Trung Quốc vượt Nhật về công nghệ pin mặt trời dẻo cỡ lớn

Startup Trung Quốc sản xuất tấm pin mặt trời cỡ lớn có thể uốn cong đầu tiên trong ngành công nghiệp toàn cầu.
Công nghệ pin mặt trời dẻo cỡ lớn được DaZheng phát triển thành công đầu tiên trên thế giới
Công nghệ pin mặt trời dẻo cỡ lớn được DaZheng phát triển thành công đầu tiên trên thế giới

Được phát minh bởi Tsutomu Miyasaka vào năm 2009, tế bào perovskite là giải pháp thay thế, có thể uốn cong cho các tế bào năng lượng mặt trời silicon thông thường.

Theo Nikkei Asia, startup của Trung Quốc trở thành công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất hàng loạt tấm pin mặt trời công nghệ tế bào perovskite - công nghệ do nhà nghiên cứu Nhật Bản phát triển.

DaZheng Micro-Nano Technologies vừa đầu tư 80 triệu tệ (tương đương 11,8 triệu USD) để xây dựng dây chuyền sản xuất với công suất hàng năm 10 MW tại tỉnh Giang Tô. Các tấm pin mặt trời kích thước 400 x 600 mm có thể cắt thành nhiều mảnh nhỏ hơn để đáp ứng nhu cầu của những hãng smartphone và máy tính bảng ở Trung Quốc.

Giám đốc công nghệ DaZheng Li Xin cho biết công ty sẽ đầu tư thêm 200 triệu tệ năm 2023 để mở rộng công suất hàng năm lên 100 MW.

Tấm pin mặt trời perovskite có thể uốn cong

Tấm pin mặt trời perovskite có thể uốn cong

Công trình nghiên cứu tế bào năng lượng mặt trời perovskite được giáo sư Tsutomu Miyasaka và nhóm chuyên gia của Đại học Toin ở Yokohama công bố vào năm 2009. Những tế bào nhẹ có hiệu suất chuyển đổi năng lượng khoảng 10% - bằng một nửa so với tế bào silicon - có thể được tích hợp vào nhiều mặt phẳng khác nhau.

Các tế bào perovskite nhỏ hơn từng được sản xuất hàng loạt trước đây, nhưng DaZheng là công ty đầu tiên áp dụng công nghệ này cho các tấm pin mặt trời cỡ lớn.

Những tế bào perovskite hiện có giá cao gấp 3 lần so với tế bào silicon phổ biến. Tuy nhiên, sự chênh lệch giá có thể giảm xuống một nửa khi quy mô sản xuất tăng lên.

Trong tương lai, các tế bào perovskite có thể được mở rộng ứng dụng như chế tạo loại sơn lên ô tô điện để gia tăng khả năng sạc cho xe.

Theo công ty nghiên cứu Ấn Độ Astute Analytica, thị trường pin mặt trời perovskite toàn cầu dự kiến mở rộng lên hơn 2 tỷ USD vào năm 2027 với mức tăng trưởng hàng năm trung bình khoảng 29% từ năm 2022.

Các công ty Nhật Bản như Kyocera và Sharp từng dẫn đầu trong lĩnh vực pin mặt trời nhưng phải thu hẹp hoạt động trong những năm qua do cạnh tranh về giá khiến lợi nhuận giảm mạnh. Những đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc hiện kiểm soát phần lớn thị trường.

Nikkei Asia nhận định các công ty Nhật Bản có ít khả năng đầu tư mới. Điều này cho phép Trung Quốc tiếp tục đi trước trong lĩnh vực tấm pin mặt trời perovskite kích thước lớn.

Giám đốc công nghệ DaZheng Li Xin theo học “cha đẻ” công nghệ perovskite Tsutomu Miyasaka. Vị này tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc. Ông Tsutomu Miyasaka khẳng định hỗ trợ về kỹ thuật cho DaZheng trong quá trình phát triển sản phẩm.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE