Top 10 ô tô bán chạy tháng 6 – Bảng xếp hạng kỳ quặc

Chưa bao giờ thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến một bảng xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy lạ lẫm như tháng 6/2022.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu đang đẩy thị trường ô tô đến những xáo trộn.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu đang đẩy thị trường ô tô đến những xáo trộn.

“Ế bền vững” lên ngôi, “vua doanh số” mất hút

Những người thường xuyên theo dõi các bảng xếp hạng xe bán chạy hằng tháng có thể nhận ra ngay vài điểm kỳ lạ của tháng 6/2022.

Đầu tiên là sự xuất hiện đầy… “choáng váng” của Mitsubishi Triton. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mẫu xe bán tải thương hiệu Nhật Bản đạt sản lượng bán hàng 793 chiếc trong tháng 6/2022, theo đó chễm chệ ở vị trí xe đắt khách thứ 7 toàn thị trường.

Mitsubishi Triton không phải cái tên lạ lẫm ở thị trường ô tô Việt Nam và ở phân khúc xe bán tải. Thậm chí mẫu xe này từng tạo nên một trào lưu sử dụng xe bán tải hồi đầu thập niên 2010 trước khi bị Ford Ranger giành mất vị thế. Tuy nhiên, Triton chưa bao giờ lọt vào nhóm xe được ưa chuộng ngay cả khi tính riêng trong phân khúc ô tô bán tải.

Các con số thống kê cũng cho thấy rõ chỗ đứng thực tế của Triton trên thị trường. Trước khi nhảy vào Top 10 xe đắt khách nhất tháng 6, doanh số của Mitsubishi Triton thường xuyên duy trì ở mức thấp. Theo số liệu từ VAMA, lượng xe Triton bán ra thị trường trong tháng 5/2022 thậm chí chỉ đạt vẻn vẹn… 75 chiếc, tức chưa bằng số lẻ của tháng 6; con số của tháng 4 cũng chỉ là 155 chiếc và tháng 3 đạt được 391 chiếc.

Cái tên đầy kỳ lạ tiếp theo là Hyundai Creta. Mẫu xe gầm cao đô thị này thậm chí còn vượt qua cả Mitsubishi Triton. Với sản lượng bán hàng 830 chiếc, Hyundai Creta bất ngờ tiếp quản vị trí xe bán chạy thứ 6 trên thị trường.

Một lý giải mang nhiều tính thuyết phục là Hyundai Creta vừa được nâng cấp lên phiên bản mới hồi đầu tháng 3 năm nay. Đồng thời, TC Group cũng vừa tạm dừng phân phối mẫu xe Kona và qua đó, xem như Creta là cái tên được trám vào để thay thế.

Tuy nhiên, cũng tương tự như Triton, kể cả khi “vun vén” được đối tượng khách hàng cũ do “đàn anh” Kona để lại thì Creta cũng chưa bao giờ được định danh là một mẫu xe hấp dẫn trên thị trường.

Trong khi vài ba cái tên có thể coi là “ế bền vững” bất ngờ lên ngôi thì ở chiều ngược lại, danh sách 10 ô tô bán chạy tháng 6/2022 lại gây ra một sự hụt hẫng mang tên Toyota Vios.

Trong suốt chặng đường dài 10 năm trở lại đây, cho dù có vài thời điểm bị đối thủ Hyundai Accent hay thậm chí là Honda City vượt qua song về tổng thể, Toyota Vios vẫn xứng danh “vua doanh số” ở thị trường ô tô Việt Nam.

Ngay cả khi cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, Toyota Vios vẫn là mẫu xe bán chạy nhất thị trường với tổng sản lượng 11.937 chiếc, vượt qua một loạt mẫu xe khác như “anh em” Corolla Cross (10.913 chiếc), VinFast Fadil (9.566 chiếc) hay đối thủ cạnh tranh trực tiếp Hyundai Accent (10.240 chiếc).

Thế nhưng tính riêng trong tháng 6, “vua doanh số” Vios lại bị đánh bật khỏi top 10 xe đắt khách nhất khi chỉ đạt sản lượng bán hàng vẻn vẹn 673 chiếc. Biết rằng ngay trong tháng liền kề trước đó, lượng xe Toyota Vios bán ra thị trường lên đến 3.887 chiếc đồng thời mẫu sedan cỡ B nắm giữ luôn ngôi vị quán quân.

Cú “bẻ lái” của chuỗi cung ứng toàn cầu

Vậy nguyên nhân gì khiến cho bảng xếp hạng xe bán chạy tháng 6 trở nên kỳ quặc? Câu trả lời đáng thuyết phục nhất chính là bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến những xáo trộn trên thị trường.

Theo báo cáo của VAMA, tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam tháng 6/2022 chỉ đạt 25.159 chiếc, giảm đến 42% so với tháng liền trước. Con số này không phản ảnh đúng nhu cầu mua sắm thực tế của người tiêu dùng. Sự sụt giảm về doanh số bán hàng trên toàn thị trường được nhận định chủ yếu là do các hãng xe đang rơi vào tình thế khan hiếm nguồn cung. Thực tại cũng cho thấy, hiện đang có không ít những mẫu ô tô được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng nhà phân phối không có xe để bán. Có những mẫu xe người tiêu dùng phải chờ đợi thậm chí… vô thời hạn để được giao xe.

Giới kinh doanh ô tô cho rằng, khi thị trường khan hiếm nguồn cung thì câu chuyện giá bán sẽ được gạt sang một bên. Điều không ít người tiêu dùng ưu tiên lúc này là làm sao có xe để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và di chuyển thay vì so đo thiết kế, đong đếm công nghệ, tính năng.

“Hết nạc thì vạc đến xương”, phó phòng kinh doanh của một đại lý Toyota ở Hà Nội nhận định như vậy về tâm lý của không ít người tiêu dùng. Theo anh này, khi bản thân các hãng xe cũng không biết khi nào mới nhập được xe, khi nào mới có đủ linh kiện để lắp ráp thì người tiêu dùng đương nhiên phải chuyển hướng sang một mẫu xe khác kém hấp dẫn hơn.

Đứng ở góc độ của nhà cung cấp, khi những mẫu xe được đánh giá cao và vốn dĩ trước đây luôn bán rất chạy bị cạn kiệt nguồn cung thì rõ ràng, hoạt động giao thương sẽ được chuyển trọng tâm sang những mẫu xe kém hấp dẫn hơn. Người tiêu dùng sẽ không còn nhiều lựa chọn cho nhu cầu của mình như trong bối cảnh của một thị trường bình thường. Những mẫu xe vốn dĩ trước đây thường rơi vào ế ẩm và tồn kho nhiều thì nay lại sẵn hàng để giao. Bởi vậy, không khó để lý giải cho sự kỳ lạ của Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 6 vừa qua.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE