“Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn không thể thiếu với bất động sản”

Theo chuyên gia, để thị trường bất động sản có thể hoạt động và tăng trưởng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn không thể thiếu…
Ông Hoàng Anh Tuấn
Ông Hoàng Anh Tuấn

Một nhận định được ông Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia từ CTCK MB (MBS) đưa ra khi trao đổi với Nhịp sống doanh nghiệp xoay quanh các chủ đề được quan tâm hiện nay là chứng khoán, trái phiếu…

Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường chứng khoán Việt giai đoạn hiện nay? Có phải do hiện nay đang ở vùng trũng thông tin khi mà kết quả kinh doanh chưa được công bố nhiều, cộng thêm các yếu tố thế giới tác động?

Phiên cuối tuần vừa rồi, chỉ số VN-Index đạt 1.194 điểm, giảm nhẹ so với phiên trước đó, tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực thì chỉ số này đã có hai tuần tăng liên tiếp, điều này cho thấy có dòng tiền bắt đáy khi giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn.

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam tương tự với thị trường chứng khoán thế giới, cũng hồi phục khá trong hai tuần vừa rồi và hầu hết cũng giảm nhẹ vào phiên thứ 6 chốt tuần.

Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn hiện nay đang chờ đợi xu hướng chủ đạo của thị trường thế giới sau kỳ họp nâng lãi suất của FED vào ngày 28/7 tới đây, nếu như sau kỳ họp FED nâng lãi suất mà các thị trường chứng khoán đều tăng thì tôi cho rằng VN-Index cũng sẽ tiếp tục tăng và ngược lại.

Hiện tại kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp trên sàn đa số đều đã được công bố, thị trường tăng lên cũng do kết quả kinh doanh quý 2 các doanh nghiệp không quá tệ trong khi giá cổ phiếu đã chiết khấu sâu. Tôi cho rằng nhà đầu tư đang sợ tháng 8 sắp tới là vùng trũng thông tin khi mà không có nhiều thông tin tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, xu hướng nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn và sẽ giải ngân khi giá cổ phiếu giảm sâu.

Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Vì thế, về ngắn hạn hơn, sắp tới tháng 7,8 là thời điểm trũng thông tin, gần như rất ít thông tin hỗ trợ cổ phiếu và thị trường chứng khoán. Vì vậy, bây giờ nhà đầu tư nên bán dần ra, chờ thời điểm thị trường giảm thì mua lại sẽ có hiệu quả đầu tư tốt hơn.

Ông đánh giá ra sao về bức tranh kết quả kinh doanh quý 2? Trên cơ sở đó ông đánh giá tác động như thế nào tới thị trường? Nhận định triển vọng thị trường cuối năm?

Bức tranh lợi nhuận quý 2 đã được hé lộ khá đầy đủ và cũng đi đúng với dự đoán của đại đa số nhà đầu tư, chỉ bất ngờ một vài doanh nghiệp lỗ lớn do đầu tư chứng khoán. Về mặt bằng chung, các doanh nghiệp hầu như đều có sự tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận riêng quý 2 thì đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại hoặc giảm tăng trưởng.

Hiện tại, các doanh nghiệp dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt thì cũng khó tăng giá cổ phiếu do định giá của các doanh nghiệp này bị hạ xuống thấp hơn. Ví dụ PE trung bình của VNINDEX thời điểm 1500 là 16-17 lần, các doanh nghiệp tốt được định giá khoảng 20 lần thì bây giờ khi VNINDEX còn 1200 điểm, PE là 12-13 lần thì PE doanh nghiệp đó chỉ còn khoảng 16-17 lần, tương đương mức giảm khoảng 20% so với định giá trước đó.

Xét về triển vọng thị trường từ đây đến cuối năm, tôi cho rằng VN-Index sẽ đi ngang trong biên độ 1.100 – 1.300 điểm, còn các cổ phiếu phải có câu chuyện hấp dẫn thì mới có thể tăng mạnh trở lại được. Để giải thích về điều này, trước hết chúng ta phải quan sát xu hướng lớn của dòng tiền trong nền kinh tế.

Cụ thể, từ bây giờ đến cuối năm, FED sẽ họp 4 lần cụ thể là vào ngày 28/07/2022, 22/09/2022, 03/11/2022 và 15/12/2022, dự kiến nâng lãi suất từ 0.5 – 1% mỗi lần họp.

Tức là xu hướng tiền gửi tiết kiệm ở mỗi quốc gia cũng sẽ tăng tương ứng từ 2-5%, hiện tại các ngân hàng Việt Nam đều ghi nhận dòng tiền tiết kiệm đang tăng lên mạnh cho thấy nhà đầu tư đang ưa chuộng gửi tiết kiệm nhiều hơn là đầu tư vào các tài sản rủi ro như bất động sản và chứng khoán.

Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, vì vậy nếu nói về triển vọng 6 tháng cuối năm thì không quá khả quan để chúng ta có thể kỳ vọng một đợt tăng lớn.

Xét về xu hướng ngắn hạn hơn, tôi cho rằng tháng 8 sẽ là tháng thiếu hụt thông tin tích cực cho các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, vì vậy khả năng giá cổ phiếu sẽ giảm khá cao, đây sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư giá trị mua vào cổ phiếu ở vùng giá tốt.

Ngành nghề có thể xem xét là ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi do lợi nhuận ổn định và giá chiếu khấu sâu. Kế đến là dòng dầu khí, hưởng lợi nhờ vào việc giá dầu đang neo ở mức cao, ngành chứng khoán có thể kỳ vọng sẽ tăng trưởng do sẽ triển khai T+2 vào cuối tháng 8 năm nay.

NHNN mới đây nêu quan điểm giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2022 vẫn ở mức 14%. Ông có bình luận gì về thông tin này, đánh giá tác động tới cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng và tới thị trường?

Tôi cho rằng việc giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2022 ở mức 14% không phải thông tin quá xấu đối với ngành ngân hàng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp ngân hàng vẫn có thể tăng trưởng 14% so với năm cũ và mức tăng trưởng này cũng tương đương với các năm trước.

Đối với tôi, việc hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 14% là ổn định do trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ, nếu ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tín dụng sẽ gây áp lực lớn đến tỷ giá và lạm phát, việc này rõ ràng sẽ gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn.

Về ngắn hạn, nhóm ngân hàng sẽ bất lợi do nhà nước đã siết dòng tiền cho vay bất động sản, để dành room cho vay các ngành nghề sản xuất khác để thúc đẩy nền kinh tế, tạm thời sẽ gián đoạn trong việc cơ cấu lại nhóm nợ và dòng tiền. Tuy nhiên nhìn về dài hạn, hoạt động này giúp cho tăng trưởng thực của nền kinh tế sẽ bền vững hơn và giúp cho lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Kết luận lại, cổ phiếu ngành ngân hàng có thể bị giảm trong ngắn hạn nhưng sẽ tích cực trong dài hạn hơn do lợi nhuận thu về khi cho vay các doanh nghiệp sản xuất sẽ bền vững hơn việc cho vay các doanh nghiệp hoặc dự án bất động sản.

Một số ý kiến gần đây nêu quan điểm về việc cần “ứng xử hợp lý” với trái phiếu doanh nghiệp, một kênh dẫn vốn quan trọng. Quan điểm của ông về điều này?

Trong giai đoạn 2020 – 2021, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu liên tục và ồ ạt cho nhà đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng quy mô của trái phiếu doanh nghiệp là 1,5 triệu tỷ đồng bằng với quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ. Riêng năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt quá tín dụng mới cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.

Để thị trường bất động sản có thể hoạt động và tăng trưởng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn không thể thiếu. Các doanh nghiệp phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp bao gồm thứ nhất là ngân hàng thương mại, thứ hai là bất động sản và thứ ba là năng lượng tái tạo.

Tôi cho rằng, nếu như tạm dừng ngay lập tức toàn bộ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp vô hình chung sẽ chặn đứng dòng chảy cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Thay vào đó, “ứng xử hợp lý” với trái phiếu doanh nghiệp là lựa chọn tốt.

Cụ thể, Nhà nước nên siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng các chính sách chặt chẽ hơn về tính minh bạch cũng như tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng phải đủ tiềm lực để chi trả lãi suất và không gây nợ xấu cho các trái chủ. Phát triển kênh trái phiếu chính phủ một cách minh bạch cũng chính là giúp ích cho việc phát triển nền kinh tế bền vững hơn.

Cảm ơn ông!

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Ảnh minh họa

Giá vàng phục hồi nhẹ, tỷ giá trung tâm tăng

Giá vàng miếng SJC có thời điểm tuột mốc 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra song đã nhanh chóng lấy lại mốc này. Trong khi giá USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại cũng quay đầu tăng nhẹ.

Chat với BizLIVE