VBF 2022: Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường vốn của Việt Nam

Một trong những khuyến nghị được nêu ra nhiều nhất tại VBF 2022 là việc tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế tham gia nhiều hơn nữa vào thị trường vốn của Việt Nam, cũng như huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong tiến trình phục hồi hậu COVID-19.
VBF 2022: Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư quốc tế tham gia vào thị trường vốn của Việt Nam

Sáng 21/2 đã diễn ra phiên cấp cao của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”. Phiên họp có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Amy Luinstra, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao của IFC đánh giá, trong năm 2021 mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song Việt Nam vẫn đạt những kết quả rất tích cực như: Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh và đạt kỷ lục, xuất siêu gần 4 tỷ USD, môi trường đầu tư trong nước được cải thiện đáng kể, những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Hội nghị COP26 được đánh giá cao,…

Về phía cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cũng cho biết, chỉ cách đây 5 tháng, các doanh nghiệp còn vô cùng lo lắng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thời điểm đó, khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa, chuỗi cung ứng đứt gãy, trong bối cảnh hết sức khó khăn lúc đó, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các cuộc gặp làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ Tướng đi khảo sát thực tế, đi kiểm tra đột xuất tại tâm dịch, triển khai các tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam trong các tháng tâm điểm 8, 9, 10.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

CHÍNH PHỦ ĐÃ SÁT CÁNH CÙNG DOANH NGHIỆP TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN NHẤT

Sự chỉ đạo, điều hành hiệu quả và kịp thời của Chính phủ, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và VCCI đã kịp thời thay đổi trạng thái của nền kinh tế, Chủ tịch VCCI đánh giá.

"Kết quả là hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây trong không khí rất phấn khởi khi tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước đạt 2,58%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá ổn định…", Chủ tịch VCCI cho hay.

Thực tế Việt Nam là một trong những nước có độ phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới, cũng là tiền đề cho kinh tế Việt Nam mở cửa và hợp tác trong trạng thái bình thường mới với thế giới.

Mặc dù vậy, để phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng, người đứng đầu VCCI cũng nhấn mạnh rằng, năm 2022 này mục tiêu của chúng ta đầy thách thức, với chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra từ 6% - 6,5% năm.

Ngày 30/01/2022 tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một loạt chuyển động chính sách quan trọng đã diễn ra trên thực tế, như giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng từ 10% xuống 8%, mở cửa lại các đường bay quốc tế từ ngày 15/2/2022 …

Chuỗi cung ứng quốc tế và trong nước đang đối mặt nguy cơ đứt gãy do dịch bệnh COVID-19 và những biến động khó lường của xung đột thương mại, thiên tai, ...

Việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế, Chủ tịch VCCI cho hay.

Còn theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB, Việt Nam cần có biện pháp linh hoạt để đối phó với môi trường thường xuyên thay đổi, trong đó lạm phát là một trong những yếu tố cần chú ý tới trong năm tiếp theo.

Đồng thời, WB cũng sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam để đưa ra những biện pháp thích ứng nhằm đối phó với các vấn đề biến đổi khí hậu hay nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam bằng việc chuyển đổi số hay tạo môi trường để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, bà Carolyn Turk nhấn mạnh, để phục hồi nền kinh tế cần nguồn vốn cực lớn, trong đó phần lớn vốn phải xuất phát từ khu vực tư nhân. Vì vậy, phải làm sao để khu vực này phát triển và huy động được sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào tiến trình phục hồi và phát triển chuỗi cung ứng.

Ông Dominic Scriven Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF

Ông Dominic Scriven Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF

THỊ TRƯỜNG VỐN LÀ ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ CHO SỰ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN VIỆT NAM

Đi sâu về giải pháp cho sự phục hồi nền kinh tế, ông Dominic Scriven Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn VBF cho rằng, thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Tại Diễn đàn, ông Dominic Scriven cũng đưa ra 7 giải pháp để tiếp tục phát triển thị trường vốn tại Việt Nam.

Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các cơ quan ban ngành gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán sẽ là yếu tố quan trọng giúp thị trường vốn phát triển mạnh mẽ.

“Mỗi cơ quan đều có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và phát triển thị trường vốn và chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ ngày càng nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan Nhà nước”, ông Dominic Scriven nhấn mạnh.

Với vấn đề cơ sở hạ tầng hoàn thiện, ông Dominic Scriven cho biết thị trường vốn cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và cả cơ sở hạ tầng mềm. Việt Nam có hệ thống pháp luật vững chắc nhưng vẫn cần phải hoàn thiện thêm để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật áp dụng cho thị trường nợ, thị trường chứng khoán…

Việt Nam cần triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán hiệu quả và đáng tin cậy, xây dựng cơ chế đối tác bù trừ thanh toán trung tâm, thành lập các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và trên hết là nâng cao năng lực của các cán bộ quản lý, ông Dominic Scriven khuyến nghị.

Một điểm quan trọng là cần bảo vệ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Sự phát triển của thị trường vốn phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư – điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam chúng ta, hiện có sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư cá nhân.

Giống như bất kỳ hệ sinh thái nào, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ nhờ sự đa dạng của các đối tượng tham gia, bao gồm các định chế lớn, nâng cao mức độ quan tâm của họ và mở rộng các giao dịch mà họ có thể thực hiện.

Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân.

"Chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để phát triển và kêu gọi sự tham gia của các đối tượng khác, như khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác", Dominic Scriven đặt vấn đề.

Mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, tuy nhiên sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được.

"Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hồng Kông và Singapore”, ông Dominic Scriven nói.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Ảnh minh hoạ

Sầu riêng quyết định mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả

Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I ước đạt 1,25 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý đầu năm, sầu riêng và nhiều trái cây khác của Việt Nam chưa vào vụ nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt và vượt 1 tỷ USD, cho thấy ngành rau quả có nhiều khả năng đạt mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD trong năm nay.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Các chuyên gia kiến nghị nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT đối với cá nhân, hộ kinh doanh để "khoan sức dân". Ảnh minh họa.

Nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT để "khoan sức dân"

Trong khi Bộ Tài chính bảo lưu ngưỡng doanh thu phải nộp thuế VAT của cá nhân, hộ kinh doanh ở mức 150 triệu thì nhiều ý kiến chuyên gia, Hiệp hội chuyên ngành cho rằng ngưỡng thu thuế này cần được nâng lên để “khoan sức dân”.

Chat với BizLIVE