Tỷ trọng xuất khẩu toàn cầu của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm

Xuất khẩu của Hàn Quốc trong năm 2022 chỉ chiếm 2,74% thị trường xuất khẩu toàn cầu, mức thấp nhất trong vòng 14 năm kể từ năm 2008 (2,61%) khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều này được lý giải do động lực trong xuất khẩu của Hàn Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng sản xuất hàng hóa trung gian như chất bán dẫn và phụ tùng ô tô yếu dần.

Theo giới quan sát, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc.

Theo số liệu công bố ngày 16/4 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), kim ngạch xuất khẩu toàn cầu năm 2022 là 24.904 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Hàn Quốc là 683,584 tỷ USD, chiếm 2,74%. Con số này đã giảm trong hai năm liên tiếp khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, từ mức 2,90% hồi năm 2020 xuống 2,88% vào năm 2021 rồi tiếp tục giảm còn 2,74% trong năm ngoái.

Tỷ trọng xuất khẩu của Hàn Quốc trong tổng kim ngạch toàn cầu có xu hướng tăng kể từ năm 2009 và đạt đỉnh 3,23% vào năm 2017. Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ năm 2019, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang và môi trường thương mại nghiêng về hướng chủ nghĩa dân tộc. Năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Hàn Quốc giảm 10,42% so với năm trước đó và tiếp tục giảm 5,52% trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lây lan rộng trên toàn cầu.

Hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã phục hồi vào năm 2021 và năm 2022. Song quốc gia này vẫn chưa khôi phục được mức tỷ trọng 3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu.

Một quan chức trong ngành thương mại cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bước vào giai đoạn thay đổi cấu trúc do sự bùng phát của dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga- Ukraine. Hàn Quốc đã rơi vào tình trạng thâm hụt thương mại trong suốt 13 tháng, trong đó xuất khẩu có xu hướng giảm trong sáu tháng liên tiếp. Việc giá nhập khẩu ba nguồn năng lượng chính là than, dầu và khí đốt tăng mạnh được cho là tác nhân chính gây nên tình trạng trên.

Trong giới kinh doanh, đã xuất hiện những lo ngại rằng tình trạng thâm hụt sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân là do nhu cầu quốc tế về hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc vẫn đang giảm vì suy thoái kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích cho hay Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, đã thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa trung gian trong nước. Samsung Electronics ước tính đã lỗ khoảng 4.000 tỷ won (khoảng 3,04 tỷ USD) chỉ riêng trong lĩnh vực bán dẫn trong quý đầu tiên, còn SK Hynix cũng được cho là sẽ lỗ ở mức tương tự. Mặc dù giá chip đang có dấu hiệu đã chạm đáy, nhưng nhiều dự đoán cho rằng triển vọng tăng giá chỉ có thể xuất hiện vào nửa cuối năm nay.

Một yếu tố tiêu cực khác là giá nguyên liệu thô vốn đã ổn định lại đang phải đối mặt với áp lực tăng giá, khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) gần đây tuyên bố cắt giảm sản lượng.

Ông Jo Sang-hyeon, Giám đốc Viện Thương mại và Thương mại Quốc tế thuộc Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, cho biết trong thời kỳ suy thoái kinh tế, việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu hàng hóa trung gian sẽ dẫn đến suy thoái trong hiệu suất. Để tránh tình trạng này trong năm nay, Hàn Quốc cần nâng cấp sản phẩm và đa dạng hóa các hạng mục xuất khẩu.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE