Xoay chuyển để vươn lên sau đại dịch COVID-19

Các doanh nghiệp Việt vẫn luôn sẵn sàng để phục hồi, tạo ra những lối đi riêng để vươn lên sau COVID-19. Thời điểm này họ cần có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong đó, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách.
Trước những khó khăn do dịch, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt xoay chuyển để phát triển. Ảnh: Hải Nguyễn
Trước những khó khăn do dịch, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt xoay chuyển để phát triển. Ảnh: Hải Nguyễn

Linh hoạt vượt khó khăn

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 149.451 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, hơn 35.000 lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 2,5 triệu tỉ đồng. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Dù sau một thời kỳ kéo dài bị đại dịch “hành hạ” thậm chí đánh bay những thành tựu, tiềm lực tích luỹ nhiều năm nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn luôn sẵn sàng để phục hồi.

Anh Lê Tuấn - người sáng lập thương hiệu thể thao GoodFit chuyên cung cấp các sản phẩm giúp phòng ngừa, chống chấn thương thể thao kể về câu chuyện để doanh nghiệp tồn tại qua khó khăn.

Với kinh nghiệm phân phối sản phẩm thể thao cho nhiều thương hiệu lớn, anh Tuấn nói rõ mong muốn, không chỉ hướng tới mục đích lợi nhuận mà còn muốn có sản phẩm riêng của người Việt, từng bước xây dựng thương hiệu Việt. Trước định hướng đó, anh Tuấn lựa chọn hướng đi ngách với các dòng sản phẩm phòng tránh chấn thương trong tập luyện thể thao và cho ra đời thương hiệu GoodFit.

Để doanh nghiệp trẻ mới ra đời có thể phát triển, anh Tuấn lựa chọn hướng đi khác biệt, xây dựng sản phẩm phù hợp, tập trung phát triển thương hiệu. Anh tập trung nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng, chọn sản phẩm phù hợp và đặt nhà máy gia công sản phẩm tại nhiều quốc gia khác nhau. Tồn tại sau COVID-19, đến nay, thương hiệu của anh Tuấn đã có cả trăm mã hàng.

Có lẽ, doanh nghiệp ngành xây dựng là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Dù vậy, với sự bản lĩnh của người lãnh đạo, dù là doanh nghiệp đang còn nhỏ nhưng họ luôn khao khát được cống hiến, họ luôn phải “giành giật” sự sống để mang lại sự phát triển cho nền kinh tế.

Chia sẻ với PV, ông Lê Hoàng Nam - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hoàng Minh - cho biết, gần như công ty phải gồng mình xoay chuyển để trụ vững trước và sau dịch. Theo ông Nam, sau đại dịch doanh nghiệp của ông nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao, số lượng và lợi nhuận của đơn hàng sụt giảm do thắt chặt chi tiêu, thiếu lao động…

Để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao sức chống chịu cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới, ông Nam cho rằng cần cải thiện tính ổn định về tài chính và tính thanh khoản giúp doanh nghiệp tránh mất khả năng thanh toán do lợi nhuận sụt giảm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) nói rằng, sau dịch COVID-19, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã tham gia tích cực vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó đẩy nhanh tốc độ sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm 2022.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2022, ngành xây dựng có sự tăng trưởng hết sức rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, điều đó chứng tỏ các biện pháp của Chính phủ đã có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không hoàn thành kế hoạch năm, kể cả doanh thu lẫn sản lượng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, một trong những quan ngại tiếp theo đối với các doanh nghiệp là vấn đề tài chính. Tại nhiều dự án đầu tư công, việc tạm ứng vốn “nhỏ giọt” và tình trạng nợ đọng đang khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn. Khoảng 90% doanh nghiệp xây dựng hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô vốn dưới 100 tỉ đồng.

Do đó, việc duy trì hoạt động doanh nghiệp chủ yếu dựa vào vốn tín dụng, vốn tạm ứng từ chủ đầu tư. Trong khi đó, các khoản nợ tín dụng thì phải trả lãi, các khoản nợ đọng hợp đồng từ chủ đầu tư thì không được tính lãi, điều này “đẩy” nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng hết sức khó khăn.

Ông Hiệp mong Chính phủ, bộ, ngành chức năng sớm ban hành giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; đồng thời, có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

Trước những khó khăn do dịch, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt xoay chuyển để phát triển. Ảnh: Hải Nguyễn

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, hiện nay, sức ép tài chính đối với khu vực doanh nghiệp trong giai đoạn hậu COVID-19 là rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc của Chính phủ nhằm khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú nói rằng, cần xây dựng một cơ chế cho các doanh nghiệp đang đi tiên phong về môi trường, với các thể chế liên quan đến những ưu tiên, ưu đãi về thuế và đất đai cho những địa điểm đặt các nhà máy sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Vị này nhấn mạnh các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới cần đảm bảo tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo hướng xây dựng các chính sách trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu; không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà.

“Các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt; ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác”, ông Tú nói thêm.

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp còn tiếp tục phản ánh về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.

Hiện nay, một số dự thảo luật quan trọng, tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta đang được soạn thảo, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Đây là cơ hội tốt để nhìn hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo đang tồn tại ở pháp luật hiện hành, cũng như là cơ hội lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng, thực thi các chính sách.

Vì vậy, các chuyên gia đề nghị quá trình xây dựng các dự thảo cần tiếp tục tham vấn rộng rãi, công khai cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý cần được minh bạch để tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh.

Ngoài ra, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến doanh nghiệp và còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp như đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động…

Theo Báo Lao động

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

T&T Group hợp tác với Wyndham Hotels & Resorts vận hành khách sạn tại Hải Dương

T&T Group hợp tác với Wyndham Hotels & Resorts vận hành khách sạn tại Hải Dương

Dự án khách sạn của T&T Group tọa lạc giữa trung tâm thành phố Hải Dương vừa chính thức trở thành 1 trong 43 khách sạn mang thương hiệu Wyndham tại Việt Nam và là khách sạn duy nhất tại Hải Dương được vận hành quản lý bởi Wyndham Hotels & Resorts - đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý vận hành khách sạn uy tín trên toàn cầu.

Chat với BizLIVE