Quay về eMagazine
 "Văn hoá là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp"

"Văn hoá là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp"

Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn: “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp - phục hồi và phát triển bền vững”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nhận định, nền kinh tế Việt Nam bước vào quý 3 năm 2022 đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả tích cực, được các bạn bè quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức "ổn định" và "tích cực".

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, GDP tăng 7,72% trong quý 2, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch VCCI, khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cũng cho thấy sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp bởi tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 cũng như những biến động của tình hình địa chính trị thế giới.

Cụ thể là có tới 92% doanh nghiệp (94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng (60%), thiếu hụt nhân công (53%), mất cân đối dòng tiền (52%), đứt gãy chuỗi cung ứng (52%)…

“Khảo sát PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Theo ông Phòng, những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch COVID-19 đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đạo đức doanh nhân giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Ông Phòng cho rằng, trong giai đoạn khó khăn vừa qua đã chứng kiến và ghi nhận tinh thần tự hào dân tộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; tiên phong thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nêu gương thực hiện đạo đức doanh nhân và có trách nhiệm với người lao động, cộng đồng và xã hội.

Thời gian qua VCCI đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn cao cấp, của các đơn vị nghiên cứu khoa học và đại diện các doanh nhân, doanh nghiệp, cũng như tham khảo nhiều tài liệu, mô hình quốc tế và trong nước.

“VCCI đã chính thức thông qua bộ Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

Trong đó, 6 điều của quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam bao gồm: Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phó chủ tịch VCCI khẳng định: “Đạo đức doanh nhân, đạo đức người đứng đầu doanh nghiệp sẽ góp phần định hướng cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”.

Cùng với đó, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 nhằm xây dựng doanh nghiệp Việt Nam mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng quan trọng đảm bảo tính tự chủ của nền kinh tế.

Ba "cột trụ" để xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Phó chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết, nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của Quản trị hoạt động – Quản trị doanh nghiệp, thì thế kỷ 21 là thế kỷ của Quản trị công ty (QTCT) và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm.

Dẫn lại định nghĩa của World Bank, bà Thanh nhìn nhận, QTCT là một hệ thống các yếu tố pháp luật, thể chế và thông lệ quản lý của công ty, cho phép thu hút các nguồn tài chính và nhân lực, hoạt động có hiệu quả, nhờ đó tạo ra các giá trị kinh tế lâu dài cho các cổ đông, trong khi vẫn tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan và xã hội.

Theo đó, khi sở hữu hệ thống quản trị tốt, doanh nghiệp có thể có được nhiều lợi ích về mặt tài chính như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí; nâng cao uy tín của công ty, HĐQT và ban điều hành để hướng tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Bà Hà Thu Thanh cho rằng, một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản gồm: Thiết kế hệ thống; Xây dựng tổ chức để thực thi hệ thống và Có nhân lực để thực hiện – nói đi đôi với làm.

Chủ tịch VIOD tin tưởng khi ba trụ cột được xây dựng một cách vững vàng, doanh nghiệp sẽ phát triển được bền vững, bất kể lãnh đạo doanh nghiệp là nam hay nữ, hay lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Thanh, để tối ưu hóa lợi ích từ quản trị công ty, hệ thống quản trị công ty không chỉ nên dừng lại ở cấp độ sơ khởi nhất là tuân thủ pháp luật và các quy định hiện hành, đặc biệt trong một thời kỳ doanh nghiệp chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững.

Nhìn rộng ra câu chuyện phát triển bền vững trên toàn cầu, theo bà Thanh, hiện nay có hai xu hướng chính mà doanh nghiệp cần nắm bắt.

ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Khi doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.

Thứ nhất, cần tích hợp ESG vào chương trình nghị sự của HĐQT.

Theo đó HĐQT cần thay đổi, hiểu được và nắm bắt những vấn đề lớn theo xu hướng toàn cầu để tăng cường uy tín trong mắt các nhà đầu tư, đó là phát triển bền vững về yếu tố môi trường và xã hội, từ đó có những chiến lược hành động phù hợp.

Trong đó, khủng hoảng khí hậu là một trong những vấn đề xã hội cấp bách nhất hiện nay. Theo báo cáo Turning point của Deloitte, nếu không có những hành động nhằm bảo vệ môi trường chống lại biến đổi khí hậu, nền kinh tế Đông Nam Á có nguy cơ đối diện với tổn thất lên đến 28 nghìn tỷ USD trong vòng 50 năm nữa.

Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã cho thấy, Việt Nam được xem là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Do vậy, HĐQT các doanh nghiệp Việt Nam cần đưa ra chiến lược, chính sách và hành động đối phó với cuộc khủng hoảng này từ việc định hình vai trò, trách nhiệm giám sát ESG trong HĐQT.

Trong đó, cần đánh giá cấu trúc quản trị ESG, tích hợp các vấn đề ESG vào chiến lược công ty tới giám sát và thực hiện công bố thông tin tới các bên liên quan một cách minh bạch và đầy đủ.

