Chứng khoán 9/5

VN-Index giảm sâu nhất châu Á

Thị trường có tiền bắt đáy và có tiền ngoại tham gia nhưng sau tất cả tâm lý tháo chạy vẫn lấn át. VN-Index chốt phiên giảm tới gần 60 điểm với số mã giảm sàn đã chiếm tới 45%.
VN-Index giảm sâu nhất châu Á

Đà rơi mạnh của chỉ số không thể cầm cự được khi cả VN30 lẫn nhóm cổ phiếu Midcap và Penny đều bị tâm lý tiêu cực chi phối.

Với nhóm VN30, số mã giảm giá lên tới 30 mã trong đó có 13 mã giảm sàn bao gồm cả MWG, PLX, TCB, BID, BVH, CTG, GVR, KDH, PNJ, STB, VPB, STB. MBB và FPT, TPB cũng đều giảm trên 6%.

Điều này lại giúp cho dòng tiền đầu cơ có cơ hội kiếm tiền từ nỗi sợ của nhà đầu tư thông qua phái sinh. HĐTL VN30F2205 đã giảm tới 53,9 điểm với thanh khoản còn cao hơn phiên trước, đạt 328 nghìn đơn vị.

Khối lượng mở (OI) vẫn ở mức không cao cho thấy rõ hơn về việc nhà đầu tư không có chiều hướng muốn giữ qua đêm. Điều này tiếp tục kiểm chứng cho các ý tưởng đầu cơ và phòng vệ danh mục của phe short phái sinh.

Với nhà đầu tư chỉ có 1 vị thế trên cơ sở, diễn biến thị trường lại gây thiệt hại lớn. Độ rộng của HOSE ghi nhận số mã giảm lên tới 92% trong đó có 45% mã giảm sàn.

Các mã HAG, DGW, NKG, NLG, GEX, VSC, VCI, PC1, CMX, ASM, CII, ANV, IDI, HDG, HCM, PVT, HAH, VHC, SCR, GIL… đều đóng cửa với trạng thái giảm sàn.

Như đã đề cập, tiền bắt đáy có hoạt động từ phiên sáng nên mới giúp cho các mã HPG (-4,3%), VPB (-6,88%), STB (-6,86%), SSI (-6,93%), TCB (-6,99%), DIG (-6,84%) có sự gia tăng về thanh khoản. Thanh khoản cả sàn đạt 18.768 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lực bán quá mạnh nên không thể xoay chuyển được tình hình. VN-Index chốt phiên trở thành thị trường tiêu cực nhất châu Á, giảm 4,49% xuống 1.269 điểm. Đây là mức giảm nhỉnh hơn so với chỉ số chứng khoán Indonesia (-4,42%).

Còn HNX-Index và UPCoM-Index đều giảm mạnh hơn do biên độ của 2 sàn này lớn hơn HOSE. Mức giảm lần lượt là 5,84% và 5,28%. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.000 tỷ đồng.

*****

Giá trị giao dịch cuối phiên sáng đã tăng khoảng 21% so với phiên cuối tuần trước. Nếu chỉ nhìn vào biến động giá cổ phiếu thì trạng thái phiên sáng nay là rất tiêu cực.

Số mã giảm trên HOSE vẫn là hơn 90%, chỉ số VN-Index đã bị kéo về sát 1.280 điểm, giảm 3,55%. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn theo chiều tích cực là tiền bắt đáy đã vào mạnh mẽ hơn trong phần còn lại của phiên sáng. Giá trị giao dịch đã tăng 21% lên 10.291 tỷ đồng. Khá nhiều cổ phiếu đã giao dịch từ 300-500 tỷ đồng như HPG (-1,67%), VPB (-5,42%), STB (-6,67%), DIG (-6,28%), DGC (-6,97%).

Với lượng tiền này, trạng thái giảm mạnh có thể chưa được giải quyết nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng sẽ có sự thu hẹp lại đà giảm trong phiên chiều nay. Hiện khối ngoại cũng đã đồng hành trở lại cùng thị trường với giá trị mua ròng đạt trên 200 tỷ đồng. Một số mã như VHM, DGC đã được mua ròng ở quanh mức 50 tỷ đồng.

Trong các phiên trước, khi có sự tham gia của khối ngoại thì thị trường đều có sự điều tiết theo chiều hướng tích cực lên. Với HNX, sẽ rất khó để các cổ phiếu có thể phản ứng sớm hơn so với HOSE. PVS (-5,8%), CEO (-6,91%), IDC (-7,75%), TNG (-7,74%), HUT (-9,5%) vẫn phải ngụp lặn trong sắc đỏ. Sự hỗ trợ cho sàn này chỉ phụ thuộc vào các chuyển biến của VN-Index. Nhà đầu tư trước mắt tiếp tục phải chịu đựng mức giảm sâu lên 5,1%. Chỉ số này đang giảm về 326 điểm.

*****

Ngay từ đầu phiên, VN-Index đã mở gap giảm 17 điểm do những dư âm có phần tiêu cực của 3 phiên giao dịch tuần trước. Chỉ số một lần nữa bị kéo về dưới 1.300 điểm và sẽ phải kiểm chứng lực cầu bắt đáy.

Kịch bản tích cực nhất được nhiều chuyên gia đưa ra là chỉ số sẽ tạo được đáy thứ 2 và dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, trước khi điều này xảy ra, nhà đầu tư vẫn đang phải chứng kiến tài khoản bị thất thoát.

Kể cả những cổ phiếu cơ bản tốt như FPT (-2,3%), DGC (-6,5%), HAH (-6,86%), PC1 (-6,88%), GMD (-5,35%), DGW (-6,82%), VSC (-5,41%), HAH (-6,97%), REE (-2,44%), VHC (-6,82%) cũng không tránh được sự ảnh hưởng. Phần lớn những cổ phiếu này vẫn giữ được xu hướng tăng ngắn hạn vào lúc này nhưng biến động của phiên cho thấy kể cả những cổ phiếu tốt nhất thị trường cũng không thể né được các diễn biến chung.

Với những cổ phiếu khác, xu hướng kém hơn thì việc tháo chạy càng dễ xảy ra. HDC, CII, GEX, VGC, FCN, DXG, VND, SCR, CTD, HAG, STB đều có mức giảm trên 6% và thậm chí còn xuất hiện giá sàn.

Độ rộng thị trường hiện đang ghi nhận tới 90% mã giảm. VN-Index tính đến thời điểm 10h30 đang giảm sát về 1.280 điểm. Biên độ giảm đạt gần 3,5%, hiện chỉ kém thị trường Indonesia (-4,51%) và cao hơn các chỉ số KOSPI (-0,93%), NIKKEI 225 (-2,07%), BSE (-1,56%), KLCI (-0,56%).

Thanh khoản đang có sự gia tăng nhẹ nhờ tiền bắt đáy lên mức bình quân 1 tháng, đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Trong khi đó HNX-Index lại biến động quá lớn với mức giảm 4,55%. Các cổ phiếu như L14 (-10%), THD (-10%), VNR (-9,7%), BVS (-8,9%), MBS (-8,7%) đều đang mở biên độ lớn hơn so với các cổ phiếu tại HOSE.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

MB được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024

Vượt qua nhiều giải pháp xuất sắc, 3 sản phẩm số của MB là vòng thời trang thanh toán Stellar, thẻ MB JCB Be The Sky và phần mềm quản lý bán hàng mSeller đã được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê 2024, đánh dấu lần thứ sáu liên tiếp (2019-2024) MB nhận giải thưởng này.

Chat với BizLIVE