Yếu tố quyết định đẩy giá dầu tăng trở lại mức trên 120 USD/thùng

Giá dầu đã tăng trở lại mức trên 120 USD/thùng sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố thắt chặt cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao.
Một trạm bơm xăng tại Cheshire, Anh. Ảnh: THX/TTXVN
Một trạm bơm xăng tại Cheshire, Anh. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu đã tăng trở lại mức trên 120 USD/thùng sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố thắt chặt cấm vận đối với dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, theo nhận định được đăng trên tạp chí The Economist của Anh, đây chỉ là một trong nhiều nguyên nhân đẩy giá dầu tăng cao.

Trong những năm 1970, các quốc gia Arập đã sử dụng lệnh cấm vận dầu mỏ làm "vũ khí" để trừng phạt các chính phủ phương Tây liên quan đến những căng thẳng địa chính trị. Đến năm nay, EU lại nhất trí chĩa "vũ khí" này vào chính mình như một phần của vòng trừng phạt mới nhất nhằm vào Nga.

Ngoài việc loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank ra khỏi hệ thống thanh toán xuyên biên giới SWIFT, EU đồng thời cấm mua dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ như dầu diesel của Nga vào cuối năm nay. EU cho biết sẽ có sự miễn trừ "tạm thời" đối với dầu được vận chuyển bằng đường ống. Giá dầu thô Brent đã tăng lên trên mức 120 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, sau khi thông tin này được công bố.

Về nguyên tắc, quyết định này rất có ý nghĩa. Ngoài việc minh chứng cho sự đoàn kết và sẵn sàng chịu thiệt hại kinh tế để trừng phạt Nga, EU còn cắt đứt một trong số ít "sợi dây" quan hệ thương mại còn lại với Điện Kremlin. Quyết định này cũng gây tổn hại nghiêm trọng cho một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Nga. EU là thị trường tiêu thụ dầu thô lớn nhất của Nga, mua khoảng một nửa lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Tuy nhiên, có nhiều lý do để hoài nghi rằng động thái này sẽ tước đi phần lớn nguồn ngoại tệ của Điện Kremlin. Đầu tiên, lệnh cấm vận này chỉ áp dụng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển - vận chuyển bằng tàu chở dầu.

Đó là cái giá phải trả của sự thống nhất, bởi việc loại trừ dầu vận chuyển bằng đường ống là cần thiết để có được sự thỏa hiệp từ Hungary, quốc gia vừa tỏ ra thông cảm với Nga hơn hầu hết các nước EU vừa phụ thuộc rất nhiều vào đường ống Druzhba từ thời Liên Xô. Hungary nhập khẩu khoảng 65% lượng dầu thô từ Nga.

Dầu vận chuyển bằng đường biển chiếm một tỷ lệ tương tự trong dầu châu Âu nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, lệnh cấm này có thể sẽ có tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ, bởi nhiều công ty tàu chở dầu vốn đã thực hiện các biện pháp tự trừng phạt. Các công nhân bến cảng đã từ chối dỡ hàng cho các tàu chở hàng của Nga và các công ty dầu khí lớn lo lắng về việc uy tín của họ bị ảnh hưởng khi chấp nhận các lô hàng này. Các nhà tài chính phương Tây đang lùi bước trước việc ký kết các hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù các công ty bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại các đồng minh của Nga có thể thay thế một phần, nhưng họ có túi tiền hạn hẹp hơn nhiều.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu dầu thô của Nga, một khi bị trừng phạt, có bán được không? Cho đến nay, xuất khẩu dầu của Nga đã tăng lên ngay cả khi nước này bị trừng phạt. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng JPMorgan Chase, xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng lên kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Phần lớn trong số đó được chuyển đến Ấn Độ, quốc gia không đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Một câu hỏi khác là liệu châu Âu cuối cùng có thể cấm dầu của Nga được vận chuyển bằng đường ống, vốn khó chuyển hướng sang các nước khác hơn, hay không? Ba Lan và Đức đã nói rằng sẽ ngừng nhập khẩu qua đường ống Druzhba. Tuy nhiên, thật khó để tưởng tượng Hungary sẽ thôi không phản đối đối với một lệnh cấm rộng lớn hơn.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thể hiện sự sẵn sàng ngăn chặn các quyết định của EU. Nhờ giá dầu thô của Nga giảm mạnh – dầu Urals đang giao dịch ở mức thấp hơn đáng kể so với dầu Brent, giúp tập đoàn dầu khí Mol của Hungary báo cáo lợi nhuận "tăng vọt".

Mặc dù lệnh cấm vận này có thể được thực hiện một phần, nhưng việc thị trường dầu mỏ bị thắt chặt vẫn khiến giá tăng vọt. Nhu cầu về nhiên liệu tăng cao khi đại dịch lắng xuống, người tiêu dùng bắt đầu lái xe, các chuyến bay được nối lại, và khi các chính phủ thực hiện các bước đi nhằm bảo vệ cử tri khỏi tác động của chi phí năng lượng cao hơn.

Việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống COVID-19 trong những ngày gần đây cũng làm tăng thêm "cơn khát" dầu. Giá các kim loại công nghiệp, bao gồm cả quặng sắt và đồng, cũng tăng.

Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, bao gồm cả Nga, lại cho thấy rất ít dấu hiệu về việc tăng sản lượng. Tại cuộc họp vào ngày 2/6, nhóm này dự kiến sẽ không công bố bất kỳ thay đổi nào đối với kế hoạch tăng dần nguồn cung lên mức trước đại dịch (mặc dù họ dường như đang cân nhắc kế hoạch loại Nga ra khỏi các mục tiêu sản xuất của khối, điều này cho phép Saudi Arabia và các nước khác tăng sản lượng để bù đắp cho bất kỳ sự cắt giảm nào ở Nga).

Sự kết hợp giữa nguồn cung eo hẹp và nhu cầu tăng lên, hậu quả là người tiêu dùng phải trả giá cao hơn ở các trạm xăng dầu. Tệ hơn nữa, tình trạng thiếu công suất lọc dầu ở Mỹ đã khiến giá xăng và dầu diesel tăng cao hơn cả chi phí dầu thô. Francisco Blanch, chuyên gia tại Bank of America, chỉ ra rằng đồng USD tăng mạnh làm tăng chi phí cho châu Âu và các thị trường mới nổi.

Không có gì trong số này là tin tức đáng hoan nghênh trong một môi trường lạm phát. Chẳng hạn, theo các số liệu được công bố vào ngày 31/5, lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 8,1%, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế.

Các lệnh cấm vận của các quốc gia Arập trong những năm 1970 đã gây ra nỗi đau ngắn hạn cho phương Tây, nhưng cũng thúc đẩy việc tiết kiệm nhiên liệu khiến phương Tây cuối cùng đã giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Các chính phủ châu Âu ngày nay cũng có thể hy vọng rằng nỗi đau ngắn hạn đối với người tiêu dùng là xứng đáng vì lợi ích dài hạn của an ninh năng lượng.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE