Thương mại Nga - Trung suy yếu

Kể từ thời điểm xung đột Nga - Ukraine nổ ra, hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Trung Quốc sang Nga bắt đầu sụt giảm mạnh.
Xuất khẩu sang Nga giảm mạnh kể từ chiến tranh. Ảnh: Reuters.
Xuất khẩu sang Nga giảm mạnh kể từ chiến tranh. Ảnh: Reuters.

Theo SCMP, năm ngoái, nhờ tập trung vào thị trường Nga, He Liyuan được mệnh danh là "nhà vô địch bán hàng" tại một công ty xuất khẩu máy móc ở Nam Kinh, Trung Quốc.

Tuy nhiên, thành tựu của He khó có thể lặp lại trong năm 2022 khi cô không nhận được bất cứ đơn đặt hàng mới nào từ khách hàng. Không những thế, He còn đối mặt với 4 đợt hủy hàng.

“Tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi sang Nga năm ngoái đạt 9,4 triệu USD, năm trước nữa là 10 triệu USD. Đến nay, mọi thứ chỉ là con số 0. Xung đột đã giết chết các đơn đặt hàng”, He nói.

Mất nhiều hợp đồng béo bở

Kể từ thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì quan hệ thương mại bình thường với quốc gia láng giềng bất chấp áp lực trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây. Song, các dữ liệu thương mại lại chỉ ra một thực tại khác.

Sự suy giảm nhu cầu từ Nga, làn sóng trừng phạt, sự cảnh giác từ các công ty đa quốc gia của Trung Quốc, rào cản thanh toán hay vận chuyển đang kìm hãm dòng chảy hàng hóa giữa hai nước.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy trong tháng 4, xuất khẩu của nước này sang Nga giảm 25,9% so với cùng kỳ xuống 3,8 tỷ USD. Con số này vào tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 7,7%.

Ngoài ra, xuất khẩu tháng 3 sang Nga giảm 27% so với tháng 2, đồng thời giảm thêm 0,6% vào tháng 4.

Trước xung đột, hơn 40% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bao gồm các loại máy móc và thiết bị điện như smartphone hay máy xử lý nhựa, sản phẩm chủ lực của công ty He.

Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng thay đổi khi chiến sự bắt đầu, hoạt động phân phối sang Nga đã bị thu hẹp 26% trong tháng 3 (so với tháng 2) và giảm tiếp 17% vào tháng 4.

“Nếu khách hàng không tin tưởng vào tương lai, họ sẽ không bao giờ đặt bất kỳ đơn hàng mới nào. Khách hàng của chúng tôi thường là những tập đoàn lớn ở Nga. Nếu hoạt động kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng quá nhiều như này, các công ty quy mô nhỏ còn phải đối mặt với tình huống tồi tệ hơn”, He nhận xét.

Thương mại suy yếu

Theo Lu Ting - nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura - tình trạng sụt giảm xuất khẩu cho thấy nền kinh tế Nga có thể đã rơi sâu vào vùng xấu vào tháng trước.

Ngân hàng Thế giới dự đoán kinh tế Nga có thể giảm 11% trong năm nay do xung đột kéo dài và các lệnh trừng phạt leo thang. Trong khi đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu dự đoán con số rơi vào 10%.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu sản phẩm nhạy cảm thuộc lĩnh vực quốc phòng, hàng không, hàng hải cũng suy giảm mạnh trong hai tháng qua. Dù chưa trình bày rõ cơ chế trừng phạt thứ cấp, Washington vẫn khẳng định sẽ có hậu quả nếu Bắc Kinh hỗ trợ vật chất cho Nga.

Dòng chảy thương mại giữa hai nước đang bị các lệnh trừng phạt chặn đứng. Ảnh: Reuters.

Năm ngoái, Trung Quốc đã bán số vũ khí, đạn dược và khí tài trị giá 2,4 triệu USD cho Nga. Khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2, xuất khẩu vũ khí từ Trung Quốc sang Nga giảm về 0 trong tháng 3.Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 phát sinh 471.000 USD, chủ yếu là các sản phẩm như súng hơi, hơi ga, súng ngắn…

Về hàng hải, trong hai tháng 3 và 5, giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất sau hai năm, lần lượt ở mức 97,2% và 99,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đối với các sản phẩm liên quan đến máy bay và tàu vũ trụ, giá trị xuất khẩu cũng giảm 88% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái và 33,6% trong tháng 4. Xuất khẩu sản phẩm dân dụng và quân sự cũng giảm mạnh, trong đó máy điện thoại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch sang Nga.

Lo sợ dính lệnh trừng phạt

Kể từ tháng 1, cơ sở dữ liệu của hải quan Trung Quốc đã ngừng công bố số lượng xuất khẩu smartphone sang nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga. Tuy vậy, nhiều nhà sản xuất lớn của Trung Quốc như Xiaomi được cho là đã đình chỉ các lô hàng mới đến Nga kể từ thời điểm nổ ra xung đột mà không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào.

Tương tự, một số nguồn tin cho biết Honor, mảng di động tách từ Huawei, cũng đình chỉ các đơn đặt hàng sang Nga. Mặt khác, nhà sản xuất smartphone Vivo vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ở Nga. Song, công ty sẽ không tìm cách mở rộng thị trường.

Về mặt lý thuyết, vẫn có ngân hàng Nga được miễn trừ lệnh cấm SWIFT và các nhà nhập khẩu vẫn có thể chuyển tiền nếu họ muốn. Nhưng vấn đề ở chỗ chính phủ Nga đang kiểm soát ngoại hối chặt chẽ và cấm chuyển lượng lớn tiền ra nước ngoài.

He Liyuan, Giám đốc bán hàng tại một công ty xuất khẩu ở Trung Quốc

Hầu hết công ty công nghệ Trung Quốc sử dụng chip bán dẫn có nguồn gốc liên quan đến Mỹ. Trước lệnh hạn chế xuất khẩu bao gồm hàng hóa được sản xuất bằng thiết bị, phần mềm và bản thiết kế của Mỹ, các công ty này có khả năng chịu đòn trừng phạt thứ cấp nếu tiếp tục đưa hàng sang Nga.

Một yếu tố khác cản trở dòng chảy thương mại song phương là tỷ giá hối đoái của RUB. Sau khi lao xuống mức thấp kỷ lục vào tháng 3, giá trị của RUB đã nhanh chóng vươn lên mức cao nhất trong hai năm.

Nhân dân tệ bắt đầu được sử dụng phổ biến trong hoạt động thương mại giữa hai nước thay vì USD. Dẫu vậy, nhiều giao dịch vẫn được thực hiện qua hệ thống nhắn tin tài chính SWIFT.

Những biện pháp này không chỉ tác động đến quá trình dàn xếp thương mại mà còn liên đới các khoản thanh toán cước phí.

“Một số đại lý vận chuyển yêu cầu thanh toán trước 100% cước phí. Nhưng các biện pháp kiểm soát ngoại hối ở Nga không cho phép điều đó. Đây là một vấn đề rất lớn”, He nói thêm.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE