Việt Nam và Anh thúc đẩy khai thác tiềm năng thương mại

Hợp tác về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và tài chính xanh sẽ là những lĩnh vực chủ chốt trong quan hệ song phương giữa hai nước trong những năm tới.
Việt Nam và Anh thúc đẩy khai thác tiềm năng thương mại

Ngày 18/4 tại London, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh phối hợp với mạng lưới doanh nghiệp British Expertise International (BEI) tổ chức tọa đàm “Việt Nam-Anh: Lĩnh vực hợp tác mới trong thương mại và kinh doanh” nhằm khám phá những cơ hội hợp tác thương mại mới sau khi Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)".

Diễn ra trong khuôn khổ Những ngày Việt Nam tại Anh từ 28/3 đến 27/4 kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Anh, tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long; Nghị sĩ Mark Garnier, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar (Mi-an-ma) và Brunei (Bru-nây); đại diện Bộ Kinh doanh và thương mại Anh; và các doanh nghiệp Anh.

Tọa đàm đã thảo luận các cơ hội hợp tác kinh doanh, thương mại giữa Việt Nam và Anh, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, giáo dục, y tế, công nghệ và cơ sở hạ tầng. Tại sự kiện, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long và Nghị sĩ Mark Garnier cũng giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp Anh liên quan tới môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhận định tiềm năng phát triển thương mại giữa hai nước còn rất lớn, đặc biệt khi Anh gia nhập CPTPP. Đại sứ nhấn mạnh với nền kinh tế phát triển nhanh, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ lớn với nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm chất lượng cao, chỉ ra cơ hội xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm của Anh như rượu whisky, thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp.

Đại sứ Nguyễn Hoàng Long chỉ ra rằng hợp tác về năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và tài chính xanh sẽ là những lĩnh vực chủ chốt trong quan hệ song phương trong những năm tới khi cả hai nước đều thúc đẩy các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại sứ cho rằng với cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ cần hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa hai nước.

Về phần mình, Nghị sĩ Mark Garnier đánh giá cao thành tựu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây cũng như sự năng động của đất nước, nhận định với khoảng 100 triệu dân với thế hệ trẻ có khát vọng và có học vấn tốt, Việt Nam có những cơ hội phát triển kinh tế hoàn hảo đối với những nước và đối tác đang muốn tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

Ông Garnier cho biết hậu Brexit và trong thời điểm vừa kết thúc đàm phán gia nhập CPTPP về nguyên tắc nước Anh muốn tận dụng các cơ hội phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á với dân số khoảng 500 triệu người và sẽ trở thành khối kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Ông chỉ ra rằng nếu muốn tham gia vào các cơ hội phát triển toàn cầu, Anh chắc chắn phải hướng đến hợp tác với các quốc gia tại Đông Nam Á như Việt Nam, mà theo ông theo sẽ là một trong các quốc gia phát triển năng động nhất thế giới trong vòng 50 năm tới.

Nghị sĩ Garnier chỉ ra 7 lĩnh vực mà Anh muốn tập trung thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, gồm năng lượng, giáo dục, dịch vụ tài chính, khoa học, y tế, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Đặc phái viên thương mại Anh cho rằng với hơn 3.000 km đường bờ biển và có nguồn năng lượng Mặt Trời có thể sản xuất ra điện Mặt Trời tốt hơn 4 lần so với Thái Lan, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển các trang trại điện gió trên bờ và ngoài khơi cũng như các nhà máy điện Mặt Trời, chỉ ra rằng đây là những cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Anh có thể hợp tác với Việt Nam.

Đề cập tới hợp tác trong dịch vụ tài chính, ông Garnier cho rằng việc Việt Nam mong muốn xây dựng các thành phố lớn trở thành trung tâm dịch vụ tài chính của khu vực là cơ hội tuyệt vời để hai nước hợp tác. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh để xây dựng các trung tâm tài chính, cần lựa chọn các quy định pháp lý để có thể thu hút được đúng nguồn vốn, đảm được niềm tin của nhà đầu tư rằng tài sản được đảm bảo an toàn và minh bạch.

Ông Garnier cũng nhận định có nhiều tiềm năng trong hợp tác giáo dục khi Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học, với những người trẻ tuổi đều có nhu cầu học tiếng Anh để có cơ hội phát triển toàn cầu. Ông cho biết hiện nay một số trường của Anh đã hợp tác, mở các hệ thống giáo dục tại Việt Nam, song chi phí cho loại hình giáo dục này hiện vẫn cao, nhận định việc hợp tác sâu rộng hơn có thể giúp giảm chi phí và phù hợp với nhiều đối tượng hơn.

Việt Nam và Anh ghi nhận những bước phát triển trong quan hệ thương mại sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Thương mại hai chiều năm 2022 đạt 6,83 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam và lớn thứ tư trong các nước và vùng lãnh thổ ở châu Âu và châu Mỹ sau Mỹ, Đức và Hà Lan. Về đầu tư, Anh nằm trong số 15 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với 500 dự án với tổng vốn đăng ký 4,19 tỷ USD.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE