Thương vụ giải cứu Credit Suisse bị chỉ trích tại Quốc hội Thụy Sỹ

Quốc hội Thụy Sỹ ngày 11/4 đã có phiên tranh luận gay gắt về vụ sụp đổ của Credit Suisse cũng như các quy định vốn không đủ khả năng ngăn chặn một ngân hàng lớn như vậy rơi vào bất ổn.

Tại phiên họp bất thường này, Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset đã bảo vệ thương vụ sáp nhập giữa UBS và Credit Suisse, khẳng định vụ phá sản của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ sẽ gây ra một thảm họa tài chính cũng như danh tiếng của đất nước.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đã chỉ trích việc chính phủ Tổng thống Berset đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận hôm 19/3 ở hậu trường, bỏ qua vai trò của Quốc hội và đặt các nghị sĩ vào "sự đã rồi".

Mặc dù vậy, bất chấp những chỉ trích này, Thượng viện Thụy Sỹ đã bỏ phiếu phê duyệt hồi tố khoản bảo lãnh tài chính trị giá 109 tỷ franc Thụy Sỹ (120,5 tỷ USD) của chính phủ, với 29/46 thành viên Hội đồng liên bang (Thượng viện) thông qua biện pháp trên.

Trong khi đó, phiên tranh luận tại Hạ viện diễn ra sau đó rất căng thẳng, kéo dài trong nhiều giờ và kết thúc vào lúc gần nửa đêm, với tỷ lệ 102 phiếu chống và 71 phiếu thuận. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này hầu như chỉ mang tính biểu tượng, do các khoản đảm bảo đã được chính phủ chi trả và không thể ngăn cản.

Trong một diễn biến có liên quan, các tài liệu mới được công bố cho thấy ngân hàng Credit Suisse và Ủy ban giao dịch và chứng khoán Mỹ (SEC) đã tranh cãi qua lại suốt nhiều tháng trước đó về mức độ nghiêm trọng của các lỗi trong hoạt động báo cáo dẫn đến việc ngân hàng này trì hoãn báo cáo thường niên vào tháng trước.

Hồi tháng Ba, Credit Suisse cho biết ngân hàng này đã hoãn báo cáo thường niên sau một cuộc thảo luận với SEC, trong đó cơ quan này đặt ra những câu hỏi về các báo cáo tài chính trước đó. Tài liệu của SEC cho thấy nhân viên của cơ quan này đã lần đầu tiên đặt câu hỏi với Credit Suisse vào tháng 7/2022. Hiện Credit Suisse và SEC chưa có bình luận gì về việc này.

Vấn đề đang gây tranh cãi là những thay đổi mà Credit Suisse thực hiện trong cách ghi nhận một loạt dòng tiền, trong đó có các khoản thù lao bằng cổ phiếu và các khoản phòng trừ rủi ro ngoại hối, và liệu những lỗi về kiểm soát có cần phải được thông báo với ủy ban kiểm toán của ngân hàng này hay các nhà đầu tư không.

Việc trì hoãn công bố báo cáo vào phút chót của Credit Suisse đã khiến cổ phiếu của ngân hàng này rơi xuống gần các mức thấp nhất từ trước đến nay.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE