Việt Nam tiếp tục đứng đầu thế giới về mức độ chấp nhận tiền mã hóa

Bảng xếp hạng năm 2022 của Chainalysis về mức độ chấp nhận tiền mã hóa có nhiều nước thuộc nhóm thu nhập trung bình ở những vị trí hàng đầu.
Việt Nam có điểm cao trong một số chỉ số phụ để đứng đầu về tổng điểm
Việt Nam có điểm cao trong một số chỉ số phụ để đứng đầu về tổng điểm

Năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu về chỉ số chấp nhận tiền mã hóa, theo bảng xếp hạng của công ty phân tích tiền mã hóa Chainalysis.

Chainalysis sử dụng 5 tiêu chí để đánh giá mức độ tiếp nhận tiền mã hoá của một quốc gia, gồm khối lượng nạp tiền lên các sàn giao dịch tập trung (CEX), khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch CEX bởi nhà đầu tư cá nhân, khối lượng giao dịch P2P, khối lượng nạp tiền lên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX), khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch DEX bởi nhà đầu tư cá nhân.

Việt Nam có điểm cao trong một số chỉ số phụ được sử dụng làm tiêu chí để đánh giá chỉ số chung như khối lượng giao dịch P2P (hạng 2), khối lượng nạp tiền lên các sàn giao dịch CEX (hạng 5), khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch CEX bởi nhà đầu tư cá nhân (hạng 5).

5 tiêu chí đánh giá mức độ tiếp nhận tiền mã hoá của một quốc gia theo Chainalysis

5 tiêu chí đánh giá mức độ tiếp nhận tiền mã hoá của một quốc gia theo Chainalysis

Khoảng 21% người Việt Nam cho biết sử dụng hoặc sở hữu tiền mã hóa, chỉ đứng sau Nigeria với 32%.

Tại Việt Nam, các trò chơi dựa trên tiền mã hóa theo mô hình chơi để kiếm tiền (P2E) và chạy để kiếm tiền (M2E) rất phổ biến. Trò chơi P2E có doanh thu cao nhất là Axie Infinity có trụ sở ở TP.HCM. Thành công của trò chơi này truyền cảm hứng cho sự phát triển của lĩnh vực trò chơi sử dụng tiền mã hóa tại Việt Nam.

Trong bảng xếp hạng năm nay của Chainalysis, nhìn chung, các nước có mức thu nhập và trình độ phát triển trung bình nằm ở những vị trí cao. Khoảng 10 trong số 20 nước xếp hạng hàng đầu thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, bao gồm Philippines, Ukraine, Ấn Độ, Pakistan, Nigeria, Morocco, Nepal, Kenya, Indonesia và Việt Nam.

Người dùng ở những nước này sử dụng thường xuyên hơn tiền mã hóa cho những mục đích thiết thực, ví dụ gửi kiều hồi, thường là dưới dạng các đồng stablecoin (tiền mã hóa có giá neo với một đồng tiền pháp định) hoặc “bảo toàn khoản tiết kiệm trong thời gian tiền pháp định biến động và đáp ứng các nhu cầu tài chính khác”.

Báo cáo thừa nhận rằng thị trường tiền mã hóa suy thoái đáng kể sau khi tăng tương đối ổn định kể từ năm 2019. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư không rời thị trường. Dữ liệu cho thấy những người nắm giữ tiền mã hóa dài hạn vẫn tiếp tục nắm giữ trong suốt đợt giảm giá hiện tại. Theo Chainalysis, điều này có nghĩa người dùng vẫn lạc quan thị trường sẽ hồi phục.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chainalysis đưa ra chỉ số Global Crypto Adotion Index đo mức độ chấp nhận tiền ảo tại các nước và trên thế giới. Chỉ số xếp hạng hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên những thông số như khối lượng giao dịch ngang hàng (P2P) trên các sàn, thay vì tổng khối lượng giao dịch tiền ảo - thông số thường có lợi cho các nước phát triển với lượng mua lớn của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức.

Các nhà phân tích thống nhất rằng xác định mức độ chấp nhận tiền ảo trong dân ở mỗi quốc gia là điều không dễ dàng. Phương pháp của Chainalysis khó thống kê dữ liệu đầy đủ với những nước chịu lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy vậy, chỉ số của Chainalysis là “một trong những chỉ số tốt nhất có được”.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE