Tỷ lệ cho vay/tiền gửi đã vượt 100% tại nhiều ngân hàng

Có những thống kê khác nhau, nhưng ở so sánh tỷ lệ cho vay/tiền gửi quá cao cho thấy sức rướn vốn của ngân hàng bị kéo căng và khó đẩy mạnh cho vay thêm...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng hơn chục năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam áp dụng tỷ lệ an toàn trong so sánh mức độ cho vay so với nguồn vốn, góp phần phòng ngừa rủi ro thanh khoản và an toàn hoạt động.

Tỷ lệ này có điều chỉnh qua các giai đoạn khác nhau, cả về mức độ và nội hàm của quy định. Cũng từng có những giai đoạn tranh luận về việc ghi nhận tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào để tính toán hay loại trừ...

Có một giai đoạn, dữ liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước hầu hết cho thấy một tỷ lệ tham chiếu cao, nhưng lại khác với quy định. Nguyên do có thống kê về "tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động", trong khi quy định là "tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi", nội hàm và cách tính toán của hai tỷ lệ này là khác nhau.

Song, dù nội hàm và cách tính khác nhau, cả hai tỷ lệ trên đều cùng phản ánh mức độ cho vay, mức độ sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Và có một dữ liệu nữa cũng có thể xét đến để tham khảo thêm về mức độ cho vay đó qua tỷ lệ cho vay/tiền gửi theo báo cáo tài chính của các NHTM. Cũng lưu ý rằng tỷ lệ này có nội hàm và cách tính khác với giới hạn tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) mà Ngân hàng Nhà nước quy định.

Tỷ lệ cho vay/tiền gửi lên tới 145%

Khảo sát số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân của nhóm hiện đã ở mức 105,3%, tăng khá mạnh so với con số 97,9% vào cuối năm 2021.

Trong đó, có tới 16 thành viên có tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng vượt hoặc bằng 100%, điều này có nghĩa, ngân hàng đang cho vay nhiều hơn cả số tiền gửi của khách hàng.

VPBank hiện đang là ngân hàng có tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng cao nhất trong nhóm khảo sát, tới 145,1%, tức ngân hàng đang cho vay ra tới 145,1 đồng trong khi tiền gửi từ khách hàng 100 đồng. Tuy nhiên, đây cũng là điển hình cho khác biệt với quy định LDR nói trên, do VPBank vừa tăng đột biến vốn điều lệ, có nguồn thặng dư vốn rất lớn từ thương vụ bán vốn năm trước, nguồn vốn quốc tế, hoặc trường hợp có nguồn ủy thác cho vay và bên ủy thác nhận rủi ro thì được loại trừ tính LDR...

Tương tự, SeABank cũng đang sở hữu tỷ lệ này khá cao với 132,3%, tại Techcombank là 128,7%, tại VIB là 119,6%, HDBank là 118,6%,…

Khảo sát cũng cho thấy, có tới 23/27 thành viên có tỷ lệ cho vay/huy động khách hàng đi lên trong 9 tháng qua. Kienlongbank (tăng 22,6 điểm %), MBB (tăng 18,5 điểm %), Techcombank (tăng 18,4 điểm%), SeABank (tăng 16,1 điểm%),… là những nhà băng ghi nhận tăng trưởng tỷ lệ này lớn nhất trong 3 quý qua.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ có 4 ngân hàng là TPBank, PGBank, SHB và VPBank có tỷ lệ cho vay/tiền gửi giảm so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, mức giảm là không đáng kể.

Nhìn chung, việc tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng toàn hệ thống tăng cao trong 9 tháng qua có thể được giải thích do sự lệch pha lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tiền gửi.

Mặt khác, ở những thành viên có tỷ lệ này rất cao nói trên còn phản ánh họ có nguồn vốn khác để cho vay bên cạnh nguồn tiền gửi của khách hàng.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 11,5% so với cuối năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng như trên, tín dụng đã tăng trên 17% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây. Trong khi đó, trong cùng khoảng thời gian trên, huy động vốn mới chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong việc điều tiết hệ số sử dụng vốn.

Nhưng sẽ là đáng chú ý ở một tác động khác. Nguồn tiền gửi thường có độ lỏng và linh hoạt hơn trong cơ cấu vốn, tăng hoặc giảm khó kiểm soát hơn là tín dụng, nên khi nguồn tiền gửi bị giảm sẽ dẫn tới tỷ lệ trên tăng cao do nguồn vốn cho vay khó giảm tương ứng để cân đối, đặc biệt ở hoạt động rút tiền gửi trước hạn trong khi cho vay rất khó rút được vốn về trước hạn.

Tác động trên cần được chú ý hơn khi thị trường có biến động mạnh về lãi suất, cạnh tranh quyết liệt hút nguồn tiền gửi trong hệ thống...

Khó rướn sức cho vay thêm?

Tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là một trong những thước đo quan trọng được sử dụng trong hoạt động quản lý và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm đánh giá thanh khoản hay khả năng chi trả của một tổ chức tín dụng.

Một tỷ lệ LDR càng cao thì càng giúp ngân hàng có thể tối ưu hóa nguồn huy động vốn của mình. Tuy nhiên, đi cùng với đó, tính thanh khoản của ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng. Hiểu một cách đơn giản, khi ngân hàng cho vay quá nhiều, vượt cả nguồn tiền gửi thì khi gặp áp lực thanh toán ngắn hạn gia tăng đột biến, ngân hàng đó có thể sẽ gặp khó khăn.

Cũng xin lưu ý, như trên, cách tính tỷ lệ mà người viết thực hiện không đồng nhất với cách tính LDR được quy định trong Thông tư 22 ban hành ngày 15/11/2019 quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo Thông tư này, nguồn huy động của các ngân hàng không chỉ nằm riêng ở khoản mục tiền gửi của khách hàng mà còn huy động từ tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng, tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu.

Cũng theo quy định của Thông tư 22, tất cả các ngân hàng đều phải đảm bảo tỷ lệ LDR không được vượt quá 85%.

Cập nhật mới nhất của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 6/2022, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của toàn hệ thống chỉ ở mức 74,06%, rất thấp và không đáng ngại.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng như báo cáo tài chính của 27 NHTM nói trên thì cho thấy mức độ cho vay đã ở mức cao. Đây cũng là một điểm tham khảo cho sức rướn cho vay của các ngân hàng thời gian tới.

Còn về vấn đề thanh khoản, LDR hay tỷ lệ thống kê tham khảo nói trên chỉ là một trong nhiều chỉ số, giới hạn và yêu cầu trong quản lý; bởi quy định hiện hành còn có các giới hạn về tỷ lệ khả năng chi trả cụ thể, cũng như các ngân hàng luôn có các quỹ dự trữ, dự phòng tích lũy trong quá trình hoạt động...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Giá vàng phục hồi nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng

Giá vàng miếng SJC có thời điểm tuột mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra song đã nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu tăng nhẹ.

Chat với BizLIVE