Trung Quốc mất vị thế trước Apple

Vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple đang ngày càng giảm sút khi tập đoàn tìm đến Việt Nam, Ấn Độ như một giải pháp thay thế.
Apple muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Apple muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Theo khảo sát mới nhất của Reuters, Apple đang dần bớt phụ thuộc vào chuỗi sản xuất ở Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Nguyên nhân chính đến từ những rủi ro ngày càng tăng cao, đặc biệt là sau cuộc biểu tình của nhân viên nhà máy Foxconn tại Trịnh Châu.

Cụ thể, dữ liệu được Reuters thu thập đã chỉ ra vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple đang ngày càng giảm sút.

Trong giai đoạn năm 2015-2019, quốc gia tỷ dân là công xưởng iPhone hàng đầu thế giới, chiếm 44-47% tổng số nhà máy sản xuất của Apple trên toàn cầu. Nhưng con số này đã giảm xuống còn 41% vào năm 2020 và chỉ 36% vào năm 2021.

Trong giai đoạn này, tập đoàn công nghệ và các đối tác đã đầu tư vào các quốc gia bên ngoài Trung Quốc như Ấn Độ, Việt Nam và đẩy mạnh thu mua nhà máy ở Đài Loan, Mỹ để định hình lại cấu trúc chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Táo khuyết vẫn chưa thể thoát khỏi mà phải phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều năm tới.

Huy

Chuỗi cung ứng của Apple đang có xu hướng chuyển dịch sang các quốc gia khác bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

“Chuỗi cung ứng Trung Quốc không thể chỉ biến mất sau một đêm”, Giáo sư Eli Friedman tại đại học Cornell (Mỹ) nhận định. Theo ông, tập đoàn không thể chuyển dịch hoàn toàn chuỗi cung ứng ở thời điểm hiện tại.

Đồng tình với quan điểm này là Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao của Counterpoint Research. “Tuy nhiên, khoảng 70% linh kiện để sản xuất có nguồn gốc từ Trung Quốc, vì vậy sự phụ thuộc của Apple vào nền kinh tế số 2 thế giới khó có thể thay đổi trong thời gian sớm”, ông Lam nhận định.

Theo Reuters, từ trước đến nay Apple luôn phụ thuộc vào chuỗi sản xuất ở Trung Quốc khi 70% iPhone được sản xuất tại đây. Tuy nhiên chiến lược này gần đây đã thay đổi vì nhiều rủi ro khác nhau như quy định giãn cách Covid-19 hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Do đó đối tác Foxconn của tập đoàn đã và đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển hướng sang Ấn Độ. Tập đoàn gia công linh kiện có kế hoạch nâng số công nhân tại nhà máy iPhone ở Ấn Độ lên gấp 4 lần chỉ trong vòng 2 năm.

Các nhà phân tích của J.P.Morgan ước tính Apple sẽ có thể chuyển dịch thành công 5% sản lượng iPhone 14 đến Ấn Độ vào cuối năm nay. Tập đoàn còn đặt mục tiêu sẽ chuyển 25% hoạt động sản xuất toàn bộ sản phẩm bao gồm MacBook, iPad, Apple Watch và AirPods sang Ấn Độ đến năm 2025.

Tuy nhiên, dữ liệu từ các đối tác cung ứng vào năm 2021 lại cho thấy vẫn chưa có quốc gia nào có đủ tiềm lực để thay thế hoặc bù vào phần sản lượng bị thâm hụt nếu Apple rời khỏi Trung Quốc.

Trong đó, Mỹ là nước có tốc độ tăng trưởng số lượng cơ sở sản xuất nhanh nhất, tăng từ 7,2% lên 10,7% trong giai đoạn 2019-2021. Theo sau là Đài Loan tăng từ 6,7% lên 9,5%. Việt Nam cũng không hề thua kém khi đóng góp đến 3,7% vào chuỗi cung ứng của Apple trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 1,5%.

"Việt Nam và Ấn Độ không thể trở thành Trung Quốc. Họ không có quy mô nhân lực khổng lồ, chất lượng cao, đảm bảo thời gian và cơ sở sản xuất như Trung Quốc", giáo sư Friedman nhận định.

Trung Quốc mất vị thế trước Apple ảnh 1

iPhone dần được sản xuất ở các quốc gia khác thay vì tập trung phần lớn ở Trung Quốc như trước đây. Ảnh: Reuters.

Do đó, Apple càng muốn rời khỏi Trung Quốc, những vấn đề tại đây lại càng phát sinh ra nhiều hơn. Mới đây những biến động tại nhà máy Foxconn đã khiến sản lượng iPhone Pro của Apple giảm gần 6 triệu chiếc trong năm 2022, theo dự đoán của Bloomberg.

Cuộc bạo loạn ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới đã dấy lên quan ngại của các nhà đầu tư, đặc biệt là những người quan tâm đến quyền con người và mục tiêu sản xuất iPhone.

"Tình trạng này chứng tỏ rằng tất cả doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là Apple, đang bị phụ thuộc và chịu quá nhiều hạn chế trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc do đại dịch COVID-19", bà Anshel Sag của Moor Insights & Strategy nhận định.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE