Quay về eMagazine
Vươn tầm hàng Việt

Vươn tầm hàng Việt

Xuất nhập khẩu Việt Nam một lần nữa là điểm sáng trong một năm đầy bất ổn và biến động trên toàn cầu. Kỷ lục mới được thiết lập, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt tới 732,5 tỷ USD.

Trong kỷ lục kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu, các sản phẩm nông sản Việt Nam có một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay, nhiều mặt hàng mới đã vươn tầm tới các thị trường khó tính trên thế giới.

Kể từ thời điểm chính thức mở cửa sâu rộng năm 1995, xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều kỷ lục mới liên tục được thiết lập. Theo thống kê hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu lần đầu tiên đạt dấu mốc 100 tỷ USD vào năm 2007. Chỉ sau 4 năm, vào năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam đã tiếp tục cán mốc trị giá 300 tỷ USD.

Đặc biệt, tốc độ rất mạnh mẽ thể hiện chỉ 2 năm sau đó, vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Sau đó, cứ mỗi chu kỳ 2 năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam lại tăng thêm 100 tỷ USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019 và cán mốc 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.

Năm 2022 tiếp tục là bước bứt tốc thần kỳ, khi đến giữa tháng 12, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chính thức cán mốc 700 tỷ USD; kết năm với con số trên 732,5 tỷ USD, xuất siêu kỷ lục 11,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; nhập khẩu 360,65 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021.

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê

Trong thành tích xuất khẩu ấn tượng và xuất siêu kỷ lục của Việt Nam với 36 mặt hàng trong “câu lạc bộ tỷ USD”, riêng ngành nông nghiệp đã có tới 11 nhóm mặt hàng gồm 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, thặng dư thương mại toàn ngành nông nghiệp ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Đây là con số lịch sử của ngành, đóng góp chủ lực (chiếm hơn 75%) trong tổng giá trị xuất siêu của cả nền kinh tế.

Theo tổng kết của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 cũng đạt kỷ lục mới là 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Đây cũng là mức cao nhất lịch sử, vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 50 tỷ USD.

“Những con số tăng trưởng cho thấy, nền nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ nâu sang xanh, chuyển hướng khai thác sâu vào gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới biến động sâu sắc, việc tiếp tục đạt giá trị xuất khẩu cao kỷ lục càng làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành, không chỉ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo an ninh lương thực, an toàn xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận tại cuộc họp tổng kết của ngành ngày cuối năm.

Đơn vị: tỷ USD; Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đơn vị: tỷ USD; Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

MỞ RỘNG VỊ THẾ TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG LỚN

Trong điểm sáng xuất khẩu, các sản phẩm nông sản Việt Nam thực sự nổi bật khi có một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng mới đã tiếp cận được các thị trường khó tính trên thế giới.

Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã liên tiếp ký các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây, thực phẩm mới sang Trung Quốc như: chanh leo, chuối, sầu riêng, khoai lang, tổ yến… Mới đây, Mỹ cũng đã chính thức mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam; quả nhãn, mắc ca cũng được Nhật Bản cho phép nhập khẩu; New Zealand mở cửa cho trái chanh xanh của Việt Nam. Đồng thời, nhiều loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đã xuất hiện trên các kệ siêu thị của Mỹ, EU, Nhật Bản,…

Với hai mặt hàng mới chính thức sang Nhật Bản từ cuối tháng 11, Việt Nam hiện đã có 5 loại nông sản được xuất khẩu tới thị trường này gồm thanh long, xoài Cát Chu, vải thiều, nhãn và mắc ca.

Còn với thị trường Mỹ, đầu tháng 12 vừa qua, bưởi là loại trái cây thứ bảy của Việt Nam được phép xuất khẩu sang, sau các loại quả trước đó là xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Theo đó, lần đầu tiên, 2 tấn bưởi da xanh Bến Tre đã được xuất khẩu sang Mỹ qua đường hàng không, giá bán từ 6,99 - 7,99 USD/pound. Như vậy, mỗi trái bưởi da xanh Việt Nam được bán tại Mỹ có giá tới hơn 500.000 đồng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện bưởi tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản lượng xuất khẩu hơn 3.000 tấn trong năm 2021. Từ việc Mỹ chấp nhận cho nhập khẩu trái bưởi Việt Nam, Cục này kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu bưởi sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương

Nguồn: Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương

Với mặt hàng gạo, trong năm qua, hơn 7 triệu tấn gạo Việt được xuất khẩu, vượt khoảng 600.000 tấn so với mục tiêu, mang về doanh thu gần 3,5 tỷ USD, khép lại một năm bứt tốc thành công của ngành trong bối cảnh đầy biến động của thị trường thế giới.

Điểm ghi nhận, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm tiếp tục được chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc...

Chia sẻ với báo giới vào cuối tháng 10/2022 - một doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu là Tập đoàn Lộc Trời cho biết đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU vào năm 2023. Đây cũng chính là tín hiệu tích cực cho thấy gạo thương hiệu riêng của Việt Nam đã được người tiêu dùng EU đón nhận.

Trước đó, vào tháng 9/2022, lô hàng 500 tấn gạo mang thương hiệu riêng Cơm VietNam Rice đầu tiên của Lộc Trời đã được đưa lên kệ các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Pháp. Sau đó, các khách hàng đã nhập thêm 500 tấn và trong vòng 1 tháng đã tiêu thụ hết 1.000 tấn gạo thương hiệu riêng của Việt Nam. Thông qua các hệ thống bán lẻ lớn, gạo Việt sẽ không chỉ tiếp cận được người tiêu dùng Pháp mà đích đến còn là các thị trường Đức, Anh, Hà Lan…

Nhật Bản - một thị trường khó tính khác với hệ thống tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe trong năm qua cũng đón nhận gạo Việt từ Tập đoàn Tân Long. Đầu tháng 7/2022, lần đầu tiên, 100 tấn gạo ST25 Việt Nam mang thương hiệu A An, do Công ty Suntomi International nhập khẩu và Công ty Spice House phân phối đã được bày bán chính thức tại các siêu thị, cửa hàng tại Nhật Bản.

Hay trong ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã đặc biệt chọn dùng gạo ST25 cho bữa trưa của mình. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 2/9 món cơm chiên sử dụng nguyên liệu từ gạo ST25 - loại “gạo ngon nhất thế giới” của Việt Nam đã trở thành “bữa trưa đặc biệt” của cán bộ Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, đây là thành quả sau một thời gian dài Công ty Nikkokutrust - một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp suất ăn tại các trường học, cơ quan công sở ở Nhật đã thành công khi đưa gạo ST25 vào bếp ăn của Nội các Nhật Bản để sử dụng chế biến các món ăn cung cấp cho cán bộ của cơ quan này. Với thị trường Nhật, tiềm năng xuất khẩu gạo Việt là vô cùng rộng lớn, bởi theo thống kê, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Nhật chỉ đạt 48,7 triệu yen chiếm chưa tới 0,1% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của xứ sở “mặt trời mọc”.

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE