Quay về eMagazine
Thị trường tiền tệ có sớm khởi sắc?

Thị trường tiền tệ có sớm khởi sắc?

Liệu “cơn bão tài chính” đã thực ngưng? Và trên hết, triển vọng thị trường tiền tệ Việt Nam 2023 liệu có sớm khởi sắc?

Rủi ro địa chính trị quốc tế đang ở mức cao và khó lường định. Kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy giảm, thậm chí suy thoái, trong khi lạm phát cao đã bùng nổ trên toàn cầu, dù bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt với mức độ tùy từng quốc gia, khu vực.

Còn Việt Nam, với độ trễ nhịp đáng kể so với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ chậm trở lại, trong khi áp lực lạm phát sẽ bộc lộ đầy đủ hơn, đồng thời một số bất an về vĩ mô sẽ ngày càng hiện hữu.

Phản ứng chính sách quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) năm qua, theo đó là của nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới nhằm chống lạm phát, đã khiến thị trường tài chính quốc tế nhiều phen chao đảo, kéo theo sự rung lắc của thị trường tài chính - tiền tệ trong nước với áp lực tỷ giá rồi đến áp lực lãi suất và thanh khoản hệ thống.

Khép lại năm 2022, bước sang năm 2023, liệu về cơ bản, mọi biến số, chỉ số đã tới ngưỡng? Liệu “cơn bão tài chính” đã thực ngưng? Và trên hết, triển vọng thị trường tiền tệ Việt Nam 2023 liệu có sớm khởi sắc?

TS. Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) - Ảnh: Tuấn Việt

TS. Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) - Ảnh: Tuấn Việt

TRỄ NHỊP VỚI TIẾN TRÌNH PHỤC HỒI KINH TẾ TOÀN CẦU?

Khi phần lớn của thế giới đã thoát ra khỏi đại dịch COVID-19 và hồi phục kinh tế mạnh mẽ nhờ các gói hỗ trợ tài khóa-tiền tệ kịp thời và đủ lớn, thì Việt Nam nhìn chung vẫn còn chìm trong “giãn cách xã hội”.

Bằng chứng là, trong khi Mỹ, Anh, Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt tới 33%, 17% và 13% vào quý 3/2021 so quý trước (Trung Quốc sớm hơn, tăng tới 18% vào quý 1/2021 so cùng kỳ năm trước), Việt Nam cùng thời kỳ bị suy giảm kinh tế tới 6,7%.

Tới quý 3/2022, kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh, đạt mức 13,67% so cùng kỳ năm trước, thì kinh tế thế giới đã chững lại, chỉ còn đạt lần lượt các mức 2,9% -0,2% và 0,3% so quý liền trước, tương ứng cho các nước Mỹ, Anh, Eurozone.

Và khi đa số các nước, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, đối mặt với áp lực lạm phát tăng vọt, quanh mức hai con số, buộc phải thắt chặt tiền tệ quyết liệt, thì ở ta “phí đẩy” còn đang chờ “cầu kéo” và chính sách tiền tệ tới quý 3/2022 vẫn được cho là còn dư địa để có thể tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế.

Bối cảnh kinh tế - tài chính quốc tế. Nguồn: Thomson Reuters, CME (cập nhật tới 22/12/2022)

Bối cảnh kinh tế - tài chính quốc tế. Nguồn: Thomson Reuters, CME (cập nhật tới 22/12/2022)

Giờ đây, khi thế giới có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế nhưng giảm nhiệt lạm phát, thì Việt Nam vẫn kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,5% cho năm 2023, đi kèm với mục tiêu lạm phát tăng lên mức 4,5%.

Về gói hỗ trợ kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, dù là kết quả chói sáng của sự nỗ lực chính trị đặc biệt, nhưng vẫn phải thừa nhận một sự thực là Việt Nam đã lỡ nhịp so với thế giới. Lỡ nhịp ở đây là lỡ cả về thời điểm ra gói, cả quá chậm về tiến độ giải ngân các chính sách thuộc Chương trình, thậm chí sắp hết hạn hoặc hết điều kiện thuận lợi để thực hiện một số chính sách.

Vì thế, có thể nói, nhiều kỳ vọng mà Chương trình đặt ra, cơ bản sẽ không đạt.

Hay như mục tiêu “phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong 2 năm 2022 và 2023” mà Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng như Nghị quyết 11/NQ-CP đặt ra, cũng đã trở nên khá lạc nhịp so với diễn tiến động thái chính sách tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ “ĐA MỤC TIÊU” ĐANG ĐƯỢC NHÌN NHẬN LẠI?

Bàn tiếp về mục tiêu của chính sách tiền tệ (CSTT) theo Nghị quyết 43/2022/QH15, Nghị quyết 11/NQ-CP (thực ra vốn là truyền thống của ta từ trước tới nay), đặt trong bối cảnh Fed, theo đó là nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) khác trên thế giới, đang quyết liệt tăng lãi suất chính sách nhằm chống lạm phát.

Hình dưới đây mô tả chuỗi các động thái chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ đầu năm tới nay để thực thi CSTT “đa mục tiêu” trong một môi trường kinh tế - tài chính đầy biến động. Cụ thể, NHNN vừa mưu cầu phải giữ ổn định tỷ giá nhằm giảm thiểu nhập khẩu lạm phát và nghĩa vụ nợ vay nước ngoài, cũng như neo kỳ vọng để kiểm soát áp lực tăng mặt bằng giá cả, vừa được đòi hỏi phải đảm bảo cung ứng đủ tiền với lãi suất đủ tốt để hỗ trợ tích cực hồi phục và phát triển kinh tế.

Việc đặt các động thái điều hành về tỷ giá, lãi suất, cung tiền trên cùng một trục thời gian gợi ý cho chúng ta thấy mức độ phối hợp các công cụ, biện pháp nghiệp vụ CSTT của NHNN ăn ý, hiệu quả tới đâu ở các giai đoạn khác nhau trong năm.

Không cần diễn giải nhiều, rõ ràng môi trường thể chế hiện tại đã “bó tay” NHNN thế nào trong hoạt động điều hành hàng ngày của họ…

Sự phối hợp các công cụ, biện pháp nghiệp vụ CSTT trong môi trường thể chế hiện tại. Nguồn: NHNN, Thomson Reuters, M-Research (cập nhật tới 22/12/2022)

Sự phối hợp các công cụ, biện pháp nghiệp vụ CSTT trong môi trường thể chế hiện tại. Nguồn: NHNN, Thomson Reuters, M-Research (cập nhật tới 22/12/2022)

Chỉ tới khi thị trường rung lắc quá mạnh, các yếu kém tồn tích trong nước bục ra, rủi ro hệ thống xuất hiện đe dọa bất ổn vĩ mô, dường như mới có thừa nhận rằng luôn tồn tại sự đánh đổi giữa một số cặp mục tiêu cụ thể, như: lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng tín dụng và thanh khoản hệ thống - áp lực cung tiền,…

Nghị quyết số 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 ban hành ngày 04/11/2022 đã có một quyết nghị rất quan trọng liên quan đến chủ đề đang bàn: “Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình…”.

Quan điểm đổi mới này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 ban hành ngày 06/12: “…Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.

Theo đó, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành, địa phương liên quan có ngay các giải pháp chính sách tháo gỡ, hỗ trợ, xử lý thiết thực, hiệu quả những “điểm nóng” hiện tại của nền kinh tế là các thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng,... kể cả căn cơ, lẫn tình thế khẩn cấp.

Hệ quả là rủi ro hệ thống đang dần được hóa giải, niềm tin của nhà đầu tư đang dần hồi phục và thị trường đang có những dấu hiệu tích cực ổn định trở lại. Chúng ta có niềm tin rằng, trải nghiệm thực tiễn khắc nghiệt vừa qua đã giúp tư duy CSTT đa mục tiêu đang thực sự thay đổi. Quan điểm mới này sẽ tiếp tục được phản ánh đầy đủ hơn trong nghị quyết tới đây của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

TRIỂN VỌNG HÓA GIẢI NHỮNG RỦI RO

Nhìn lại năm 2022 đầy sóng gió trên thị trường tài chính quốc tế với tâm chấn là động thái thắt chặt tiền tệ đầy bất ngờ và quyết liệt của Fed, khép lại giai đoạn “tiền rẻ” thời đại dịch COVID-19. Với 7 lần tăng lãi suất chính sách liên tục trên tổng số 8 phiên họp định kỳ trong năm, trong đó có tới 4 lần có mức tăng kỷ lục tới 0,75 điểm phần trăm, Fed đã nhanh chóng đẩy ngưỡng lãi suất từ mức xấp xỉ 0% hồi đầu năm lên 4,25 - 4,5% chốt cuối năm.

Ủy ban Thị Trường mở liên bang của Fed (FOMC) cũng dự báo rằng lãi suất ngắn hạn chủ chốt của họ sẽ đạt mức đỉnh 5 - 5,25% vào năm 2023. Như vậy, dù đã bắt đầu giảm nhịp độ, Fed vẫn có thể tiếp tục tăng nhẹ lãi suất cơ bản thêm 2 - 3 lần nữa và duy trì mức lãi suất đó một thời gian, trước khi bắt đầu chuỗi cắt giảm để hướng về ngưỡng trung tính dài hạn quanh 2,5%.

Bức tranh tổng quan thị trường tiền tệ Việt Nam. Nguồn: NHNN, Thomson Reuters, M-Research (cập nhật tới 22/12/2022)

Bức tranh tổng quan thị trường tiền tệ Việt Nam. Nguồn: NHNN, Thomson Reuters, M-Research (cập nhật tới 22/12/2022)

Thị trường (CME Fed Watch) thậm chí còn đang dự báo Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngày từ quý 4 sang năm.

Theo đường đi dự tính của lãi suất chính sách Fed, thị trường tài chính quốc tế đang dần ổn định trở lại với sự hồi giá đáng kể của nhiều bản tệ so với đồng Đô la Mỹ, cũng như giá hàng hóa thế giới và giá các tài sản tài chính dường như đã dò thấy đỉnh hay đáy tương ứng của mình.

Thị trường tài chính - tiền tệ trong nước cũng bắt đầu được hưởng lợi từ yếu tố quốc tế. Hình phác thảo bức tranh tổng quan về thị trường tiền tệ Việt Nam như dưới đây cho thấy: tỷ giá USD/VND đã nhanh chóng giảm nhiệt; lãi suất thị trường tiền tệ nhờ đó có thêm dư địa để dịu bớt dù đang vào cao điểm mùa vụ; lợi suất trái phiếu chính phủ cũng đã chững đà tăng; và áp lực tăng lãi suất huy động vốn của các tổ chức tín dụng cũng sẽ sớm thoái trào,...

Rõ ràng là với nhịp độ thắt chặt tiền tệ chậm dần và sớm dừng lại, thậm chí đảo chiều của Fed, theo đó sẽ là của nhiều NHTW lớn khác, đã khiến thị trường tài chính quốc tế dần ổn định trở lại, kéo theo rủi ro trên thị trường tài chính - tiền tệ trong nước suy giảm.

Cùng với chuỗi động thái chính sách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là của NHNN, nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính - tiền tệ mới xuất hiện, khả năng sẽ dần được hóa giải thành công.

Với kịch bản cơ sở, khả năng sang quý 2 hoặc từ quý 3/2023, thị trường sẽ dần ổn định trở lại và tỷ giá, lãi suất thị trường tiền tệ, lợi suất trái phiếu chính phủ, thậm chí cả mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế, có thể có những bước điều chỉnh giảm nhẹ.

Với kịch bản xấu - yếu tố rủi ro địa chính trị quốc tế diễn biến tiêu cực và rủi ro hệ thống trong nước cần nhiều hơn thời gian và nguồn lực xử lý, triển vọng thị trường sẽ bi quan kéo dài hơn.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE