UNDP nhận định về cuộc khủng hoảng đa tầng hiện nay

Tổng giám đốc chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nhận định thế giới đang cùng lúc đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, từ gia tăng nợ công đến ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, lạm phát giá năng lượng và thực phẩm.
Ngũ cốc sau khi được thu hoạch tại một nông trang ở vùng Odessa, Ukraine, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngũ cốc sau khi được thu hoạch tại một nông trang ở vùng Odessa, Ukraine, ngày 22/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin AFP (Pháp), bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, ông Steiner đã đưa ra những nhận định về ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine với tình hình thế giới.

Theo ông, về cơ bản cuộc xung đột xảy ra tại nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu trên thế giới, đã làm giảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và khiến giá những mặt hàng này tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng. Có những quốc gia trên thế giới phụ thuộc tới 30, 40, thậm chí 50% nguồn cung lúa mỳ từ các nước như Ukraine. Nhiều nước ở châu Phi, các nước Arab đã lập tức chịu ảnh hưởng.

Thứ hai, hàng trăm triệu người hiện không đủ khả năng tài chính để mua thực phẩm thiết yếu vì tác động của bão giá toàn cầu, gây quan ngại sâu sắc. Liên hợp quốc ước tính đến tháng 5/2022, trên 200 triệu người trên thế giới rơi vào cảnh đói kém và con số này sẽ tăng vì nhiều yếu tố cộng dồn như nạn hạn hán khắc nghiệt đang diễn ra ở Đông Phi và vùng Sừng châu Phi.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng chịu cú sốc gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, chủ yếu do xuất khẩu phân bón, từ những nhà sản xuất hàng đầu như Nga và Belarus, bị cản trở vì các lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Quan chức UNDP cho rằng nếu có thể tìm cách giải phóng các kho chứa ngũ cốc ở Ukraine và nếu có một thỏa thuận quốc tế để chấm dứt cuộc xung đột tại nước này thì các vấn đề về nguồn cung và giá cả sẽ lập tức được khắc phục phần nào, giúp kéo dài thời gian để tháo gỡ bài toán về sản lượng ngũ cốc trong tương lai.

Chưa dừng lại ở đó, cơn bão giá hiện nay có thể dẫn tới khủng hoảng tài khóa. Khả năng các chính phủ mua được thực phẩm trên thị trường thế giới khi giá cả tăng cao sẽ càng thấp đi do ngân sách đã chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. UNDP ước tính 80 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ trong năm 2022. Nguy cơ này cũng sẽ nhanh chóng dẫn đến những bất ổn chính trị. Khi người dân không đủ tiền mua thực phẩm, các chính phủ không thể cung cấp thực phẩm cho thị trường, các bất ổn chính trị sẽ nhanh chóng nảy sinh và điều này gây quan ngại sâu sắc.

Ông Steiner cho rằng tình hình tại Sri Lanka là một ví dụ và có thể khu vực Mỹ Latinh, châu Phi cũng sẽ trải qua tình trạng tương tự vì các nước đang phải đối mặt với tình trạng tăng giá mạnh trong cả nhập khẩu lương thực và nhập khẩu năng lượng.

Theo ông, hiện có khoảng 60 - 70 quốc gia đang đối mặt cùng lúc với cả 3 cuộc khủng hoảng và đây cũng là nhóm đáng lo ngại nhất và cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhưng hiện chưa nhận được hỗ trợ phù hợp. Giám đốc UNDP cho rằng bước đầu tiên là tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính và phải giải quyết được thực tế là các chính phủ cạn tiền ngân sách sau đại dịch COVID-19.

Ông Steiner kết luận các nước thế giới đang chật vật đối phó theo nhiều cách, ở các cấp độ khác nhau để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc, về an ninh lương thực, giá cả năng lượng và chi phí vay vốn. Phản ứng từ các nước có thể tạo sự khác biệt một cách đáng kể, vì hiện nay dù là G7, G20 hay các nền tảng quốc tế của UNDP cũng đều chưa có hành động tương xứng hoặc chưa được cấp nguồn lực để hành động phù hợp.

Tổng giám đốc UNDP cho rằng việc nêu các vấn đề ra thảo luận tại WEF là rất quan trọng vì thế giới cần những người đi đầu trong kinh tế, trong các chính phủ và các xã hội để hiểu rõ về thời khắc nghiêm trọng này, cả về quản lý khủng hoảng và năng lực để tiếp tục phối hợp thay vì quay lưng lại với nhau.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE