Vì sao nhiều khoản lãi “bốc hơi” sau kỳ soát xét bán niên 2021?

Cảng hàng không (ACV), Tập đoàn Cao su (GVR), Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và nhiều doanh nghiệp khác đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm đáng kể sau kỳ kiểm toán bán niên 2021.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp "bốc hơi" sau kiểm toán
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp "bốc hơi" sau kiểm toán

Như thường lệ, sau mỗi mùa soát xét báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn lại xuất hiện nhiều biến động đáng chú ý. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lợi nhuận “bốc hơi” hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Xét về số tuyệt đối, khoản lợi nhuận giảm mạnh nhất sau soát xét tính đến thời điểm hiện tại thuộc về Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (mã ACV) khi lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của doanh nghiệp này giảm 169 tỷ đồng (tương đương 12%) so với báo cáo tự lập, xuống mức 1.203 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cũng giảm hơn 2% so với nửa đầu năm ngoái.

Theo giải trình từ phía ACV, các hoạt động truyền thống của tổng công ty như phục vụ mặt đất cơ bản trọn gói, dịch vụ soi chiếu an ninh hành lý, hành khách… đều chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19.

Doanh thu giảm chủ yếu do chính sách giảm giá của ACV để hỗ trợ các hãng hàng không, các đơn vị kinh doanh dịch vụ tại cảng hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ 1/5/2021. Mặt khác, chi phí tài chính biến động do điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào CTCP Dịch vụ Hàng hoá Hàng không Việt Nam sau khi phát hành cổ phiếu cho người lao động dẫn đến tỷ lệ sở hữu của ACV tại Công ty giảm, không đủ điều kiện hợp nhất theo quy định.

Tương tự, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã GVR) đã giảm gần 86 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, xuống còn 1.578 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí tài chính soát xét của Công ty tăng 57% so với báo cáo tự lập, lên hơn 298 tỷ đồng, trong khi lãi gộp không thay đổi đáng kể.

So với cùng kỳ, doanh thu thuần của GVR tăng 77% đạt 10.544 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện tăng từ 20% lên gần 29%. Nhờ đó, lợi nhuận ròng của công ty đạt gần 1.578 tỷ đồng, gấp 2,5 lần nửa đầu năm 2020.

Theo GVR, mức tăng trưởng trong kết quả kinh doanh đạt được là nhờ giá bán các sản phẩm mủ cao su và một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su tăng so với cùng kỳ, cùng với đó, doanh thu từ cho thuê hạ tầng KCN cũng ghi nhận tín hiệu khả quan. Ngoài ra, đại đa số các đơn vị có vốn góp của công ty đã cải thiện kết quả kinh doanh đáng kể so với nửa đầu năm trước.

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) cũng đã công bố báo cáo tài chính soát xét hợp nhất bán niên 2021 với lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 33 tỷ đồng (tương đương 13%) so với báo cáo tự lập, xuống còn 217 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu do công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp gần 40 tỷ đồng, thay vì được hoàn nhập dự phòng hơn 44 tỷ đồng như báo cáo tự lập. So với cùng kỳ năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2021 của Vinaconex đã giảm lần lượt 8% và 45%.

Dù con số tuyệt đối không lớn tuy nhiên CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) cũng đã mất phần lớn lợi nhuận sau soát xét. Theo đó, lãi ròng của HAGL đã giảm từ mức 18 tỷ trong báo cáo tự lập xuống còn hơn 8 tỷ đồng, tương ứng “bốc hơi” gần 55%. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng giảm 34% sau kiểm toán, xuống còn 18,3 tỷ đồng.

Theo giải trình của HAGL, kiểm toán E&Y đã đề nghị điều chỉnh các số liệu ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế liên quan đến tăng giá vốn do các điều chỉnh liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất và giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi.

Cụ thể, giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng 24% do liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất. Trong khi, chi phí quản lý được điều chỉnh giảm 39% nhờ giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi.

Tương tự, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (Fideco - mã FDC) cũng mất 39% lợi nhuận bán niên sau kiểm toán. Theo đó, lợi nhuận ròng bán niên 2021 đã giảm 10,2 tỷ đồng (tương đương 39%) so với báo cáo tự lập, xuống gần 16 tỷ đồng. Nguyên nhân do khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 45% sau soát xét, lên hơn 16 tỷ đồng.

Theo giải trình của FDC, lợi nhuận sau thuế sau soát xét giảm chủ yếu do kiểm toán trích lập thêm khoản dự phòng phải thu và tính lại thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ, dẫn đến chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng.

Dù giảm mạnh sau kiểm toán, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của Fideco vẫn khả quan hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2 tỷ đồng cùng kỳ. Trong nửa đầu năm nay, công ty đã thanh lý công ty con là Công ty TNHH Thông Đức thu về hơn 30 tỷ đồng khiến doanh thu tài chính tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo BCTC soát xét bán niên 2021, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 75,8 tỷ đồng, giảm 21% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân do chi phí quản lý tăng mạnh từ 28 tỷ lên 45 tỷ đồng và lợi nhuận khác giảm từ 11 tỷ xuống 2 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, ITA ghi nhận 322 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ ghi nhận 194,7 tỷ đồng cho thuê đất, cơ sở hạ tầng và lợi nhuận gộp 92,2 tỷ đồng theo phương thức ghi nhận 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê.

Tuy nhiên, theo đơn vị kiểm toán, nếu phân bổ theo thời hạn thuê đất thì doanh thu cho thuê đất, cơ sở hạ tầng chỉ 3 tỷ và lợi nhuận gộp gần 1,4 tỷ đồng. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu, giá vốn và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE