Việt Nam cung cấp cà phê lớn thứ hai cho Hàn Quốc sau Brazil

Xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đang đạt bình quân 8,2 triệu USD/tháng, cao hơn so với 6,53 triệu USD/tháng năm 2021.
Ảnh Nguyễn Huyền
Ảnh Nguyễn Huyền

Ngày 26/7, tại các tỉnh Tây Nguyên giá cà phê tăng thêm 200 đồng/kg, đưa mức giá cao nhất tiến gần mốc 43.000 đồng/kg.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ hạt đen, vỡ 5% giao dịch ở 2.028 USD/tấn (FOB), chênh lệch +55 USD/tấn.

Hai sàn giao dịch London và New York đồng loạt tăng giá do tác động từ tâm lý của giới kinh doanh trước những quyết định tăng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương EU (ECB) và Mỹ (Fed) và nguồn cung ở Brazil dự báo giảm so với vụ trước.

Theo công ty tư vấn Safras & Mercado, nông dân Brazil đã thu hoạch 66% niên vụ cà phê 2022/23 hôm 19/7. Mặc dù tốc độ hồi phục so với ban đầu nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 73% cùng giai đoạn này trước đó.

Sáng ngày 27/7, giá cà phê trên hai sàn London và New York tiếp tục duy trì tăng. Theo đó, giá cà phê Arabica tại New York giao tháng 9/2022 tại New York đạt 213,2 US cent/pound, tăng 3,15% (tương đương 1,5 US cent). Giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2022 được ghi nhận tại mức 1.974 USD/tấn sau khi tăng 0,05% (tương đương 1 USD).

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, những ngày giữa tháng 7/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp. Các Quỹ và nhà đầu cơ tháo chạy ra khỏi thị trường khi đồng USD tăng mạnh khiến các đồng tiền mới nổi mất giá trước nỗi lo kinh tế toàn cầu suy thoái và lạm phát tăng nhanh. Sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 ở Trung Quốc, và căng thẳng địa chính trị ở Ukraina chưa có dấu hiệu lắng dịu tiếp tục tác động tiêu cực lên giá cà phê thế giới.

Cà phê Việt Nam chiếm thị phần lớn tại thị trường Hàn Quốc và Trung Quốc

Cà phê đã trở thành một phần quan trọng trong sinh hoạt của người dân Hàn Quốc, điều này dẫn đến nhu cầu tiêu thụ cà phê ngày càng tăng tại xứ sở kim chi.

Việt Nam đang đứng thứ 2 (sau Brazil) trong top 5 thị trường cung cấp cà phê lớn nhất cho Hàn Quốc, nhưng nước này chỉ đứng thứ 13 trong danh sách các thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đạt xấp xỉ 19,2 nghìn tấn, trị giá 49,16 triệu USD, giảm 7,9% về lượng, nhưng tăng 25,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trung bình đạt 3,2 nghìn tấn/tháng, thấp hơn so với mức trung bình 3,47 nghìn tấn/tháng cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, xét về trị giá thì xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc đạt bình quân 8,2 triệu USD/tháng, cao hơn so với 6,53 triệu USD/tháng cùng kỳ năm 2021.

Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Hàn Quốc đạt mức 2.494 USD/tấn, tăng 21,5% so với tháng 6/2021. Tính chung nửa đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Hàn Quốc đạt mức 2.563 USD/tấn, tăng 36,1% so với cùng kỳ.

Tại thị trường Trung Quốc, theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), thời gian qua nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành phố phát triển.

Do vậy, tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm. Các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc là Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil…

Vicofa cho biết, năm 2018, xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc đạt trên 109,5 triệu USD; năm 2019 đạt trên 101,4 triệu USD; năm 2020 đạt trên 95,6 triệu USD; năm 2021 đạt trên 128,4 triệu USD và 6 tháng đầu năm nay đạt 21.450 tấn, trị giá 65,295 triệu USD.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê Việt Nam. Nếu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 12 của Việt Nam thì năm 2019 đã vươn lên xếp thứ 10; năm 2020 xếp thứ 9 và năm 2021 xếp thứ 8.

“Thị trường cà phê Trung Quốc có tính cạnh tranh cao, để gia tăng thị phần tại nước này, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm”, đại diện Cục xúc tiến thương mại khuyến nghị.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2022, xuất khẩu cà phê đạt 58.365 tấn, trị giá 132,631 triệu USD, so với nửa đầu tháng 7/2021 tăng 3,09% về lượng nhưng tăng đến 24,63% kim ngạch.

Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/7 xuất khẩu cà phê đạt 1.077.103 tấn, trị giá 2,432 tỷ USD, tăng 19,64% về lượng và tăng 46,97% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá xuất khẩu tăng đến 23% so với năm 2021.

Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 2.295 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 5/2022 và tăng 18,2% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 2.257 USD/tấn, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2021.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ Philippines và Trung Quốc giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng 3 con số; sang Đức, Ý, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng 2 con số.

Đọc tiếp

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE