký tự của 1 câu khi chat trong các nhóm Zalo. Đây là “lỗi” trước đây anh chưa từng gặp phải. Anh Bắc cho rằng đây có thể là thử nghiệm của Zalo nhằm hạn chế tính năng của người dùng, tiến tới việc thu phí.

“Tình trạng giới hạn ký tự xảy ra với cả nhóm chỉ có 2 thành viên. Khi tôi trao đổi 1-1 với người khác, việc giới hạn ký tự không gặp phải. Điều này gây khá nhiều bất tiện cho tôi trong quá trình kinh doanh, khi gửi các thông tin về hàng hoá, buộc phải ngắt từng dòng để gửi chứ không copy rồi gửi như trước được”, anh Xuân Bắc chia sẻ.

Tính năng giới hạn ký tự trong 1 câu khi chat trong nhóm của Zalo chưa được áp dụng đại trà. Nhưng đã có lo ngại rằng, nếu doanh số thu phí sau kế hoạch từ ngày 01/8 không đạt, có thể Zalo tiếp tục bổ sung các giới hạn sử dụng để gây khó cho người dùng, buộc họ phải mua các gói thu phí.

Zalo muốn có nguồn thu từ người dùng sau nhiều năm cung cấp dịch vụ miễn phí

Zalo muốn có nguồn thu từ người dùng sau nhiều năm cung cấp dịch vụ miễn phí

Từ ngày 01/8, có tổng cộng 5 thay đổi quan trọng xuất hiện trên Zalo. Quy định mới không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký của người dùng. Mỗi tài khoản Zalo giờ đây có 40 lần hiển thị mỗi tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại. Bên cạnh đó, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại mỗi tháng từ người lạ.

Các thay đổi quan trọng khác trên Zalo còn bao gồm danh bạ người dùng chỉ có tối đa 1.000 liên hệ, tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username. Ngoài ra, mỗi tài khoản được mặc định có 5 tin nhắn nhanh. Nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ.

Zalo khẳng định các cập nhật này nhằm giúp người dùng quản lý quyền riêng tư một cách tốt hơn. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng cách giải thích của Zalo “lấp liếm” và “không trung thực”. Lý do là trong phần cài đặt của ứng dụng, có những tuỳ chọn để người dùng chủ động thay đổi tính năng này theo hướng bảo mật hơn nếu muốn.

Đây chỉ là một biện pháp thắt chặt của Zalo nhằm thu phí người dùng ứng dụng, trong đó nhóm sử dụng Zalo để kinh doanh “trở thành mục tiêu”.

Để có thể sử dụng không giới hạn như trước kia, người dùng sẽ phải chuyển sang gói Zalo OA (Zalo Official Account) doanh nghiệp. Điểm khác biệt của gói này so với các tài khoản truyền thống là người dùng sẽ phải trả phí.

Zalo OA doanh nghiệp bắt đầu thu phí kể từ ngày 22/6. Người dùng sẽ có 3 gói tùy chọn trả phí gồm dùng thử (10.000 đồng/tháng), nâng cao (59.000 đồng/tháng) và premium (399.000 đồng/tháng).

Trong đó, gói dùng thử chỉ có thể đăng ký một lần duy nhất. Với gói nâng cao, người dùng có 2 tùy chọn là đăng ký 6 tháng và 12 tháng. Đối với gói cao cấp nhất, bên cạnh tùy chọn mua combo, đơn vị phát triển Zalo chấp nhận việc người dùng có thể thanh toán theo từng tháng một.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE