Xung đột Nga-Ukraine và hậu quả đối với chuỗi cung ứng nông sản thế giới

Xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, với hậu quả là sự gián đoạn đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Một cánh đồng lúa mỳ tại Karpenkovo, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Một cánh đồng lúa mỳ tại Karpenkovo, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24/5, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Italy (CeSI) đăng tải bài viết với tựa đề “Xung đột Nga-Ukraine và hậu quả đối với chuỗi cung ứng nông sản thế giới”.

Theo tác giả, xung đột Nga-Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, với hậu quả là sự gián đoạn đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như lúa mỳ, ngô và dầu hướng dương, vốn là nền tảng thương mại quốc tế của Nga và Ukraine.

Những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất

Căng thẳng ở Ukraine bùng phát đã chứng kiến sự gia tăng mạnh của giá một số mặt hàng thiết yếu. Giá lúa mỳ đã tăng 35%, giá ngô tăng 17%, giá đậu nành tăng 8%… Điều này cho thấy cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời kéo theo những hệ luỵ tiêu cực, gây bất ổn xã hội, thúc đẩy tình trạng bất ổn cũng như biểu tình phản đối ngay cả những khu vực rất xa biên giới Nga và Ukraine.

Trên thực tế, Nga và Ukraine chiếm khoảng 1/4 sản lượng xuất khẩu lúa mỳ thế giới, 15% xuất khẩu ngô và gần như toàn bộ sản lượng xuất khẩu dầu hướng dương. Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), từ năm 2019 đến năm 2020, Liên minh châu Âu (EU) đã sản xuất khoảng 154,5 triệu tấn lúa mỳ mềm, chiếm 1/5 tổng sản lượng thế giới, từ các nước thành viên như Romania, Pháp và Đức - những quốc gia đứng đầu trong trồng trọt và xuất khẩu ngũ cốc.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất trong liên minh là không đủ để đáp ứng nhu cầu lương thực của cả khối. Do đó, trong năm 2021/2022, EU đã nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lúa mỳ mềm từ Nga và Ukraine, chủ yếu hướng đến các nước như Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp - những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do thâm hụt nhập khẩu được ghi nhận kể từ đầu cuộc xung đột.

Cụ thể, Italy chỉ sản xuất 36% tổng nhu cầu về lúa mỳ mềm. Với Tây Ban Nha, quốc gia nhập khẩu ngô hàng đầu châu Âu, có khoảng 37% nhu cầu đến từ Ukraine. Tiếp đến là Hà Lan, với hơn 1/2 sản lượng ngô nhập khẩu từ Ukraine và Italy, cũng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Ukraine với khoảng 23%. Ngoài ngũ cốc, dầu hướng dương cũng là sản phẩm mà châu Âu phụ thuộc lớn vào Ukraine, theo EC, từ năm 2021 đến năm 2022, Ukraine cung cấp khoảng 85% tổng lượng dầu hướng dương nhập khẩu vào “Lục địa Già”.

Chiến dịch quân sự của Nga tại các khu vực như Kharkiv và Lugansk, nơi tập trung gần như tổng sản lượng hạt hướng dương của Ukraine; và Dnipropetrovsk, Zaporizhzhya, Nikolaev, Odessa, Kirovograd và Poltava, những khu vực trồng ngũ cốc chính chiếm đến 62% của toàn bộ diện tích đất canh tác của Ukraine, đã làm tê liệt sản lượng lương thực của đất nước.

Tại thị trường châu Á, Trung Quốc trong năm 2021-2022 được xác định là quốc gia châu Á nhập khẩu nhiều ngô nhất, với tổng số khoảng 26 triệu tấn. Bắc Kinh cũng đã ký một thỏa thuận với Ukraine về việc đảm bảo cho nước này vay khoảng 3 triệu USD để đổi lấy 3 triệu tấn ngô. Cho đến này, Ukraine vẫn chính là thị trường cung cấp ngô chính của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Ukraine chiếm khoảng 74% nguồn cung dầu hướng dương cho Ấn Độ. Tuy nhiên, việc hạn chế xuất khẩu dầu từ Ukraine đã khiến Ấn Độ không chỉ quay sang các thị trường khác, mà còn đa dạng hóa nhập khẩu nông sản, ưu tiên các loại dầu khác. Đồng thời, sự gia tăng bất ngờ về nhu cầu đối với dầu thực vật như dầu cọ cũng đã khiến các nước sản xuất áp dụng các biện pháp bảo hộ mới.

Thu hoạch dầu cọ tại Kutamakmur, Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Với Indonesia, quốc gia mà Ấn Độ đã tìm cách lấp đầy khoảng trống từ Ukraine, gần đây đã đưa ra một đạo luật nhằm bảo vệ thị trường dầu cọ trong nước, buộc các công ty xuất khẩu lớn phải phân bổ khoảng 30% khối lượng hàng hóa của họ cho thị trường nội địa.

Một trong những khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng lương thực nông sản chính là khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA). Trong đó, Ai Cập là quốc gia nhập khẩu lúa mỳ mềm hàng đầu thế giới, phần lớn đều đến từ Nga và Ukraine.

Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ hai nước này, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nhập khẩu khoảng 78% lúa mỳ vào năm 2020. Khủng hoảng Ukraine cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi thâm canh, tác động tiêu cực tới ngành nông nghiệp.

Việc gián đoạn nguồn cung từ Nga và Ukraine đang tác động tiêu cực tới Yemen, đất nước luôn phải đối mặt với cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2014. Không chỉ sự gián đoạn nguồn cung từ Nga và Ukraine, chiếm khoảng 40% lượng lúa mỳ nhập khẩu của Yemen, mà việc giá ngũ cốc trên toàn cầu tăng cũng gây ra mối lo ngại nghiêm trọng đối với quốc gia Arập vốn đang đối mặt khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, và phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo từ các tổ chức quốc tế hiện diện trong khu vực.

Các giải pháp riêng biệt

Để kiềm chế cuộc khủng hoảng lương thực và sự bất bình của người dân, chính phủ các nước đã đưa ra các biện pháp riêng biệt. Thủ tướng Morocco Aziz Akhennouch đã thông báo tạm dừng đánh thuế hải quan đối với nhập khẩu lúa mỳ mềm, cũng như phân bổ các khoản bồi hoàn bổ sung cho các nhà nhập khẩu.

Chính phủ Tunisia cũng chuẩn bị một kế hoạch đa dạng hóa nhà cung cấp hướng tới Argentina, Uruguay, Bulgaria và Romania như những lựa chọn thay thế khả thi cho lúa mỳ mềm và Pháp với lúa mạch. Trong khi các nước như Ai Cập, Lebanon và Iraq, đang xem xét các chính sách về trợ cấp lương thực, với sự gia tăng giá cả, có thể đè nặng lên ngân sách quốc gia với mức tăng khoảng 760 triệu USD.

Xung đột ở Ukraine cũng đã gây ra phản ứng bảo hộ ở nhiều quốc gia nhằm bảo vệ sản lượng ngũ cốc trong nước. Đó là trường hợp của Hungary và Bulgaria, kể từ ngày 5/3, hai nước đã chặn xuất khẩu lúa mỳ để đảm bảo nguồn cung nội địa và kiềm chế việc tăng giá.

Ngoài ngũ cốc, Nga sản xuất khoảng 13% tổng lượng phân bón thế giới và việc bán phân bón ra nước ngoài có thể bị hạn chế vì lý do chính trị (đáp trả các lệnh trừng phạt). Hơn nữa, quyết định của Điện Kremlin đình chỉ cho đến tháng Tư việc xuất khẩu amoni nitrat, hoạt chất cần thiết cho việc bón lúa mỳ, có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nông nghiệp, gây rủi ro dài hạn cho doanh thu ngũ cốc trong những năm tiếp theo.

Đa dạng hóa các nguồn cung dường như là chiến lược chính để giảm thiểu tác động của việc gián đoạn chuỗi thực phẩm. Trên thực tế, vào ngày 2/3, trong một cuộc họp bất thường trong Hội đồng châu Âu, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước thành viên đã thảo luận về các biện pháp có thể thực hiện ở cấp nội bộ và EU để đối phó với khủng hoảng.

Cuộc họp đã nhắc đến các biện pháp làm cho thương mại quốc tế tương thích với các tiêu chuẩn cao của sản xuất nông nghiệp châu Âu, thông qua việc hạ thấp giới hạn tối đa của thuốc trừ sâu hiện được Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) cho phép, và cho phép thực hiện các thỏa thuận mới với các nước thứ ba, cũng như nới lỏng sự phụ thuộc nông nghiệp hiện đang ràng buộc Liên minh châu Âu với Ukraine và Nga.

Khủng hoảng Ukraine đã và đang khơi lại cuộc tranh luận về chủ quyền lương thực, các quốc gia đang áp dụng một chiến lược giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước thứ ba và hướng tới khả năng tự cung cấp lương thực nhanh chóng để đảm bảo khả năng phục hồi trong các trường hợp bất ổn quốc tế.

Một kịch bản có thể hướng tới đó là việc triển khai các biện pháp rút ngắn chuỗi sản xuất, với việc đưa người sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng, chú ý đến lãnh thổ địa phương và tính bền vững của ngành nông sản thực phẩm.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE