Vụ “bể kèo” trên Shark Tank Việt Nam: Startup “quay xe”, Shark nổi giận, Giám đốc chương trình không thể phán xử

Nerman không thực hiện cam kết nhận đầu tư và gửi lời xin lỗi tới Shark Bình.
Nerman nhận lời đầu tư của Shark Phú và Shark Bình ở chương trình
Nerman nhận lời đầu tư của Shark Phú và Shark Bình ở chương trình

Nerman là thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho nam giới cung cấp các dòng sản phẩm từ tắm rửa, chăm sóc da đến makeup cho nam giới. Một sản phẩm có thể có nhiều công năng như có thể vừa tắm, vừa rửa mặt, vừa gội đầu. 3 nhà sáng lập của Nerman gồm Đặng Thanh Định, Nguyễn Văn Nhật, Hồ Xuân Hải đến Shark Tank Việt Nam để gọi vốn đầu tư.

3 đồng sáng lập của Nerman

3 đồng sáng lập của Nerman

Startup hiện bán hàng theo 2 hình thức là D2C (Direct to customer - phân phối trực tiếp tới khách hàng) và O2O (online to offline - từ trực tuyến đến trực tiếp). Startup này hiện tập trung vào 3 thị trường lớn là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Bắt đầu mở bán từ đầu năm 2021, đến hết quý 1/2022, Nerman có 150.000 khách hàng và bán ra hơn 330.000 sản phẩm. Do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh thu năm 2021 của startup đạt 848.000 USD với lợi nhuận trước thuế là 10%. Đến năm 2022, doanh thu trước thuế quý đầu tiên đạt 1,3 triệu USD. Dự kiến năm 2022 đạt doanh thu 10,2 triệu USD và tăng trưởng từ 50-100% trong các năm tiếp theo.

Nói về cách marketing, Thanh Định cho biết Nerman sử dụng các kênh influencer (người có sức ảnh hưởng). Mỗi tháng Nerman có khoảng 300 video giới thiệu và mở hộp, đạt trung bình hơn 10 triệu lượt xem/tháng.

Các sản phẩm của Nerman hiện đang được gia công tại Việt Nam từ nguyên liệu nhập khẩu châu Âu theo công thức mà startup cung cấp.

Shark Phú đánh giá kết quả kinh doanh của Nerman rất ấn tượng. Ông cho biết sẽ giúp Nerman mở rộng sang các kênh khác như siêu thị hay kênh truyền thống. Với những lợi thế hiện có, Shark Phú đề nghị đầu tư 500.000 USD đổi lấy 20% cổ phần của Nerman.

Shark Bình cho biết NextTech có hệ sinh thái về thương mại điện tử, logistics. Ông có thể giúp Nerman gọi vốn các vòng sau từ các quỹ đầu tư nước ngoài với định giá tăng lên nhiều lần. Từ những lợi thế này, ông đề nghị đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 30% cổ phần. “Shark Phú hỗ trợ cả kênh offline, đi ra các siêu thị. Tôi hỗ trợ mảng online, fulfillment ra Đông Nam Á”, Shark Bình thuyết phục.

Thanh Định đề xuất Shark Bình và Shark Phú cùng đầu tư cho mình. Đồng sáng lập của Nerman đưa ra đề xuất cuối cùng là 1 triệu USD đổi lấy 27% cổ phần, trong đó 7% sẽ lấy từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập và nhận được sự đồng ý của Shark Phú và Shark Bình.

Ngày 14/5, sau khi ghi hình xong chương trình Shark Tank, đội ngũ thẩm định từ quỹ đầu tư Next100 của Shark Bình liên hệ làm việc với Nerman. Thông thường, sau khi quay xong, nhà đầu tư sẽ yêu cầu cung cấp thông tin, số liệu để thẩm định. Khi đó, startup viện lý do bận để kéo dài thời gian cung cấp thông tin.

Ngày 26/6, hơn một tuần sau khi thương vụ được phát sóng, Nerman từ chối nhận thẩm định từ Next100 với lý do “thay đổi định hướng gọi vốn nên tạm thời không nhận vốn đầu tư tại thời điểm này”.

Shark Bình nổi giận vì bị lật kèo

Shark Bình nổi giận vì bị lật kèo

Đánh giá về quyết định bất ngờ từ các đồng sáng lập của Nerman, Shark Bình bức xúc cho rằng startup “bùng kèo” và chỉ muốn lợi dụng hiệu ứng truyền thông lớn của chương trình Shark Tank Việt Nam để PR tên tuổi và bán hàng. Ông Nguyễn Hoà Bình cũng ám chỉ đội ngũ của Nerman “không đàng hoàng” và “hành xử nhập nhèm”.

Phản ứng lại những cáo buộc của Shark Bình, Thanh Thịnh đồng sáng lập Nerman khẳng định startup vẫn làm việc với Shark Phú, lần gần nhất là ngày 27/6. Giải thích lý do từ chối Shark Bình, đại diện Nerman chia sẻ sau khi trở về từ Shark Tank, các thành viên bàn bạc và thống nhất sẽ dành sự tập trung cho kênh offline. Vì vậy, Shark Phú có thể hỗ trợ Nerman nhiều cho định hướng này. Thanh Thịnh gửi lời xin lỗi đến Shark Bình và team Next100.

Nerman từ chối Shark Bình, chỉ nhận đầu tư từ Shark Phú

Nerman từ chối Shark Bình, chỉ nhận đầu tư từ Shark Phú

Đại diện Nerman cũng thanh minh việc chậm trễ trả lời đội ngũ thẩm định của Shark Bình. Lý do là sau khi quay xong Shark Tank, anh và toàn bộ nhân sự chuẩn bị hàng để đáp ứng các đơn tăng đột biến nhờ hiệu ứng của chương trình. Ngoài ra, Thanh Thịnh cũng cam đoan startup không lợi dụng Shark Tank để hưởng lợi truyền thông, hoàn toàn nghiêm túc với ý định gọi vốn.

Bình luận về sự cố, Giám đốc sản xuất Shark Tank Lê Hạnh khẳng định: “Thật khó chấp nhận. Bạn mất nhiều năm để xây dựng danh tiếng và 5 phút để huỷ hoại. Nếu như bạn cân nhắc điều này, bạn sẽ hành xử khác.

Nếu đề nghị đầu tư của Shark không hợp lý bạn có quyền từ chối deal ngay trên sóng truyền hình, sòng phẳng. Còn trường hợp này, bạn huỷ deal ngay sau khi phát sóng mà không đưa ra lý do thuyết phục, là bạn vi phạm cam kết. Cứ vin vào lợi ích mà huỷ cam kết, đấy là cách hành xử chộp giật”.

Trước khi bắt đầu mùa 5 từ đầu tháng 6, Shark Tank Việt Nam từng bị chỉ trích về thực trạng các Shark “lười” đầu tư cho startup đến với chương trình. Dường như cả những doanh nhân “cá mập” và công ty khởi nghiệp đều có mặt ở đây với mục đích lớn nhất là được nhiều người biết đến, hưởng lợi từ hiệu ứng truyền thông.

Sự cố mới nhất Nerman công khai “bẻ kèo” mà không chịu chế tài, án phạt nào cho thấy quy định của chương trình dành cho startup cũng như các Shark tham gia còn rất sơ sài, lỏng lẻo. Những phát ngôn, chốt kèo trên sóng truyền hình dường như không chịu quá nhiều ràng buộc và người tham gia có thể dễ dàng thay đổi chỉ bằng câu xin lỗi.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE