Xuất khẩu hạt điều trở thành "nạn nhân" của lạm phát và USD lên giá

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang top 3 thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc đều giảm sản lượng và giá trị, trong đó Trung Quốc có mức giảm lớn nhất...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 8/2022, xuất khẩu hạt điều đạt 22.139 tấn, trị giá 129,171 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 8,56% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá do giá xuất khẩu giảm. Riêng tháng 7/2022, giá điều xuất khẩu bình quân giảm 4,3% so với tháng 6/2022.

Khác biệt ở ba thị trường trọng điểm

Trong 7 tháng đầu năm nay cả nước đã xuất khẩu 294.855 tấn hạt điều, thu về gần 1,77 tỷ USD, giá trung bình 5.994,6 USD/tấn, giảm 10,3% về lượng và giảm 11% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021 và giá cũng giảm nhẹ 1,7%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu hạt điều nhiều nhất, đạt 88.254 tấn, với 510,53 triệu USD, giá bình quân 5.784,8 USD/tấn, giảm 12,8% về lượng, giảm gần 11% về giá trị nhưng tăng 2,2% về giá so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm gần 30% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước.

Thị trường EU tiếp tục đứng thứ 2, xuất khẩu được 62.258 tấn, với 356,92 triệu USD, giá bán trung bình 5.732,9 USD/tấn; giảm 12,4% về lượng, giảm 10,7% về kim ngạch nhưng tăng 1,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 21% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 36.874 tấn, với 225,76 triệu USD, giá bình quân 6.122,5 USD/tấn; chiếm 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 18,4% về lượng và giảm 32,7% kim ngạch và giảm 17,5% về giá bán.

Lý giải nguyên nhân giảm ở 3 thị trường chính, ông Tạ Quang Huyên – Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Giám đốc công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, top 3 thị trường lớn xuất khẩu nhân điều của Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Hai thị trường Mỹ và châu Âu tuy giảm về lượng nhưng giá xuất không giảm, trong khi Trung Quốc giảm giá bán rất mạnh do thị trường này bán hàng giao ngay.

“Với thị trường Mỹ và châu Âu là những hợp đồng có thời gian giao hàng xa và ký từ khi giá điều xuất khẩu chưa giảm. Riêng thị trường Trung Quốc nhu cầu tới đâu họ mua tới đó nên giá thị trường tăng, giảm sẽ tác động ngay. Đó là lý do chúng ta thấy giá xuất đi Trung Quốc giảm mạnh, ngược lại xuất đi châu Âu châu Mỹ giá vẫn tốt”, Phó chủ tịch VINACAS nói.

Tác động lạm phát cộng hưởng với USD tăng giá

Chiến tranh Nga – Ukraina đẩy giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, đồng USD đang mạnh lên còn nội tệ các nước nhập khẩu thì mất giá, nhưng các nước mua hạt điều bằng USD về bán bằng nội tệ, còn người dân đang thắt chặt chi tiêu trong khi hạt điều không là thực phẩm thiết yếu đã tác động cộng hưởng và trực tiếp lên tiêu thụ điều nhân.

Vẫn theo ông Tạ Quang Huyên, dù thị trường Mỹ chiếm đến 30% tổng lượng điều xuất khẩu của cả nước nhưng khi USD tăng giá cũng không có lợi ích gì khác biệt, vì thị trường này nhập khẩu bằng USD và bán bằng USD.

Nhưng 70% lượng hạt điều còn lại xuất đi các nước sẽ bị thiệt hại, do các nước này nhập khẩu bằng USD và bán ra bằng nội tệ, khi nội tệ mất giá đồng nghĩa với việc họ đang bán lỗ nên quay lại nhập khẩu giá thấp. Khi các thị trường khác mua giá thấp thì thị trường Mỹ cũng mua thấp theo.

Nhìn chung, năm nay là một trong những năm buôn bán ế ẩm nhất của ngành điều.

Về nguyên nhân xuất khẩu điều giảm trong thời gian qua, Phó chủ tịch VINACAS cho rằng do nhà nhập khẩu đã mua nhiều trong năm qua dẫn đến tồn kho luân chuyển còn nhiều nên năm nay họ mua ít lại.

Hàng năm lượng điều nhân xuất khẩu của Công ty Olam chiếm khoảng 20%/ tổng xuất khẩu điều của Việt Nam, nhưng năm nay họ chỉ xuất khẩu 10% điều nhân, 10% còn lại xuất khẩu điều chế biến sâu. Nhưng thống kê xuất khẩu chỉ thể hiện nhân điều nên nhìn thấy lượng xuất khẩu có vẻ như giảm hơn 10% dù trên thực tế chỉ giảm một nửa con số trên.

Với giá giảm, nhà nhập khẩu dĩ nhiên từ tốn...

Dự đoán thị trường xuất khẩu hạt điều trong các tháng cuối năm, Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho rằng, trong điều kiện môi trường kinh doanh bình thường doanh nghiệp có thể dự đoán trước để đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, còn tình hình bất ổn như hiện nay thì rất khó có thể đoán định, mặc dù tại thời điểm này hợp đồng mới vẫn có nhưng không nhiều như các năm trước.

Từ nay đến cuối năm ngành điều sẽ vẫn có hợp đồng mới, nhưng vấn đề là nhu cầu thấp hơn nguồn cung nên nhà nhập khẩu sẽ không vội ký hợp đồng mới và ký với số lượng lớn, mà họ sẽ mua hàng ‘một cách từ tốn’ nhằm đè giá xuất khẩu xuống; vì vậy, thị trường diễn biến tới đâu thì lần tới đó.

“Không ai nghĩ rằng đồng Euro mất giá đến 14% - 15% so với USD, ngay cả đồng Úc, Yên Nhật và Nhân dân tệ … đều mất giá. Trong khi các nhà nhập khẩu mua hạt điều bằng USD và bán bằng nội địa, để không bị lỗ họ phải tăng giá bán nhưng tăng giá người dân lại không mua nên quay lại giảm giá mua.

Tuy vậy, vào các tháng 10 hay 11, khi thị trường tăng nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu các dịp lễ, tết cuối năm giá xuất khẩu có thể tăng nhưng không chắc chắn lắm. Riêng với Hoàng Sơn 1 thì nhà máy vẫn hoạt động hết công suất và trong thời gian qua vẫn xuất khẩu ổn định, nên lượng điều nhân xuất khẩu năm nay sẽ bằng năm 2021. Tuy lượng xuất không giảm nhưng giá bán không bằng năm 2021”, Giám đốc công ty Hoàng Sơn 1 nhìn nhận.

Đọc tiếp

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Khu công nghiệp - ảnh minh họa

Tây Ninh sắp có thêm khu công nghiệp quy mô gần 500 ha

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 214/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Chat với BizLIVE