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) có phần thuyết trình về "doanh nghiệp phát triển bền vững" tại diễn đàn. Ảnh Văn Cao

Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) có phần thuyết trình về "doanh nghiệp phát triển bền vững" tại diễn đàn. Ảnh Văn Cao

Thứ hai, theo bà Thanh là vấn đề định danh, định vị, định hướng văn hóa HĐQT trong xu thế mới.

Chủ tịch VIOD nhìn nhận, dù nắm bắt xu thế mới, văn hóa vẫn là điều cần được xây dựng và bồi đắp. Bởi lẽ, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp.

Bà Thanh cho rằng, trong hơn hai năm vừa qua, có rất nhiều doanh nghiệp đã ứng phó, đối phó và “sống sót” vượt qua “cơn bão” của COVID-19. Và một trong những yếu tố rất quan trọng giúp họ làm được điều này, đó chính là nền tảng văn hóa doanh nghiệp.

Đây là nền tảng mà ở đó, các doanh nghiệp huy động được một nguồn lực rất to lớn mà trước nay chưa được gọi tên, đó chính là nguồn lực xã hội (social capital). Trong khi nếu khủng hoảng ập đến, nguồn lực tài chính (financial capital) lại chính là những thứ bị cuốn đi đầu tiên.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng lưu ý, nguồn lực con người (human capital) cần phải nằm trong nguồn lực xã hội, trong sự tương tác của nguồn lực con người trong chính doanh nghiệp, trong sự tương tác giữa doanh nghiệp với các đối tác. Có điều này, nguồn lực xã hội mới được bền vững, gắn với nền tảng của văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang đứng trước những áp lực chưa từng có

Trong một thế giới ngày càng phẳng và chứa đựng nhiều yếu tố bất định, Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh cho rằng các doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động dưới mức độ áp lực ngày càng tăng cao và lớn chưa từng có nếu so với trước đây.

Dẫn kết quả trong một nghiên cứu của Deloitte về HĐQT hiệu quả, theo bà Thanh, có 7 yếu tố doanh nghiệp cần "nằm lòng" để có thể đương đầu và vượt qua các khó khăn. Trong đó, bên cạnh các yếu tố quan trọng như lãnh đạo quyết đoán, táo bạo; tư duy về cơ hội; hệ sinh thái mang tính cốt lõi; sự phù hợp thị trường thì yếu tố quan trọng hàng đầu hiện nay là về văn hóa (yếu tố số 5).

Theo Deloitte, với các công ty đa quốc gia thì yếu tố số 5 đang được tập trung và ngày càng xem trọng, thậm chí là ưu tiên số 1. Trong đó, văn hóa HĐQT cần được định danh, định vị và định hướng để trở thành “ngọn đèn hải đăng” dẫn dắt và xây dựng văn hóa công ty, hướng đến phát triển bền vững.

Từ góc nhìn của năng lực cạnh tranh, theo bà Thanh, các doanh nghiệp có văn hoá kinh doanh tốt, có sự quan tâm cụ thể, đầy đủ người lao động... thì doanh nghiệp vẫn có được nguồn lực mạnh ngay cả khi tài chính có mỏng đi.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gồm năng lực về thị trường sản phẩm dịch vụ, con người gồm lãnh đạo, đội ngũ nhân viên, văn hóa doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp. Khi gắn quản trị công ty với năng lực cạnh tranh thì đây chính là một trong những điểm kết nối các nguồn lực và gia tăng các nguồn lực.

 "Văn hoá là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp" ảnh 3  "Văn hoá là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp" ảnh 4

Về lợi ích tiềm năng của quản trị công ty hiệu quả, theo bà Hà Thu Thanh, việc thực hiện quản trị công ty tốt không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh mà còn tối ưu nguồn lực công ty, tăng cường quản trị bộ máy hành chính và nhân sự một cách tốt nhất theo xu thế hiện đại.

Thêm vào đó, việc quản trị tốt còn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường vốn, huy động được nguồn vốn từ các tổ chức, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao uy tín của ban lãnh đạo, ban điều hành và HĐQT.

Bà Thanh thông tin, để đảm bảo lợi ích tiềm năng như vậy theo thông lệ quốc tế, tại Việt Nam cũng đang thực hành theo 4 cấp độ. Thứ nhất, cấp độ 1 là tuân thủ luật pháp và các quy định hiện hành; Cấp độ 2 là thực hiện các bước khởi đầu trong cải tiến quản trị công ty; Cấp độ 3 là hệ thống quản trị công ty tiên tiến; và cuối cùng, cấp độ 4 là tiên phong trong quản trị công ty.

Theo bà Thanh, để đánh giá mức độ trưởng thành với bốn cấp độ của quản trị công ty thông qua năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, với nền kinh tế phát triển sâu hơn thì việc áp dụng quản trị công ty và cải thiện quản trị công ty không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình, cần có lộ trình thay đổi đầy đủ.

“Mỗi một lĩnh vực khác nhau, một công ty khác nhau sẽ có sự khác nhau và không có lộ trình chung cho việc áp dụng này, nhưng điều quan trọng nhất các doanh nghiệp cần nhận thức rõ là quản trị công ty cần phải thay đổi”, bà Hà Thu Thanh khẳng định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE