Trung Quốc đã chi gần 44 tỷ USD mua năng lượng giá rẻ từ Nga

Tháng 8/2022, Trung Quốc đã chi thêm 8,3 tỷ USD cho các mặt hàng năng lượng của Nga, trong bối cảnh hai quốc gia đang tăng cường hợp tác ở lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt.
Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tại một bến cảng ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.
Một tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tại một bến cảng ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Theo Bloomberg, trong tháng 8/2022, chi tiêu của Trung Quốc cho các sản phẩm năng lượng Nga đạt mức kỷ lục 8,3 tỷ USD. Điều này cho thấy Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn cung dầu thô, sản phẩm dầu, khí đốt và than từ Moscow.

Cụ thể hơn, xuất khẩu dầu mỏ Nga đến Trung Quốc đã đạt mức 8,34 triệu tấn trong tháng 8, cao hơn so với mức 7,15 triệu tấn của tháng 7 và 6,53 triệu tấn cách đó một năm.

Bên cạnh dầu mỏ, than đá cũng là một trong những mặt hàng có tổng sản lượng nhập khẩu tăng cao. Trong tháng 7, Trung Quốc đã nhập 8,5 triệu tấn than từ Nga, tăng 57% so với một năm trước. Trong đó, riêng than cốc cho ngành công nghiệp luyện thép đã chiếm khoảng 1,9 triệu tấn.

Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, khối lượng năng lượng nhập khẩu từ Nga vào nước này trong tháng 8 cao hơn 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch sản phẩm năng lượng quốc gia này mua từ Nga hiện đã đạt gần 44 tỷ USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này đã đạt được chỉ trong 6 tháng kể từ khi xung đột giữa Nga - Ukraine xảy ra.

Dù giá trị nhập khẩu đã bị đội lên một phần do giá năng lượng toàn cầu tăng cao, Trung Quốc vẫn mua được sản lượng lớn nhờ những ưu đãi và chiết khấu từ đồng minh chiến lược. Đồng thời, điều này cũng có lợi cho Nga khi đang cần một thị trường thay thế xuất khẩu hàng hóa, giảm bớt những áp lực trừng phạt từ phương Tây.

Nhiều chuyên gia cho rằng Moscow sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm từ dầu đến Trung Quốc và Ấn Độ trong những tháng tới, giữa bối cảnh châu Âu siết chặt lệnh trừng phạt.

Ngoài dầu mỏ và than đá, việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đã chạm tới con số 671.000 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2020 và tăng 37% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng kim loại khác như đồng, niken, nhôm hay paladi (Pd) cũng tăng mạnh. Đặc biệt, sản lượng niken tinh chế và paladi tinh chế nhập khẩu đã tăng lần lượt là 2,5 và 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE