Quay về eMagazine
Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh, cơ quan quản lý tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư “cân nhắc kỹ rủi ro”

Thị trường TPDN tăng trưởng nhanh, cơ quan quản lý tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư “cân nhắc kỹ rủi ro”

"Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao", Vụ Tài chính ngân hàng khuyến cáo.
Theo tin từ Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 192.203 tỷ đồng. Trong đó, TPDN phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổ chức tín dụng là đối tượng phát hành lớn nhất, chiếm 42,3% tổng khối lượng phát hành. Tiếp theo là doanh nghiệp bất động sản, chiếm 24,8% tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2021.
Về lãi suất, lãi suất phát hành bình quân TPDN 6 tháng đầu năm 2021 giảm 1,6%/năm so với mức bình quân cùng kỳ năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư tổ chức là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ. Công ty chứng khoán hiện là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp, tiếp đến là các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư.
Cuối cùng, các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp hiện chiếm 5,9% tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp.
EVNFinance | Phát hành trái phiếu quốc tế, tiền nhiều nhưng không dễ có vốn rẻ
Sân chơi chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Từ ngày 01/01/2021, việc phát hành TPDN riêng lẻ thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Theo đó, khung pháp lý về phát hành TPDN đã có những thay đổi căn bản, cụ thể đối với TPDN phát hành ra công chúng được cơ quan quản lý là UBCKNN cấp phép chào bán; yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi; đối tượng mua là mọi nhà đầu tư.

Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với TPDN phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành TP chuyển đổi, TP kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước.

Đồng thời, với quy định mới, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ.
Nhà đầu tư cá nhân được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi thỏa mãn các điều kiện: Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán, cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng...
Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã nhiều đưa ra khuyến cáo liên quan đến rủi ro tiềm ẩn ở kênh TPDN.
Với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, Bộ Tài chính nhiều lần khuyến cáo với thông điệp: "Nhà đầu tư TPDN, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, không nên mua chỉ vì lãi suất cao".
Trên thực tế, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ hiện đã giảm mạnh so với năm 2020. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có hiện tượng nhà đầu tư mua trái phiếu phát hành riêng lẻ thông qua phân phối của công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Về mặt pháp lý, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP đã quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ.

Vì vậy, cơ quan quản lý tiếp tục khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư TPDN riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.

Đặc biệt, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.

"Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao", Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đưa ra khuyến cáo.

Thêm vào đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đối với các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu đang trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để huy động vốn trái phiếu, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ phương án huy động, có biện pháp đảm bảo an toàn tài chính để thực hiện đầy đủ các cam kết đối với nhà đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích nêu trong phương án phát hành và định kỳ có báo cáo về tình hình tài chính và tình hình sử dụng vốn.

"Trách nhiệm với nhà đầu tư là trách nhiệm mà doanh nghiệp phát hành có nghĩa vụ phải thực hiện", Vụ Tài chính ngân hàng lưu ý.

QUY MÔ THỊ TRƯỜNG TPDN TĂNG 4 LẦN SAU 5 NĂM, ĐẠT GẦN 16% GDP
Như BizLIVE đã thông tin, trong năm 2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thực hiện 2.408 đợt đăng ký phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó có 2.228 đợt phát hành thành công, tăng 2,46 lần so với năm 2019.
Qua đó, tổng giá trị phát hành thành công đạt 403,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 69% tổng giá trị đăng ký, tăng 35,9% so với năm 2019.
Số liệu công bố từ Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết năm 2020, quy mô thị trường TPDN đã đạt khoảng 15,75% GDP, gấp 4 lần so với quy mô thị trường năm 2016.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2018-2020, quy mô của thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ tăng trưởng nhanh, bình quân 45%/năm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE