Tỷ phú sáng lập Evergrande có bao nhiêu tiền?

Mức độ tài sản của ông ra sao sẽ góp phần quyết định mức độ tệ hại của một cuộc khủng hoảng vốn đã làm xáo trộn thị trường nợ Trung Quốc và gây tổn hại niềm tin vào lĩnh vực bất động sản.

Tỷ phú sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn - Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú sáng lập Evergrande Hứa Gia Ấn - Ảnh: Bloomberg
Khi ông Hứa Gia Ấn đi lại bằng máy bay riêng, vung tiền mua các tòa lâu đài sang trọng và trang sức xa xải, lối sống xa hoa của ông nổi bật và khác biệt với khá nhiều người trong tầng lớp tỷ phú tại Trung Quốc.
Theo Bloomberg, giờ đây khi tập đoàn Evergrande của ông đang bên bờ vực vỡ nợ, tài sản cá nhân của ông chịu nhiều chỉ trích từ các bên, trong đó có cả chính phủ Trung Quốc. 
Khi mà tập đoàn Evergrande đang chật vật đáp ứng các nghĩa vụ nợ với các chủ nợ, nhà cung cấp và chủ sở hữu nhà ở, giới chức Bắc Kinh đang hối thúc ông Hứa dùng tài sản cá nhân để ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Chỉ thị này được đưa ra sau khi Evergrande không thể trả được khoản lãi trái phiếu đến hạn ngày 23/9. 
Điều này lập tức hướng sự chú ý đến một câu hỏi khó hơn: ông Hứa có bao nhiêu tiền? Tổng tài sản của ông nhiều khả năng chỉ bằng phần nhỏ của tổng nợ hơn 300 tỷ USD của Evergrande. Mức độ tài sản của ông ra sao sẽ góp phần quyết định mức độ tệ hại của một cuộc khủng hoảng vốn đã làm xáo trộn thị trường nợ Trung Quốc và gây tổn hại niềm tin vào lĩnh vực bất động sản vốn đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng kinh tế của nước này.
Theo tính toán của Bloomberg Billionaires, tài sản của ông Hứa ước tính ở mức khoảng 7,6 tỷ USD, giảm khoảng 42 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao vào năm 2017. Giá trị cổ phần mà ông Hứa nắm giữ tại Evergrande đã giảm đến hơn 80% trong năm nay, tuy nhiên trước đó, ông Hứa đã nhận hơn 7 tỷ USD cổ tức tính từ khi cổ phiếu của doanh nghiệp bắt đầu được niêm yết vào năm 2009. Mức cổ tức mà ông Hứa nhận được như vậy cao nhất so với 82 tỷ phú Trung Quốc khác theo số liệu của Bloomberg.
Câu hỏi về việc tiền của ông Hứa đã đi đâu giờ đây được công chúng hiểu trực tiếp liên quan đến việc liệu doanh nghiệp của ông có đủ khả năng trả nợ trong ngắn hạn. Ông sẽ không phải tỷ phú bất động sản Trung Quốc đầu tiên phải dùng tiền cứu doanh nghiệp: cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản Guangzhou R&F Properties tăng vọt trong tháng trước sau khi các cổ đông lớn cùng cung cấp thêm hơn 1 tỷ USD cho doanh nghiệp.
Dù rằng Evergrande đã trả được 83,5 triệu USD lợi suất trái phiếu cho các trái chủ quốc tế vào tuần trước trước khi thời gian ân hạn kết thúc, doanh nghiệp gặp khó trong việc huy động tiền thông qua các đợt bán tài sản, tổ chức tài chính hoặc bạn bè giàu có. 
Vào đầu tháng này, một tài liệu cho thấy ông Hứa đã cam kết dùng khoảng 500 triệu cổ phiếu của Evergrande tức khoảng 5% cổ phần sở hữu của ông để góp vào một công ty, không phải ngân hàng hay công ty tài chính. Ngoài ra, một trong những người thân quen của ông cũng chia sẻ ông đã dùng căn nhà tại Hồng Kông làm thế chấp để vay tiền, số tiền thu về ước tính cũng khoảng 38,6 triệu USD.
Ông Hứa giữ khá nhiều tài sản thông qua các doanh nghiệp của Evergrande hoặc công ty vỏ bọc ở nước ngoài, điều mà giới giàu có toàn cầu hay làm để hợp pháp giấu tài sản. Ông là một trong những tỷ phú châu Á từng xuất hiện trong hồ sơ Panama vào năm 2016.
Ông Hứa và vợ hiện đang sở hữu khoảng 77% cổ phần của Evergrande, phần lớn thông qua doanh nghiệp British Virgin Islands. Năm 2014, ông mua ngôi nhà sang trọng trị giá 30 triệu USD thông qua nhiều công ty vỏ bọc, một trong số đó có tên Golden Fast Foods Pty. Australia sau đó đã buộc ông phải bán bất động sản này bởi thỏa thuận đã vi phạm luật đầu tư nước ngoài.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE