Quay về eMagazine
Thích ứng để bền vững

Thích ứng để bền vững

Năng lực thích ứng với điều kiện thay đổi của nền kinh tế, của thị trường, đặc biệt với những biến động từ bên ngoài, đã và sẽ tạo thuận lợi, tạo nền tảng để kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững...

Năng lực thích ứng đó được PGS.TS Định Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao của Học viện Tài chính, nhấn mạnh khi nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023, sau khi đã vượt qua đại dịch COVID-19 và nối tiếp một năm đầy khó khăn 2022.

“CHÚNG TA ĐÃ ĐỨNG VỮNG”

Chúng ta vừa trải qua một năm đầy biến động và cả những bất thường, khó lường trên thị trường thế giới. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, ông nói gì về sức đề kháng, sự vững vàng trước những tác động bất thường và khó lường đó?

Kinh tế Việt Nam năm 2022 đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng có thể nói chúng ta đã đứng vững và phát triển tương đối tốt.

Điều đầu tiên, chúng ta thấy, Việt Nam là nước có nhập khẩu khoảng 40% các chi phí đầu vào của nguyên liệu sản xuất kinh doanh để làm cơ sở sản xuất kinh doanh. Rõ ràng với mức nhập khẩu như vậy, cùng với mức lạm phát rất cao, ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới rất lớn. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế của chúng ta có mức tăng trưởng 8%, lạm phát cả năm dưới 4%, thực tế này cho thấy sự thích ứng của kinh tế Việt Nam với thực trạng sản xuất kinh doanh tương đối tốt.

Các doanh nghiệp cũng có cơ hội hồi phục và phát triển. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại sản xuất kinh doanh cao nhất nhiều năm qua, là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế có được kết quả trên.

PGS.TS Định Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao của Học viện Tài chính

PGS.TS Định Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao của Học viện Tài chính

Nhưng nội tại kinh tế Việt Nam cũng còn những vấn đề tiềm ẩn rủi ro, như diễn biến trên thị trường trái phiếu, khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản… Ông đánh giá những vấn đề nội tại này đang ở mức độ nào và những chuyển giao đáng chú ý cho năm 2023?

Chúng ta đã biết trong 2022 hay những năm trước, thị trường trái phiếu và cổ phiếu tăng trưởng tương đối mạnh mẽ, trở thành một trong những nguồn cung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt; trên cơ sở đó trở thành một trong những thị trường được nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý.

Tuy nhiên cũng vì sự phát triển nhanh, mạnh như vậy mà một số tổ chức, cá nhân lợi dụng có những hành vi thao túng thị trường, làm giá, mua khống bán khống, hay những hành vi phát hành trái phiếu doanh nghiệp... Điều này dẫn đến việc nhà nước phải thực hiện điều chỉnh, từ đó làm cho các thị trường này chậm lại. Thêm nữa có một số chủ thể tung tin đồn gây hoang mang, mất lòng tin của nhà đầu tư, từ đó làm cho thị trường trái phiếu, cổ phiếu rơi vào thế trì trệ và có những tác động không tốt năm qua.

Với sự vào cuộc kiên quyết của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán, Chính phủ, chúng ta thấy rằng, các thị trường này đang được cấu trúc lại, các chính sách cũng được điều chỉnh… Trên cơ sở này, thị trường chứng khoán, trái phiếu trong năm 2023 sẽ có thể tăng trưởng, phát triển một cách thuận lợi hơn.

CÓ THỂ HY VỌNG KINH TẾ BỨT TỐC

Như đề cập ở trên, những tác động bất lợi từ bên ngoài cùng các vấn đề nội tại, trong khi quy mô của nền kinh tế đã lớn hơn nhiều so với các giai đoạn thử thách, khủng hoảng trước đây, hẳn càng đòi hỏi năng lực, bản lĩnh điều hành của Chính phủ, các nhà làm chính sách cũng như đối với các doanh nghiệp, thưa ông…

Về cơ bản tôi cho rằng với các điều chỉnh của doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, từ thị trường bất động sản đến chứng khoán và trái phiếu, với việc đang tự cấu trúc lại mình, thì trong năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng vững vàng hơn, thích ứng với sự thay đổi trong thời gian tới.

Vấn đề quan trọng là chúng ta có những điều kiện thuận lợi để tăng trưởng trong năm 2023 nhưng chúng ta cũng cần có sự thay đổi rất mạnh mẽ về chính sách quản lý của nhà nước, về việc thượng tôn pháp luật, cũng như việc điều chỉnh lại hoạt động, rồi yêu cầu về việc quản lý giám sát trên các thị trường, từ đó đem lại các hoạt động hiệu quả nhất, tốt nhất cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Rõ ràng các chính sách của nhà nước là kim chỉ nam cho nền kinh tế quốc dân, vì thế đó là khuôn khổ mà các doanh nghiệp phải thực thi để đảm bảo tính an toàn, bình đẳng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cho nên việc hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện các biện pháp quản lý sẽ đi đôi với việc nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố quan trọng cần thực hiện một cách tốt nhất trong năm 2023.

Nhưng cuối năm 2022 có một số tín hiệu không tốt đã thể hiện, như nhiều doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng và cắt giảm lao động, xuất khẩu chậm lại, lãi suất liên tiếp tăng lên…

Theo tôi, đây là những vấn đề chúng ta cần quan tâm, nhưng không quá đáng ngại.

Bởi trong năm 2022 khi bắt đầu có sự thay đổi về các đơn hàng cũng như thị trường thì chúng ta chưa kịp thích ứng, nhưng đến nay các doanh nghiệp đã có sự thích ứng hơn, từ đó lại có các yêu cầu về việc đẩy mạnh các hoạt động trong quá trình kinh doanh, đây là cái đang làm rất tốt. Như vậy, không quá là chủ quan nhưng có thể nói chúng ta đã có những bước tập dượt và thích ứng với điều kiện mới của thị trường.

Đặc biệt chúng ta đang hướng tới đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường xuất nhập khẩu để từ đó đáp ứng yêu cầu của sản xuất kinh doanh. Đây là một cơ sở để chúng ta có thể tin tưởng rằng trong năm tới việc này sẽ mở rộng hơn.

Thứ hai là việc tái cấu trúc, rồi việc thay đổi trên thị trường chứng khoán ít nhiều làm cho hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp hơn, huy động vốn sẽ tốt hơn trong năm tới.

Rồi khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào quy củ, trở thành một trong những nguồn cung vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế quốc dân tốt hơn thì những việc như thiếu vốn hay yêu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh sẽ được giải tỏa và giúp cho doanh nghiệp phát triển tốt nhất.

Về vấn đề lãi suất cũng không quá lo ngại. Trong rất nhiều nhân tố chúng ta thấy rằng tỷ giá rồi lạm phát đang tương đối ổn định. Về lâu về dài hoạt động đầu tư nước ngoài tăng lên, các yếu tố về kinh tế sẽ tốt hơn. Ngân hàng Nhà nước cũng có cách tháo gỡ việc tạo nguồn cho doanh nghiệp, để từ đó các ngân hàng có nguồn cho vay với mức lãi suất phù hợp…

Như đã nói, việc hồi phục kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều bước tăng trưởng và phát triển thuận lợi hơn trong năm 2023. Đó là nền kinh tế đã và đang tái cấu trúc, có nhiều sự thích ứng với điều kiện thay đổi của thị trường quốc tế cũng như thích ứng với biến động lãi suất, tỷ giá… Trong năm 2023 chắc chắn sẽ còn những khó khăn nhưng chúng ta cũng vẫn có hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ bứt tốc.

Trân trọng cảm ơn ông.

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE