Việt Nam đã nhập siêu hơn 1 tỷ USD điều thô

Từ đầu năm đến 15/9/2021, xuất khẩu nhân điều chỉ đạt 2,467 tỷ USD nhưng nhập khẩu điều thô lên tới 3,476 tỷ USD. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong 31 năm hoạt động, lần đầu tiên ngành điều  đạt con số nhập siêu hơn 1 tỷ USD và chủ yếu nhập từ Campuchia.
Số liệu thống kê gần nhất của Tổng cục hải quan cho biết, xuất khẩu nhân điều trong nửa đầu tháng 9/2021 đạt 22.073 tấn, trị giá 149,921 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2020 giảm gần 8% về lượng nhưng tăng 4,58% về giá trị. 
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/9 đạt 398.100 tấn, trị giá 2,467 tỷ USD , so với cùng kỳ năm 2020 tăng 18,13% về lượng, và tăng 15,09% về giá trị. 
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu điều thô trong nửa đầu tháng 9/2021 đạt 107.760 tấn, trị giá 139.801.556 USD, so với nửa đầu tháng 9/2020 tăng hơn 1,5 lần về khối lượng và tăng 1,96 lần về giá trị. 
Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/9 đạt 2.368.514 tấn, trị giá 3,476 tỷ USD, so với cùng kỳ tăng 2,28 lần về khối lượng và tăng 2,74 lần về giá trị.
Trong số các thị trường nhập khẩu thì Campuchia là thị trường cung cấp điều thô lớn nhất cho Việt Nam.
Nếu trong năm 2020, lượng điều thô nhập khẩu từ Campuchia chỉ đạt 216.330 tấn, trị giá 276 triệu USD, chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2021, khối lượng điều thô Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia đã vượt xa con số của năm 2020 và đạt 1.090.548 tấn, trị giá 1,829 tỷ USD. 
Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, nguyên nhân khiến lượng hạt điều xuất khẩu của Campuchia trong năm 2021 tăng cao là do diện tích trồng điều của người nông dân tăng và nguồn điều thô dự trữ trong năm 2020 lớn. Hiện nước này có đến 10 tỉnh chuyên canh điều với diện tích hơn 500.000 ha, và có đến 99% khối lượng điều thô của Campuchia được xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. 
Chủ tịch Hiệp hội Điều Campuchia cho biết, Hiệp hội Điều Việt Nam đã thu mua hạt điều từ Campuchia để chế biến và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Do nhu cầu cao đến từ Việt Nam nên hạt điều thô ở Campuchia đã có giá nhỉnh hơn trong năm nay với mức 4.000 riel/kg (khoảng 1 USD), so với giá 3.500 riel/kg năm 2020.
Ngành điều không lo thiếu lực lượng lao động
Vẫn theo số liệu của Tổng cục hải quan, 8 tháng đầu năm xuất khẩu điều nhân đạt 313.012 tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, tăng 9,5% về lượng nhưng giảm 4,9% về trị giá.
Tính riêng thị trường chủ lực Hoa Kỳ đạt 117.505 tấn, trị giá 676,271 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 10,82% về khối lượng nhưng giảm 0,68% về trị giá. Tại thị trường Trung Quốc, đạt 51.730 tấn, trị giá 384,53 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 43,75% về khối lượng và tăng 13,8% về trị giá.
Nhận định về thị trường xuất khẩu hạt điều trong quý cuối năm, ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho rằng, nhu cầu hạt điều trên thị trường thế giới nhìn chung vẫn tăng trưởng khoảng 10% đến 15%, trong khi nguồn cung từ Việt Nam không tăng do ảnh hưởng dịch bệnh, dù công suất chế biến của các nhà máy có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều và chỉ giảm mất phần tăng thêm.
Dù xuất khẩu điều nhân của cả nước có giảm về khối lượng trong nửa đầu tháng 9 nhưng vẫn tăng về kim ngạch và điều này chưa thể nói lên được gì. Theo thống kê của Vinacas, trong 8 tháng đầu năm hầu như các thị trường chính là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều tăng nhập khẩu và các thị trường này vẫn có nhu cầu cao vào quý cuối năm - quý có nhiều lễ, tết.  
“Thông thường nhu cầu của thị trường vào quý cuối năm tăng khoảng 20% - 25%, nhưng trong năm 2021 có lẽ sẽ tăng ít hơn, hoặc chỉ nhỉnh hơn từ 2-3% so với 2020.
Trong giai đoạn đại dịch như hiện nay thì những diễn biến của thị trường cực kỳ khó dự đoán, dự báo. Ví dụ ở Việt Nam chỉ cần có một ca F0 xuất hiện ở trong nhà máy nào đó thì phải dùng sản xuất ngay và thiệt hại sẽ rất lớn, như vậy, những dự báo cũng chỉ mang tính chất tham khảo.
Dù nông sản Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh gay ra, nhưng Vinacas vẫn dự báo kim ngạch xuất khẩu điều trong năm 2021 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2020, với điều kiện từ nay đến cuối năm ở Bình Phước không bị bùng dịch”, ông Huyên nhấn mạnh.
Vẫn theo vị Phó chủ tịch này, trong thời gian qua, nền kinh tế của Việt Nam bị tổn thương khá nặng nề nhưng riêng ngành điều tương đối may mắn hơn so với nhiều ngành khác và chỉ giảm đà tăng trưởng. Song, giảm đà tăng trưởng cũng đã là thiệt hại lớn, vì lượng của cải không được tạo ra nữa nên không góp thêm nguồn GDP cho đất nước. Đây là điều khiến Vinacas rất băn khoăn.
“Nhìn hình ảnh từng đoàn người rồng rắn chạy xe máy rời khỏi Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM như vậy chứng tỏ bà con đang bị thất nghiệp, và đến khi các ngành mở cửa sản xuất trở lại chắc chắn sẽ bị thiếu lao động trầm trọng.
Trước làn sóng về quê của công nhân thì ngành điều may mắn không bị ảnh hưởng là nhờ các nhà máy chế biến điều đặt ở Bình Phước là chủ yếu, và nếu có ở Bình Dương cũng không nằm ở khu trung tâm mà nằm ở quê nên vẫn còn là vùng xanh và vẫn duy trì được sản xuất, người lao động vẫn có thu nhập nên vẫn gắn bó với nhà máy”, ông Huyên chia sẻ.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE