Thị trường vàng “ngập ngừng” trước khả năng kinh tế Mỹ suy thoái

Hiện tại, rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên đang ngăn khả năng nhà đầu tư bán vàng, tuy nhiên, giá vàng sẽ diễn biến theo biến động của lãi suất thực trong phần còn lại của năm 2022.
Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá vàng rơi xuống mức thấp nhất trong gần 2 tuần, tuy nhiên vẫn ở trong ngưỡng từ 1.800-1.880USD/ounce đã được duy trì suốt từ giữa tháng 5/2022.

Chốt phiên giao dịch, giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 8/2022 hạ 3,6USD/ounce tương đương 0,2% xuống còn 1.821,2USD/ounce – thấp nhất tính từ ngày 15/6/2022, theo số liệu được FactSet công bố.

Giá vàng hạ xuống mức thấp trong phiên ngay sau khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng tháng 6/2022 được công bố. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng xuống mức thấp trong 16 tháng là 98,7 điểm.

Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại AvaTrade, ông Naeem Aslam, nhận xét: “Nhà đầu tư biết rằng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước các số liệu kinh tế được công bố chính thức xác nhận rằng kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái và rằng sự quan tâm của nhà đầu tư với các tài sản có độ rủi ro thấp như vàng tăng lên”.

Đối với thời điểm hiện nay, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu về kim loại quý tại ngân hàng Standard Chartered, ông Suki Cooper, khẳng định rằng giá vàng vẫn dao động trong ngưỡng khi mà nhà đầu tư đón nhận dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chững lại, lạm phát tăng cao và khả năng Fed sẽ vẫn tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD.

“Giá vàng mắc kẹt trong biên độ hẹp khi mà thị trường cân đối giữa rủi ro lãi suất được điều chỉnh tăng cũng như yếu tố lạm phát tăng cao và tăng trưởng kinh tế đi xuống”, ông Cooper phân tích.

“Có quá nhiều yếu tố đang đẩy giá vàng tăng lên, chính vì vậy giá vàng hiện vẫn giao dịch ở trong ngưỡng hẹp”, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại công ty TD Securitíe – ông Daniel Ghali chỉ ra.

Cũng theo ông Ghali, hiện thị trường đang đương đầu với rủi ro suy thoái kinh tế cũng như khả năng tăng trưởng toàn cầu chững lại khiến cho dòng tiền vào vàng tăng lên, nói cách khác, thị trường đã có cam kết của Fed về việc đương đầu với lạm phát, thực tế này sẽ khiến cho lãi suất thực tăng lên.

Vàng vốn được coi như công cụ ngừa lạm phát tuy nhiên lãi suất tăng cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ nó.

“Chúng tôi nghĩ rằng vàng sẽ có một số lần tăng không đáng kể trong nửa sau của năm nay, nhiều khả năng giá vàng sẽ chạm mức 1.900USD/ounce”, chuyên gia thuộc Commerzbank – ông Carsten Fritsch nhận định.

Trong ngắn hạn, tuy nhiên, Fed sẽ nâng lãi suất mạnh tay, giá vàng sẽ chịu không ít sức ép.

Trên thị trường vàng vật chất, nhiều nhà kinh doanh vàng đang hạ giá các sản phẩm vàng nhằm thu hút người mua khi mà mùa cưới tại Ấn Độ dần kết thúc, cùng lúc đó, một số người tiêu dùng tại Trung Quốc mua vàng trong bối cảnh có nhiều nỗi lo kinh tế ngày một lớn dần.

Hiện tại, rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên đang ngăn khả năng nhà đầu tư bán vàng, tuy nhiên, giá vàng sẽ diễn biến theo biến động của lãi suất thực trong phần còn lại của năm 2022, chính vì vậy giá vàng sẽ chịu áp lực suy giảm, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Standard Chartered viết trong nghiên cứu mới đây.

Các số liệu mới nhất về sản xuất và dịch vụ cho thấy triển vọng kinh tế tại cả châu Âu và Mỹ đều u ám. Căng thẳng Nga – Ukraine đã gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát cao lây lan khắp thế giới.

Nhiều nền kinh tế hiện vẫn đang đương đầu với các vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng, triển vọng lãi suất cao không khỏi gây tổn hại đến đầu tư kinh doanh. Châu Âu hiện đang đương đầu với áp lực lớn từ khả năng mùa đông năm nay sẽ vẫn tiếp tục thiếu năng lượng.

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE