Vì sao Nhật Bản khó “dứt tình” với khí đốt Nga?

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cùng với các thành viên G7 loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga, tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vẫn tham gia hai dự án dầu mỏ và LNG của Nga ở Sakhalin.
Toàn cảnh trạm bơm khí đốt Bovanenkovo của Nga ở bán đảo Yamal thuộc Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN
Toàn cảnh trạm bơm khí đốt Bovanenkovo của Nga ở bán đảo Yamal thuộc Bắc Cực. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, trong động thái thể hiện sự thay đổi lớn về chính sách, hôm 9/5, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cùng với các thành viên khác của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vẫn tham gia hai dự án dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga ở Sakhalin.

Phóng viên với các phóng viên sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi để loại bỏ dần (việc nhập khẩu dầu của Nga) theo cách giảm thiểu các tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi dự định sẽ giữ nguyên các lợi ích của mình (trong 2 dự án LNG ở Sakhalin)”.

Theo G7, Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu dầu của Nga “về nguyên tắc” như một phần trong các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga vì cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022. Trước đó, Nhật Bản đã tỏ ra miễn cưỡng cam kết thực hiện bước đi như vậy do lo ngại về việc Nga có thể trả đũa đối với các khoản đầu tư của nước này vào dự án dầu khí ở Sakhalin và do chính sách đa dạng hóa các nguồn năng lượng của Nhật Bản.

Lệnh cấm nhập khẩu, dự kiến sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, có thể sẽ có ảnh hưởng hạn chế tới nguồn cung dầu mỏ của Nhật Bản bởi vì, năm 2021, lượng dầu nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm 3,6% trong khối lượng dầu thô mà Nhật Bản nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của than và 8,8% của khí đốt.

Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, quyết định của Nhật Bản tiếp tục tham gia các dự án Sakhalin-1 và Sakhalin-2 bất chấp sự rút lui của các đối tác lớn khác phản ánh tầm quan trọng của các dự án này đối với một quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản, nước đang phải nhập khẩu tới 99% dầu thô và LNG.

Năm 2021, Nhật Bản đã nhập khẩu 2,49 triệu thùng dầu thô/ngày, tăng 0,5% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên khối lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản tăng trong 9 năm qua. Đối với LNG, loại nhiên liệu này chiếm tới 36% nguồn cung điện năng của Nhật Bản trong năm 2021. Các nguồn cung LNG chính cho Nhật Bản gồm Australia (chiếm 36% khối lượng nhập khẩu); Malaysia (14%); và Qatar (12%). Năm ngoái, Mỹ và Nga đều cung cấp lượng LNG tương đương nhau, khoảng 9%.

Mỏ Sakhalin-1 nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông của cực Bắc đảo Sakhalin. Mỏ này có trữ lượng ước tính khoảng 2,3 tỷ thùng dầu và 17.100 tỷ feet khối khí tự nhiên. Các đối tác phát triển của dự án này gồm: Exxon Neftegas - một công ty con của ExxonMobil (Mỹ) - và Công ty Khai thác Dầu khí Sakhalin (SODECO) của Nhật Bản, cùng với các công ty Ấn Độ và Nga. Là một liên doanh giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Công ty Thăm dò Dầu khí Nhật Bản (JPEC), Tập đoàn Itochu và Tập đoàn Marubeni, SODECO đang nắm giữ 30% cổ phần trong dự án này.

Vào tháng Ba năm nay, ExxonMobil đã thông báo sẽ ngừng hoạt động tại dự án Sakhalin-1 và không đầu tư mới vào Nga, câu hỏi đặt ra là liệu các công ty Nhật Bản có hành động giống như vậy hay không. Tuần trước, Marubeni thông báo tập đoàn này đã cắt giảm 12,6 tỷ yen (97,3 triệu USD) vốn đầu tư vào Nga trong tài khóa 2022 (kết thúc vào ngày 31/3/2023) thông qua việc giảm bớt cổ phần của mình trong dự án Sakhalin-1.

Tuy nhiên, ông Masumi Kakinoki, Giám đốc điều hành Marubeni, cho biết tập đoàn này, hiện vẫn có 12,3% cổ phần trong SODECO, sẽ vẫn tiếp tục tham gia dự án này như một phần chính sách của Chính phủ Nhật Bản cho dù họ hy vọng sẽ rút khỏi dự án vì xung đột Nga-Ukraine.

Dự án Sakhalin-2 có 4 nhà đầu tư gồm: Tập đoàn Gazprom thuộc sở hữu của Chính phủ Nga, Shell PLC, Mitsui & Co. và Mitsubishi Corp. Công suất khai thác dầu ở mỏ này là 150.000 thùng/ngày, trong khi công suất sản xuất LNG là 9,6 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 60% sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản. Mitsubishi và Mitsui cho biết, họ sẽ tiếp tục tham gia cho dù Shell đã thông báo rút lui khỏi dự án này.

Trong khi các công ty Nhật Bản, vốn được chính phủ hậu thuẫn, sẽ tiếp tục tham gia vào hai dự án dầu khí ở Sakhalin, các chuyên gia Nga cho rằng quyết định của Nhật Bản hợp tác với các thành viên khác của G7 và nhất trí loại bỏ dầu khí của Nga là một bước đi quan trọng.

Ông James Brown, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định trước đây, chính quyền của ông Kishida sẵn sàng làm nhiều thứ để trừng phạt Nga nhưng năng lượng luôn là ranh giới đỏ. Ông nói: “Nói chung, Nhật Bản bị coi dễ bị rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng. Tuy nhiên, lập trường mạnh mẽ mà các nước thành viên G7 khác áp dụng và hành động tàn bạo của Nga ở Ukraine dường như đã buộc (Nhật Bản) phải hành động”.

Các biện pháp, vốn được coi là không tưởng trong vài tháng trước, giờ đã xuất hiện trên bàn. Ông Brown cho biết thêm: “Cả dự án Sakhalin-1 và 2 đều đại diện cho các hợp đồng sinh lợi vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp tục, chúng ta có thể thấy một tình huống mà các công ty Nhật Bản sẵn sàng từ bỏ các dự án như Sakhalin-1 khi mà các doanh nghiệp khác đã rút lui và tình trạng thiếu tàu chở dầu đang trở nên phổ biến".

Tuy nhiên, với mong muốn tránh sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung dầu khí từ Trung Đông, Chính phủ Nhật Bản vẫn nhấn mạnh rằng họ cần thời gian khi tìm kiếm các giải pháp thay thế để bù đắp sự thiếu hụt do mất nguồn cung từ Nga. Ông Brown nói: “Không thể dự đoán được sẽ mất bao lâu để Nhật Bản loại bỏ dầu của Nga. Lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga cũng không phải ngay lập tức, và có thể hiểu được rằng quá trình như vậy sẽ cần thời gian”.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE