TS Đinh Thế Hiển: Dòng tiền đang lười và tham lam

Dòng tiền lười và tham sẽ đi về đâu? Có thể giúp một số cá nhân khôn lanh kiếm tiền lớn, nhưng sẽ làm nhiều nhà đầu tư nghiệp dư, còn gọi là F0 sẽ phải gặp cảnh mất tiền khi các yếu tố bơm - thổi bị chặt...
TS Đinh Thế Hiển
TS Đinh Thế Hiển

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển vừa có bài viết về dòng tiền tìm cái dễ làm, không mất sức, không cần chuyên môn cao và đội ngũ hợp tác như trong sản xuất kinh doanh, mà chỉ cần một cú xuống tay chốt cọc trong mua đất, và click chuột trong mua chứng rồi chờ tăng giá nhưng thích lời nhanh, lời lớn, một vốn bốn lời, chứ không tìm cái lợi nhuận hợp lý từ giá trị gia tăng. Tòa soạn xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Những năm gian khổ cực kỳ khắc nghiệt 1980, dù làm ăn bị cấm đoán, nhưng mọi người vẫn cố tìm vốn để làm ăn bươn trải đủ mọi nghề sản xuất kinh doanh...

Thập niên 1995 - 2005, phát triển kinh tế thị trường, mọi người càng nỗ lực xoay vốn kinh doanh, doanh nghiệp mở rộ khắp nơi...

Năm 2000 chứng khoán mở ra kênh làm giàu "nhanh và dễ", mọi người kéo vào và nhiều người bị thua lỗ nặng, tởm tới bây giờ không dám ngó tới thị trường giàu nhanh này.

Từ 2005 với thị trường căn hộ tiên phong, sau đó là dự án nhà phố đất nền, mọi người dễ dàng kiếm tiền nhanh và lớn, vốn lại đổ vào cực mạnh cho đến lúc bị siết 2011, và kẹt nặng vào 2012 - 2013, nhiều đại gia nhà đất bị sụp, một số ngân hàng còn giá 0 đồng.

Từ 2015 - 2019, phục hồi kinh tế, doanh nghiệp ngành nghề sung lại, các khu công nghiệp mở mới, du lịch tăng mạnh đem lại nguồn tiền và việc làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại dịch vụ. Nhưng bất động sản cũng trỗi dậy từ bệ đỡ các gói kích cầu nhà ở 2014 - 2015, và chứng khoán cũng tăng theo với mức đỉnh 2017...

Dịch COVID-19 trong hai năm 2020 - 2021 làm suy sụp đa số ngành nghề sản xuất kinh doanh và thu nhập mọi người co hẹp; nhưng lại mở ra kênh kiếm lời rất ngon từ bất động sản và chứng khoán với hai lý do chính đáng: làm ăn khó khăn và lạm phát nên dòng tiền khư trú vào tài sản an toàn, đó là cổ phiếu, trái phiếu và đất.

Các chuyên gia kinh tế thì lo lắng khi giá đất 2020 - 2021 tăng vọt không có bản chất từ lợi nhuận sản xuất kinh doanh (giá trị gia tăng) chuyển qua, hay từ đầu tư công lớn mở đường xá, mà lại do nhiều nhà đầu tư cá nhân bỏ vào và vay ngân hàng.

Điều đó nếu cứ tiếp diễn sẽ đến lúc đóng băng, vì khi giá đất lên đến mức cao nào đó, ai cũng ôm đất hết rồi (và vay thêm một phần ngân hàng), thì tiền đâu mua tiếp trừ khi bán được giá cho người khác, mà ai cũng nhiều đất chứ không còn tiền, vì họ đâu bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh mà có lời rút ra ?

Góc độ sâu hơn: Tiền đâu để đất tăng, chứng khoán tăng khi từ doanh nghiệp đến người lao động đều bị khó khăn trong hai năm qua, và bây giờ còn đang nỗ lực phục hồi?

Bây giờ qua vụ bắt nhóm Tập đoàn Tân Hoàng Minh, lòi ra 10.000 tỷ đồng trái phiếu xoay vòng vào đất, chứng, và rộng hơn là 700.000 ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 2 năm 2020 - 2021, trong đó trên 60% là do ngân hàng mua thì mới thấy dòng tiền vào đất và chứng khoán có sự xoay vòng, múa may của bộ ba (đoạt nửa giải Nobel): Ngân hàng - công ty chứng khoán - công ty bất động sản (và nhóm đầu tư cá voi sát thủ) đã mua - đẩy tạo sóng tăng giá cho đất và chứng lên tầm cao mới!!!

TẠI SAO DÒNG TIỀN LƯỜI VÀ THAM?

Dòng tiền lười là dòng tiền tìm cái dễ làm, không mất sức, không cần chuyên môn cao và đội ngũ hợp tác như trong sản xuất kinh doanh, mà chỉ cần một cú xuống tay chốt cọc trong mua đất, và click chuột trong mua chứng rồi chờ tăng giá. Gọi lười là vậy!

Tại sao là dòng tiền tham? Tất nhiên đã đầu tư thì phải muốn lời, nên tham là cách gọi khác, không có gì xấu. Nhưng cái tham ở đây là thích lời nhanh, lời lớn, một vốn bốn lời, chứ không tìm cái lợi nhuận hợp lý từ giá trị gia tăng.

Dòng tiền lười và tham sẽ đi về đâu?? Có thể giúp một số cá nhân khôn lanh kiếm tiền lớn, nhưng sẽ làm nhiều nhà đầu tư nghiệp dư, còn gọi là F0 sẽ phải gặp cảnh mất tiền khi các yếu tố bơm - thổi bị chặt, và mọi người sẽ không hiểu sao mình lại thua lỗ dù các khoản đầu tư chứng và đất của mình rất tốt.

Hôm nay hai bạn nhà báo hỏi tôi về vấn đề Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản để kiềm hãm giá đất?

Tôi nói không nhà nước nào muốn kiềm giá đất nếu đó là sự tăng tự nhiên của một nền kinh tế quốc gia (hay địa phương) phát triển. Hiện nay Chính phủ siết dòng tiền tín dụng và trái phiếu vào bất động sản chủ yếu là bảo vệ hệ thống tài chính, làm an toàn hệ thống ngân hàng thương mại, còn việc giá đất giảm (nếu có) chỉ là hệ quả của việc này.

Nhà báo lại hỏi thêm "vậy giá đất 2022 có giảm không?".

Tôi nói nếu giá đất 2020 - 2021 tăng vì nhà đầu tư cá nhân tự lựa chọn khu trú vào đất để tránh lạm phát thì giá đất sẽ không giảm, thậm chí tăng. Nhưng nếu giá đất tăng chủ yếu do dòng tiền bơm thổi từ bộ 3 nêu trên thì nó sẽ phải giảm theo mức hợp lý.

Nhà báo lại hỏi thêm "thế cổ phiếu thì sao?".

Nó cũng phải vậy, xem đồ thị những công ty được xem là đàng hoàng, làm ăn không có gì đột biến, nhưng giá cổ phiếu trong năm 2021 tăng dựng đứng, P/E lên đỉnh thì sẽ thấy nhà đầu tư có vẻ mâu thuẫn khi chê gửi ngân hàng 6-7% nhưng lại khoái vào các công ty có P/E trên 20 để kiếm lời cao...

Góc độ nghịch lý là VNM, một doanh nghiệp kinh doanh tốt trong đại dịch do nhu cầu người dân, một công ty hàng đầu về thương hiệu và độ vững chắc, nhưng giá thì giảm suốt năm và P/E thấp hơn P/E bình quân thị trường

Nhiêu đó đủ thấy thị trường chứng khoán đang múa may và 4 đạo diễn chính đã được Nhà nước nêu tên, chuẩn bị đi "nghỉ mát" khá lâu.

TS Đinh Thế Hiển hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng, Chủ tịch Ban đại diện Quỹ Đầu tư Manulife, thành viên HĐQT và cố vấn chiến lược cho một số công ty tại TP.HCM.

Ông đã từng tham gia quản lý nhiều tổ chức tài chánh và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam như Thành viên Hội đồng đầu tư và Ủy ban chiến lực Eximbank; Trưởng phòng Thẩm định Quỹ Đầu tư TP.HCM; Trưởng đào tạo Trung Tâm tư vấn kinh tế ứng dụng TP.HCM – Viện Kinh tế TP.HCM…

TS Đinh Thế Hiển đã tham gia giảng dạy từ năm 1992 tại Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2; Trưởng Khoa Công nghệ thông tin và Tài chánh tại trường Đại học Công nghệ thông tin Gia Định; và giảng dạy bậc đại học và cao học cho nhiều trường đại học.

Ông là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam về quản trị kinh doanh và tài chính; như tư vấn cổ phần hóa Công ty Legamex, Savinexco; chủ nhiệm chương trình đào tạo quản trị kinh doanh cao cấp và tài chánh cho cán bộ nòng cốt của VietSopetro, Tổng công ty Đạm Phú Mỹ, Gemmadept Corp, Ngân hàng Nizo Ho, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn…

Đặc biệt, TS Đinh Thế Hiển là tác giả viết và dịch nhiều quyển sách Tài chánh và đầu tư tái bản nhiều lần như tác giả các sách Quản trị tài chính – đầu tư lý thuyết và ứng dụng; Lập và thẩm định dự án đầu tư; Excel ứng dụng trong phân tích kinh doanh và tài chính; dịch giả sách “Định giá trị tài sản”, sách “Quản trị rủi ro ngân hàng”…

Theo Tạp chí điện tử Nhà quản lý

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Giá vàng phục hồi nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng

Giá vàng miếng SJC có thời điểm tuột mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra song đã nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu tăng nhẹ.

Tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng, OCB tăng dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, bảo đảm hoạt động

Tháo gỡ khó khăn cùng khách hàng, OCB tăng dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, bảo đảm hoạt động

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 4.139 tỷ đồng. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng đến từ việc chi phí dự phòng tăng 501 tỷ đồng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

Chat với BizLIVE