Truyền thông Trung Quốc trong cơn sốt chỉ trích mạnh mẽ thương hiệu thời trang phương Tây

Các hãng thời trang phương Tây đương đầu với khả năng doanh thu sụt giảm tại một trong những thị trường có sức mua tốt nhất thế giới. 
Ảnh: Fortune
Ảnh: Fortune
Các quan chức phụ trách vấn đề tuyên truyền ở Bắc Kinh gần đây đã hài lòng khi mà bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc đã tạo ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ các thương hiệu thời trang phương Tây, theo những người có nguồn tin thân cận với vụ việc chia sẻ với Wall Street Journal. Theo đánh giá của họ, điều này có thể coi như “chiến thắng” trong những nỗ lực bảo vệ Trung Quốc trước làn sóng chỉ trích của phương Tây. 
Gần đây, hàng loạt thương hiệu thời trang phương Tây bao gồm H&M, Adidas và nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành bán lẻ toàn cầu đã bị chỉ trích nặng nề tại Trung Quốc. Các hãng thời trang phương Tây đương đầu với khả năng doanh thu sụt giảm tại một trong những thị trường có sức mua tốt nhất thế giới.
Làn sóng chỉ trích các thương hiệu phương Tây ban đầu bắt đầu từ bài đăng trên mạng xã hội. Ngày sau đó, trên các kênh truyền thông chính thống của nhà nước Trung Quốc đã xuất hiện rất nhiều thông tin tương tự.
Chiến dịch truyền thông nhắm đến H&M và nhiều doanh nghiệp khác bởi họ thể hiện quan điểm về vấn đề lao động của người thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương – Trung Quốc được đưa ra khi mà phía Bắc Kinh muốn thể hiện quan điểm cứng rắn hơn với quốc tế trong những cuộc tranh cãi liên quan đến vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Khoảng thời gian hiện tại có thể coi như vô cùng khó khăn với H&M và rất nhiều thương hiệu thời trang phương Tây khác tại Trung Quốc.
Đối với những người sử dụng ứng dụng tại đất nước đông dân nhất thế giới, sự hiện diện của hãng thời trang nhanh lớn nhất thế giới đang mất dần.
Theo WS, tính đến ngày thứ Năm tuần này, sản phẩm và thương hiệu của hãng thời trang Hennes & Mauritz đã bị loại bỏ khỏi các ứng dụng thương mại điện tử, tìm kiếm xe, đặt hàng hàng ngày cũng như bản đồ hàng đầu ở Trung Quốc, người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục phẫn nộ với việc hãng thời trang Thụy Điển này đã quyết định ngừng mua nguyên liệu từ vùng Tân Cương – Trung Quốc. 
Việc thương hiệu H&M bị loại bỏ khỏi các nền tảng của Trung Quốc là minh chứng rõ ràng cho sự trả đũa mà các công ty phương Tây phải đương đầu khi mà họ dám thể hiện quan điểm với một số vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Các thương hiệu sẽ có thể bị trả đũa nhanh và trên quy mô lớn tại một trong những thị trường vốn được coi như quan trọng nhất. 
Làn sóng chỉ trích thương hiệu H&M và lời kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M của những người dùng mạng xã hội Trung Quốc được cho là có liên quan trực tiếp đến tuyên bố của đại diện công ty vào năm ngoái rằng công ty sẽ ngừng mua nguyên liệu từ vùng Tân Cương – một khu vực sản xuất bông lớn của Trung Quốc. 
Theo lý giải của đại diện H&M, công ty cảm thấy không hài lòng với nhiều vấn đề liên quan đến người lao động tại đây. Tuyên bố này gần đây bất ngờ được người dùng nhắc đến trở lại trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc và rồi được lan truyền trên mạng.
Trong ngày thứ Năm, trên ứng dụng gọi xe của Trung Quốc có tên Didi, người ta đã không còn có thể đặt xe đến cửa hàng của H&M. Ứng dụng gọi xe giờ đây đã không còn thừa nhận cửa hàng H&M như một địa chỉ đáng tin cậy. 
Khi tìm kiếm H&M trên nhiều ứng dụng bản đồ của Trung Quốc trong đó có cả Baidu Maps của công ty sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, người ta không nhận được kết quả. Đáng nói, tình trạng H&M như không tồn tại ở Trung Quốc diễn ra trong khi hiện tại H&M vẫn có hơn 400 cửa hàng tại Trung Quốc.
Những người muốn mua sản phẩm của H&M trên mạng cũng đang gặp khó. Từ ngày thứ Tư, việc tìm kiếm H&M trên các nền tảng mua sắm trực tuyến của doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc không cho ra kết quả. Nhiều gian hàng ứng dụng trên hệ điều hành Android cũng đã loại bỏ ứng dụng mua sắm của H&M.
Didi Chuxing Technology, Baidu Inc., Alibaba, Pinduoduo và JD.com không phản hồi những đề nghị bình luận.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE