Quay về eMagazine
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần một cuộc "đại phẫu"

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần một cuộc "đại phẫu"

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây...

Như đã thông tin, ngày 19/5, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, bền vững”, với sự tham gia của các diễn giả tới từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuyên gia kinh tế - tài chính và đại diện của một số doanh nghiệp.

Nêu ý kiến tại Diễn đàn, các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải khắc phục và xử lý những điểm nghẽn về hành lang pháp lý khi các khung khổ hiện tại đã không còn theo kịp tốc độ phát triển của thị trường TPDN.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, thị trường TPDN tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn khó khăn, lòng tin của nhà đầu tư bị dao động vì những vụ việc xảy ra gần đây.

“Mặc dầu chưa rơi vào khủng hoảng, nhưng những vụ việc xảy ra chứng tỏ thị trường cần một sự chấn chỉnh và cải cách mạnh mẽ. Cũng như tại thị trường Mỹ trong cuộc đại suy thoái năm 2008, người thiệt hại nhất là người dân với tiền tích luỹ được đầu tư vào những trái phiếu với lợi tức cao nhưng đầy rủi ro”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trước những ý kiến lo ngại việc siết chặt của các cơ quan quản lý sẽ làm mất đi khả năng phát triển của thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Hiếu cũng thừa nhận những động thái siết chặt sẽ tạo ra những khó khăn cho thị trường; nhưng đồng thời sẽ tạo lại niềm tin cho nhà đầu tư và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có một thị trường đi vào quy củ và ổn định.

Cũng như một số ý kiến khác, các diễn giả đều đồng thuận nhu cầu bức thiết của thị trường hiện giờ là khung khổ pháp lý cao hơn với những quy định chất lượng hơn.

Đồng thời, với việc xử lý các "lỗ hổng" trên thị trường cũng cần phải nhìn nhận rõ ràng và tách bạch hai vấn đề thiếu sót về cơ chế pháp lý, cũng như yếu kém, tồn tại trong công tác quản lý.

SỬA VÀ LẤP NHỮNG LỖ HỔNG PHÁP LÝ

Về khung khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường, nhiều khách mời đã lên tiếng kiến nghị về tính cấp thiết của việc các cơ quan chuyên trách cần sớm hoàn thiện hành lang phù hợp với điều kiện mới của thị trường.

Cụ thể là sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; rà soát Luật chứng khoán 2019, tiến tới sửa đổi đồng thời nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…

Các kiến nghị đều thống nhất việc sửa đổi Nghị định 153 theo hướng tăng tính minh bạch sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và tăng tính trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Đồng thời tăng cường được vai trò giám sát của cơ quan quản lý; trách nhiệm của đơn vị đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp.

Đề cập đến nội dung mua bán, phát hành trái phiếu riêng lẻ, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, quy định điều kiện với tổ chức phát hành đang bộc lộ nhiều bất cập.

Ví dụ như kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu...

Bên cạnh đấy, ông Tuấn cho rằng quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán cũng cần phải xem xét sửa đổi.

"Các quy định này có thể tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Cùng với đó, chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ: kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức", Phó tổng thư ký VCCI nói.

Với quy định về quản lý dòng vốn, mục đích vay, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá, quy định hiện tại yêu cầu doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác và cho doanh nghiệp khác vay vốn.

Theo ông Tuấn, điều này đã tạo ra sự bất cập khi sẽ hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp và cản trở hoạt động M&A.

"Các quy định này cũng không phù hợp với nguyên tắc quản trị của tập đoàn khi công ty mẹ có uy tín có thể đảm nhận việc phát hành trái phiếu cho công ty con vay lại", ông Tuấn nêu vấn đề.

Liên quan đến hành lang pháp lý với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ông Tuấn cho rằng quy định với đối tượng này bị "lách" bằng cách mua trái phiếu Chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian ngắn rồi bán.

Do đó, ông Tuấn đề xuất sửa quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hướng phải đầu tư, nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết trong vòng 2 năm liên tục, có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI tại Diễn đàn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI tại Diễn đàn.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó.

Cũng theo nhận định của ông Phan Đức Hiếu, quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Điều 11 của Luật Chứng khoán hiện có 2 điểm bất cập.

Thứ nhất, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Điều này thể hiện quy định: Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

"Vậy sau thời điểm đó thì như thế nào?" - ông Phan Đức Hiếu nêu vấn đề và dẫn chứng luật pháp nước ngoài: Theo Luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD. Và trong 2 năm liên tiếp phải luôn phải duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó.

Năm 2020, Mỹ lại sửa đổi thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… Khi đó, nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ông Hiếu cung cấp thêm thông tin.

Thứ hai, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng. Có nghĩa là họ mua ở thị trường sơ cấp, rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo ông Hiếu, quy định như thế sẽ có xung đột, vì nếu họ muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Từ những kiến giải trên, ông Hiếu đề nghị Chính phủ cho xem xét, rà soát Điều 11 của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020 liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo ông Hiếu, nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Bởi đây chính là công cụ thị trường để tự sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.

ĐẢM BẢO MINH BẠCH VÀ TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT

Về công tác quản lý, để chấn chỉnh thị trường trái phiếu, theo TS. Cấn Văn Lực cần giải quyết dứt điểm vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư, cũng như tránh tạo tiền lệ xấu.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Theo tôi, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Dĩ nhiên sẽ tạo ra những khó khăn cho thị trường, nhưng cũng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường, và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có một thị trường đi vào quy củ, ổn định”.

Một góc nhìn khác, theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề đảm bảo cho thị trường TPDN phát triển không nằm ở tài sản đảm bảo mà cần căn cứ vào mức tín nhiệm, sự phát triển, tiềm năng của nhà phát hành trái phiếu.

Mặt khác, ông Võ đánh giá vấn đề quản trị doanh nghiệp cũng là mấu chốt của vấn đề để có thể thúc đẩy huy động vốn qua TPDN cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Còn theo ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, không cần kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà cần cơ chế cởi mở nhưng có những quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần một cuộc "đại phẫu" ảnh 3 Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần một cuộc "đại phẫu" ảnh 4

GS. Đặng Hùng Võ (trái) và ông Phạm Xuân Hoè.

Ngoài ra, đề cập đến Nghị định 153 có yêu cầu hạn mức vay nợ của doanh nghiệp không quá 3 lần so với vốn chủ sở hữu, theo ông Hòe cách tiếp cận đó là chưa phù hợp.

Ông Hòe cho biết, trước kia Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến nghị, mức vay nợ tổng thể với doanh nghiệp, bao gồm cả trái phiếu, cổ phiếu, tín dụng vay của các tổ chức khác,... mà mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có câu chuyện hệ số vay nợ khác nhau.

"Ví dụ ngành thương mại được tài trợ 70% còn 30% là vốn tự có, còn lĩnh vực công nghiệp là 50-50%. Như vậy, chúng ta phải phân tích theo đặc thù ngành nghề để giới hạn, chứ không nên kéo bằng như nhau”, ông Hoè nói.

Ở bình luận liên quan, Ông Phan Đức Hiếu cho rằng muốn nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không gì khác ngoài việc nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Nghị quyết 02/NQ-CP 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao. Theo đó, đã có Bộ chỉ số bảo vệ nhà đầu tư. Đây cũng cũng chính là chỉ số nâng cấp chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Vì thế, theo vị chuyên gia, đây là thời điểm cần phải thực thi mạnh mẽ Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Nêu quan điểm về nội dung này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết nhiều người nói rằng, thị trường TPDN gây ra rủi ro, cần phải thắt chặt hơn.

Tuy nhiên, “quan điểm của tôi là hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác”, ông Đức nói.

Từ đó, ông Đức cho rằng cần tập trung hoàn thiện việc xếp hạng tín nhiệm. Trước mắt sẽ quy định theo cách "đánh đổi".

Ông Đức lấy ví dụ: Nếu như anh có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc có thêm 1-2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm, thì doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng...

CẦN CÓ QUY ĐỊNH RÕ RÀNG HƠN VỀ ĐỊNH HẠNG TÍN NHIỆM

Thêm một vấn đề nhận được nhiều sự đồng thuận từ các khách mời là đòi hỏi cần có quy định cụ thể hơn về định hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Theo đó, Điều này sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành.

Ông Đậu Anh Tuấn, cho rằng giải pháp đánh giá tín nhiệm bắt buộc là giải pháp cơ bản mà các nước thường sử dụng.

Ông Tuấn nêu vấn đề có sự bất đối xứng thông tin, bởi có nhiều nhà đầu tư mua TPDN mà không biết tình hình tài chính nhà đầu tư như thế nào.

"Thường ở các nước, họ bắt buộc phải định giá tín nhiệm qua các công ty định giá chuyên nghiệp, qua đó đánh giá cụ thể về những rủi ro có thể gặp phải là như thế nào”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, tài sản bảo đảm hiện nay về lý thuyết là tốt, nhưng thực sự giá trị của tài sản đảm bảo có sự thay đổi rất nhanh. Điển hình như bất động sản, đất đai, cứ hình dung nếu doanh nghiệp không trả được trái phiếu mà phát mại tài sản đó ở Việt Nam hiện nay là quy trình rất phức tạp. Do đó, định giá tín nhiệm là một giải pháp rất quan trọng và tiềm năng.

"Tiếc là trong Dự thảo 5 sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP lại hơi mờ nhạt, chưa đậm nét", ông Tuấn đánh giá.

Cũng trong luồng quan điểm nhấn mạnh tới vai trò của việc xếp hạng tín nhiệm với sự lành mạnh, ổn định của thị trường, ông Phạm Xuân Hoè nêu lên tồn tại là doanh nghiệp làm dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay còn nhiều hạn chế, lực lượng mỏng.

Điều này sẽ không đủ sức đáp ứng yêu cầu khi thị trường tăng cao. Vì vậy, vị chuyên gia kiến nghị cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển ổn định, có tiềm lực để góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng.

Liên quan đến vấn đề này, trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Trí Hiếu đề cập đến Đạo luật Dodd-Frank (cải cách và bảo vệ người tiêu dùng trên phố Wall) của Mỹ đã dành nguyên một chương về xếp hạng tín nhiệm.

Theo ông Hiếu, Việt Nam cũng có thể nghiên cứu những điều khoản trong chương này để có thể áp dụng.

Thêm vào đó, ông Hiếu cũng lưu ý đến Nghị định số 88/2014/NĐ-CP quy định về xếp hạng tín nhiệm ban hành năm 2014 cần bổ sung nhiều điều khoản, như: Quy định việc các công ty xếp hạng tín nhiệm phải giải trình các phương pháp xếp hạng tín nhiệm sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất các ký hiệu cho các hạng mức tín nhiệm như AAA, BBB, CCC.

"Tương tự như Mỹ, các hạng mức tín nhiệm có thể chia thành 2 nhóm: Đầu tư (investment grade) và không đầu tư (non-investment grade) để các nhà đầu tư nhận định ngay mức độ rủi ro khi mua TPDN", ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, Việt Nam cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động. Việc này nhằm kiểm soát tính tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm; việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm; và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.

Liên quan đến nội dung này trong Nghị định 153, theo ông Hiếu cũng cần bổ sung, một số điều như: Các nhà phát hành phải nêu rõ mục đích sử dụng vốn và đưa ra một công cụ để các nhà đầu tư theo dõi việc sử dụng vốn (chẳng hạn một lộ trình dùng vốn như thế nào, với những cột mốc thời gian và các báo cáo tiến độ thực hiện...).

Đồng thời, làm rõ các phương pháp trả nợ và lãi cũng như tính lãi suất cố định hay thả nổi, thả nổi dựa vào các chỉ số nào. Về bản cáo bạch cũng phải nêu rõ những cam kết tài chính, chẳng hạn các tỷ lệ tài chính, thanh khoản, đòn bẩy tài chính mà nhà phát hành phải tuân thủ. Hay khi nhà phát hành vi phạm những điều cam kết với nhà đầu tư thì có chế tài ra sao?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE