Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu gạo, Philippines có thể dừng mua gạo sớm

Giá gạo xuất đi trong tháng 1/2022 đang ghi nhận giảm ở tất cả các thị trường.
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 - Ảnh: Nguyễn Huyền
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022 - Ảnh: Nguyễn Huyền

Sau thời gian nghỉ Tết nông dân miền Tây đang bắt tay vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2021 – 2022 và hiện có nhiều thương lái tìm mua. Mới vào vụ lượng lúa gạo hàng hóa chưa nhiều và giá cả cũng tương đối ổn định, chỉ sự chênh lệch 100-200 đồng/kg tùy chất lượng.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu ngày 10/2/2022, gạo xuất khẩu loại 5% tấm có giá như sau: Thái Lan: 405 – 409 USD/tấn; Việt Nam: 393 – 397 USD/tấn; Ấn Độ: 338 - 342 USD/tấn; Pakistan: 348 -352 USD/tấn

Gạo loại 25% tấm: Thái Lan có giá từ 397 – 401 USD/tấn; Việt Nam: 373 – 377 USD/tấn; Ấn Độ dao động từ 323 – 327 USD/tấn; Pakistan là: 328 – 332 USD/tấn.

Thị trường Trung Quốc rớt top nhì xuất khẩu gạo

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1/2022 đạt 505.741 tấn, trị giá 246,024 triệu USD, so với tháng 12/2021 tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 46,3% về lượng và tăng 29,1% về kim ngạch nhưng giảm 11,8% về giá. Giá xuất khẩu trung bình đạt 486,5 USD/tấn.

Philippines và Trung Quốc được biết đến là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất nhì của doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, kết quả xuất khẩu gạo trong tháng 1/2022, Trung Quốc không còn là thị trường lớn thứ nhì mà rớt xuống thứ ba sau Bờ Biển Ngà.

Theo đó, top 04 thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 01/2022, gồm:

Philippines vẫn dẫn đầu về tiêu thụ các loại gạo của Việt Nam, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 234.050 tấn, tương đương 110,21 triệu USD, giá trung bình 470,9 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng, tăng 46,6% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với tháng 12/2021. So với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 37,8% về lượng, tăng 20,6% kim ngạch nhưng giá giảm 12,5%.

Bờ biển Ngà vượt qua thị trường Trung Quốc lên đứng thứ 2 về kim ngạch, chiếm 11,8% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, với 56.675 tấn, tương đương 23,38 triệu USD, giá trung bình 391,9 USD/tấn; giảm 14,7% về lượng, giảm 34,9% về kim ngạch và giảm 23,6% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì tăng rất mạnh 424% về lượng, tăng 252,5% kim ngạch nhưng giá giảm 32,7%.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3, chiếm trên 7% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 37.006 tấn, tương đương 18,99 triệu USD, giá 513 USD/tấn, giảm 37,2% về lượng và giảm 32,2% về kim ngạch nhưng tăng 8% về giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 thì giảm cả về khối lượng, kim ngạch và giá với mức giảm tương ứng 36%, 37% và 1,5%.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12/2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%; và so với tháng 1/2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo nếp của Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho biết, thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam là thị trường Philippines và thị trường Trung Quốc, và trong tháng 1/2022 lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm mạnh do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, đối với các thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, trong đợt dịch vừa rồi họ tập trung vào vấn đề an ninh lương thực, và các nước đông dân như Trung Quốc đa phần có nguồn tạm trữ ổn định nên đến cuối năm lượng tồn kho tương đối khá, nếu cuối năm nhập về nhiều lượng tồn kho sẽ tăng cao vì vậy cần phân bổ ra khi nào thiếu mới nhập. Ngay cả thị trường Philippines cũng vậy. Bây giờ nhìn chung tình hình dịch đã tương đối ổn nên vấn đề nhập khẩu gạo sẽ có thay đổi.

Thứ hai, lượng gạo nhập khẩu còn phụ thuộc vào quota Chính phủ cấp, nếu Chính phủ chưa cấp thì các thương nhân phải chậm mua lại.

Theo các thương nhân Trung Quốc, họ đang lên kế hoạch nhập khẩu gạo vụ Đông Xuân 2021 - 2022, vì gạo vụ này cho chất lượng rất tốt và phần lớn khách hàng muốn tập trung mua vào để dự trữ nhưng còn trông chờ vào quota của Chính phủ.

“Ngay lúc này, thương nhân các nước đều có nhu cầu mua của Việt Nam, vì giá gạo Việt Nam hiện đang rất cạnh tranh nhưng do Chính phủ các nước muốn hạn chế tồn kho để tránh rủi ro, và muốn làm sao vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa bảo hộ cho người trồng lúa trong nước.

Không chỉ Trung Quốc ngay cả Philippines cũng vậy, và năm nay Philippines có khả năng dừng mua gạo sớm, có thể vào tháng ba hay tháng tư, do nguồn cung trong nước họ tương đối ổn định.

Với thị trường Trung Quốc thì không đáng ngại vì từ năm 2017 đến nay thị trường này không mua gạo tẻ nhiều mà chủ yếu là nhập khẩu gạo nếp. Lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2022 vào thị trường Trung Quốc giảm là do vụ nếp ở Việt Nam đã qua, và thể hiện lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thật ra là gạo nếp chứ không phải gạo tẻ, nên không ảnh hưởng đến lượng lúa gạo vụ Đông Xuân này”, Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV phân tích.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE