Vì sao châu Âu buộc phải chia tay “kỷ nguyên tiền rẻ”?

Giới quan sát nhìn chung nhận định việc chấm dứt giai đoạn tiền rẻ, giai đoạn cho vay tiền dễ dãi, là một “quyết định lịch sử” của khu vực sử dụng đồng euro.
Các đồng tiền giấy và tiền xu euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Các đồng tiền giấy và tiền xu euro tại Dortmund, miền Tây nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên sau 11 năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản. Theo hãng tin AFP ngày 9/6, ECB sẽ tăng lãi suất 0,25% từ cuối tháng Bảy tới và dự kiến sẽ có thể tăng thêm 0,25% vào tháng Chín.

Báo chí Pháp chạy tít: “Giã biệt giai đoạn tiền rẻ”, “chấm dứt thời kỳ lãi suất cho vay ở mức âm”… Giới quan sát nhìn chung nhận định việc chấm dứt giai đoạn tiền rẻ, giai đoạn cho vay tiền dễ dãi, là một “quyết định lịch sử” của khu vực sử dụng đồng euro.

Lạm phát và xung đột địa chính trị

“Tiền rẻ” từng được Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) coi là nhân tố kích thích đầu tư và tăng trưởng quan trọng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều quốc gia châu Âu đã được vay tiền với lãi suất bằng 0, thậm chí với lãi suất âm. “Lãi suất âm” có nghĩa là bên đi vay không những không phải trả lãi, mà thậm chí chỉ phải hoàn trả số tiền ít hơn số vốn đã vay.

Nói cách khác, bên vay được "tặng" thêm tiền khi vay tiền. Vậy vì sao Ngân hàng Trung ương châu Âu phải chấm dứt giai đoạn “tiền rẻ” lạ lùng kéo dài này? Theo giới quan sát, ECB giờ đây “không có lựa chọn nào khác”. Trong lúc viễn cảnh tăng trưởng ảm đạm, “tiền rẻ” bị điểm mặt như yếu tố kích thích lạm phát.

Lạm phát tại châu Âu đang ở mức độ ngày càng trầm trọng, với tỷ lệ trung bình 8,1% vào tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao chưa từng thấy tại Eurozone kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời, và cao hơn gấp 4 lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Yếu tố thứ hai khiến ECB buộc phải tăng lãi suất có lẽ là xung đột tại Ukraine. Cuộc xung đột này đã khiến giá khí đốt, dầu mỏ, phân bón và lúa mỳ ngày càng đắt đỏ hơn.

Điều này đặt ECB vào thế buộc phải phản ứng với làn sóng giá cả tăng vọt, vốn đã trở nên trầm trọng bởi cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong vấn đề này, Eurozone không giống với Mỹ. Ngay cả khi lạm phát ở cả hai khu vực đều xấp xỉ trên 8%. Tại Mỹ, các gói trợ cấp trị giá 2.800 tỷ USD của chính phủ liên bang đã giúp “hâm nóng” nền kinh tế với nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng gần 7% so với những năm trước đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), các nước thành viên Eurozone hầu như chưa khôi phục được mức tiêu dùng và đầu tư như giai đoạn trước đại dịch. Tình trạng lạm phát ở châu Âu gắn liền với một khoản chi phí mở rộng tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà người dân châu Âu phải trả cho Saudi Arabia, Algeria, Na Uy hoặc cho chính nước Nga để mua các loại nguyên liệu thô.

Nếu căng thẳng Nga-Ukraine lắng dịu lại thì giá các mặt hàng này sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, thực tế đó vẫn chưa xảy ra nên ECB buộc phải "giảm tốc" nền kinh tế để giúp mặt bằng giá chung được kiềm chế hoặc giảm dần.

ECB đối mặt với thách thức nội bộ

Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã bảo đảm rằng lạm phát có thể sẽ được khống chế ở mức dưới 7% trong năm nay. Tuy nhiên, quan điểm lạc quan này của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bị phản bác mạnh mẽ tại Đức. Trả lời đài RFI sau thông báo nói trên, kinh tế gia Gunther Schnabl thuộc trường Đại học Leipzig (Đức) nhấn mạnh đến phản ứng bất bình của đông đảo dân chúng Đức vì quyết định của ECB được đưa ra quá muộn màng và không đủ tầm.

Chuyên gia này nói: “Chính phủ Đức đã có thêm nhiều cam kết chi tiêu bổ sung trong những năm gần đây. Rõ ràng là những cam kết và kế hoạch chi tiêu này chỉ có thể đạt được nếu Ngân hàng Trung ương châu Âu không tăng lãi suất quá nhiều. Tuy nhiên, quan điểm về phía các ngân hàng là khác. Trong lĩnh vực ngân hàng tại Đức, các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ - với số lượng lớn - có vai trò quan trọng. Chính sách tiền tệ quá linh hoạt của ECB, đặc biệt là chính sách lãi suất âm, đã gây tổn hại rất nặng nề cho những ngân hàng như vậy”.

Theo chuyên gia Gunther Schnabl, đây là lý do khiến các ngân hàng Đức hoan nghênh việc tăng lãi suất. Về phần mình, người dân Đức vốn đã quen với tình trạng lạm phát thấp trong một thời gian rất dài. Đây là lý do tại sao họ tiết kiệm rất nhiều bằng hình thức gửi ngân hàng. Hiện tại, người Đức đang phải chịu tình trạng lạm phát cao. Đối với họ, việc tăng lãi suất được đưa ra quá muộn và với cường độ không đủ cao. Chính vì vậy người dân Đức thất vọng với quyết định của Ngân hàng trung ương châu Âu.

Trái ngược hoàn toàn với sự tin tưởng lạc quan của nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu, theo một số kinh tế gia như cựu Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Larry Summers, các nền kinh tế phương Tây “đang bước vào thời kỳ lạm phát kéo dài”, chấm dứt giai đoạn 40 năm lạm phát ở trong vòng kiểm soát.

Một số chuyên gia cho rằng việc cho vay với “lãi suất âm” là điều hết sức khác thường và chưa từng có trong lịch sử kinh tế nhân loại. Đây là một “con dao hai lưỡi” hết sức nguy hiểm.

Trong khi đó, chuyên gia ngân hàng Jacques de Larosière, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã gọi chính sách cho vay với lãi suất âm là một sự “điên rồ”.

Theo ông, gánh nặng nợ nần chồng chất chính là đầu mối sâu xa của khủng hoảng, mà chính sách “lãi suất âm” lại khiến dòng tiền tín dụng càng ồ ạt tuôn ra, khiến nguy cơ bất ổn tài chính tăng vọt.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE