Tốc độ Internet tại Việt Nam so sánh ra sao với thế giới?

Trong tháng 5, Việt Nam đứng thứ 56 thế giới về tốc độ Internet di động và thứ 60 về băng rộng cố định.
Tốc độ Internet tại Việt Nam so sánh ra sao với thế giới?
Tăng tốc chậm hơn trung bình thế giới
Trang Speedtest vừa đưa ra thống kê tốc độ download, upload trên mạng di động cũng như băng rộng cố định của các quốc gia trên thế giới trong tháng 5.
Với Internet di động, tốc độ download tại Việt Nam trong tháng 5/2021 đạt 44,49 Mb/giây, tốc độ upload đạt 20,16 Mb/giây. So với tháng trước, tốc độ download tăng khoảng 16%, kéo theo thứ hạng của Việt Nam cao hơn 10 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí 56. 
Tốc độ Internet tại Việt Nam so sánh ra sao với thế giới? ảnh 1
Việt Nam xếp hạng 56 về tốc độ Internet di động và 60 về tốc độ băng rộng cố định  
Hồi tháng 4/2020, tốc độ Internet di động tại Việt Nam xếp thứ 49 trên thế giới, đạt 34,80 Mb/giây, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Đây là vị trí cao nhất Việt Nam đạt được trên bảng xếp hạng của Speedtest. Như vậy, sau hơn 1 năm qua, sự tăng trưởng tốc độ kết nối Internet di động của Việt Nam chậm hơn khá nhiều so với trung bình toàn cầu.
Hiện tại, tốc độ Internet di động ở Việt Nam vẫn thấp hơn khá nhiều so với trung bình thế giới. Trong tháng 5, tốc độ Internet di động trung bình của thế giới là 54,53 Mb/giây. Quốc gia có tốc độ cao nhất là UAE (194,04 Mb/giây), thứ 2 là Hàn Quốc (192,58 Mb/giây). Đây đều là các quốc gia có mạng 5G phát triển mạnh. Thời gian qua, tốc độ Internet ở cả Việt Nam và trên thế giới đều có xu hướng ở hạng mục Internet di động, với sự phát triển nhanh của mạng 5G. 
Với Internet băng rộng cố định, Việt Nam đạt tốc độ download 70,05 Mb/giây, upload đạt 65,43 Mb/giây. Thứ hạng tốc độ mạng băng rộng cũng tăng 1 bậc so với tháng 4/2021, lên mức 60 thế giới vào tháng 5.
So với trung bình toàn cầu (tốc độ download trung bình là 105,12 Mb/giây, tốc độ upload là 55,95 Mb/giây), tốc độ truy cập Internet băng rộng cố định tại Việt Nam cũng chậm hơn khá nhiều. Nước có tốc độ Internet băng rộng cố định cao nhất là Singapore, đạt 250,35 Mb/giây.
Cáp quang biển thường xuyên gián đoạn
Lý do tốc độ mạng tại Việt Nam chậm hơn trung bình thế giới, khả năng nâng cấp cũng không theo kịp đến từ năng lực hạn chế của cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư của các nhà mạng chưa đủ. 
Ngoài ra, các sự cố cáp quang biển liên tục xảy ra cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Trong tháng 5, sự cố với cáp quang biển xảy ra vào ngày 26/5, trên tuyến cáp AAE-1, khiến một phần lưu lượng Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng. Đơn vị vận hành tuyến cáp này phát hiện hiện tượng sụt giảm điện áp trên nhánh S1H, nguyên nhân có thể đến từ việc đứt một phần sợi quang trên phân đoạn S1H.1. Đồng thời với sự cố này là việc bảo trì tuyến cáp APG diễn ra từ ngày 6/6. Mục đích là bảo trì nguồn và chưa có thời gian dự kiến hoàn thành. 
Tốc độ Internet tại Việt Nam so sánh ra sao với thế giới? ảnh 2
 Các sự cố cáp quang liên tục xảy ra ảnh hưởng tới tốc độ Internet ở Việt Nam
Hai tuyến cáp cùng gặp gián đoạn khiến việc truy cập Internet quốc tế của người dùng bị ảnh hưởng. Sự cố này dự kiến đến giữa tháng 7 mới được khắc phục xong.
AAE-1 (Asia Africa Europe 1) là tuyến cáp được đánh giá có độ ổn định cao, được triển khai từ giữa năm 2017, có hướng kết nối tới châu Âu và Trung Đông.
APG (Asia Pacific Gateway) được triển khai từ năm 2016, có chiều dài 10.400 km, đặt dưới biển Thái Bình Dương. Hồi đầu năm nay, APG cũng gặp trục trặc, khiến việc truy cập Internet đi quốc tế gặp khó khăn. Ngoài ra, tuyến Liên Á - Intra Asia (IA) cũng liên tục dính sự cố khiến tốc độ Internet không được đảm bảo.
Thế kiềng 3 chân của các nhà mạng, ISP
Trang Speedtest cũng đưa ra thống kê cụ thể và xếp hạng về tốc độ Internet di động của 4 nhà mạng viễn thông lớn (Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile) và tốc độ băng rộng cố định của 3 đơn vị cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là Viettel, FPT Telecom, VNPT (trong ảnh viết là VinaPhone).
Tốc độ Internet tại Việt Nam so sánh ra sao với thế giới? ảnh 3
Bảng xếp hạng tốc độ download và upload trung bình của 4 nhà mạng
Theo đó, Viettel giữ ngôi đầu ở cả 2 hạng mục là tốc độ Internet di động (trung bình download và upload là 38,55 Mb/giây) và băng rộng cố định (59,76 Mb/giây). 
VinaPhone đạt tốc độ 36,93 Mb/giây đứng thứ 2 trong số các nhà mạng viễn thông, xếp thứ 3 là MobiFone (31,80 Mb/giây).
Tốc độ Internet tại Việt Nam so sánh ra sao với thế giới? ảnh 4
Bảng xếp hạng 3 ISP, VinaPhone được Speedtest viết là VNPT
Trong số các ISP, FPT Telecom xếp sau Viettel, giành ngôi á quân với thông số trung bình download và upload là 42,36 Mb/giây. VNPT đứng thứ 3 với tốc độ này đạt 41,59 Mb/giây.
Nhiều năm qua, thị trường viễn thông và Internet băng rộng cố định tại Việt Nam đều bị chi phối bởi 3 doanh nghiệp mạnh nhất, với thị phần gần như tuyệt đối. Các đối thủ nhiều lần muốn phá thế kiềng 3 chân này với chiến dịch đầu tư, truyền thông mạnh tay nhưng đều không thành công. Chuyên gia kinh tế cho rằng việc duy trì thế độc tôn của 3 doanh nghiệp quá lâu trong 1 thị trường có thể gây ra hệ luỵ về tính cạnh tranh giảm sút. Các đơn vị này có thể bắt tay nhau lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho người dùng và nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển. 
Thống kê từ Speedtest cho thấy 1 năm qua, sự nâng cấp về tốc độ của Internet ở Việt Nam đang chậm hơn trung bình thế giới. Điều này phần nào cho thấy sức ỳ của ngành cũng như việc tái đầu tư của các doanh nghiệp đầu ngành không đáp ứng yêu cầu. Khi thị phần được phân chia xong, mục tiêu hàng đầu của những tổ chức độc tôn trong thị trường này sẽ là tối đa hoá lợi nhuận trước mắt thay vì việc tái đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE