Quay về eMagazine
Thị trường lao động đã vào đà phục hồi chờ bứt phá

Thị trường lao động đã vào đà phục hồi chờ bứt phá

Dù còn nhiều thách thức, nhưng theo dự báo của chuyên gia, với dấu hiệu khởi sắc từ quý 1/2022 thì thị trường lao động những quý tiếp theo chắc chắn sẽ hồi phục tích cực. Tuy nhiên, để thu hút, giữ chân người lao động thì cần nâng cao đãi ngộ về lương, thưởng và phúc lợi...

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê công bố mới đây có sơ lược về tình hình lao động việc làm quý 1/2022. Theo đó đánh giá thị trường lao động quý 1/2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Trong đó, đáng chú ý là lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước quý 1/2022 ước tính là 2,46%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động của cả nước ước tính là 3,01%.

Doanh nghiệp liên tục có nhu cầu tuyển dụng

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết sự trở lại sôi động của thị trường lao động trong quý 1 là nhờ sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, sau dịp Tết Nguyên Đán, các luồng lao động dịch chuyển trở lại từ các tỉnh/thành phố giúp nguồn cung lao động vẫn khá ổn định. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu tuyển dụng đến hàng ngàn chỉ tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới.

Theo ông Vũ Quang Thành riêng ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, từ đầu năm đã thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là các phiên online kết nối các địa phương phía Bắc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Ông Thành cho hay: "Đây đang là thời điểm vàng trong tuyển dụng lao động ở cả phía doanh nghiệp và người lao động".

Theo ông Thành, 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. Dịch COVID-19 khiến việc tuyển dụng của doanh nghiệp có ít nhiều sự khác biệt so với trước.

Nhiều nhà tuyển dụng sẵn sàng đưa ra nhiều chỉ tiêu tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và quyền lợi hơn, bởi 3 tháng đầu năm là thời gian khởi đầu cho cả năm, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhân sự mới để phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong các quý của năm.

Mặt khác, khi thời gian dịch COVID-19 diễn ra, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh tự động hóa, chuyển hướng phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại.

"Do đó, trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp cũng tập trung hơn vào việc tuyển dụng các lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng. Điều này dẫn đến việc nhiều người lao động không có tay nghề dễ bị mất việc, những người không còn phù hợp buộc phải tìm công việc mới", Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lưu ý.

Nhân sự ngành du lịch sẽ bùng nổ trong quý tiếp theo

Từ những tín hiệu hiệu khởi sắc trong quý 1, thị trường lao động trong những quý tiếp theo của năm 2022 sẽ phục hồi tích cực, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên.

Theo ông Vũ Quang Thành, xu hướng tuyển dụng nhân sự trong thời gian tới, dự báo sẽ thuộc về các nhóm ngành nghề như kinh doanh thương mại; hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bất động sản, thông tin và truyền thông, dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử…

Cụ thể, ngành tài chính, ngân hàng sẽ cần tuyển dụng nhiều nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin (IT) và kỹ năng bán hàng (sales). Các nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) – dữ liệu lớn (Big Data) – Crypto và chuỗi khối (Blockchain) sẽ được nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.

Riêng ngành dịch vụ lưu trú ăn uống, khách sạn, du lịch hứa hẹn sẽ là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bùng nổ trong quý 2 và các quý tiếp theo. Nhiều chương trình kích cầu du lịch, mở cửa lại đường bay quốc tế và nội địa cùng với việc mở cửa trở lại nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng thúc đẩy hoạt động của ngành trở nên phát triển và sôi động.

Ngoài ra, nhân sự trong mảng điện tử và pin điện, điện mặt trời, điện gió vẫn là các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao, tập trung tại một số dự án dầu khí. Các vị trí lĩnh vực này cần người lao động có nhiều năm kinh nghiệm và khả năng tiếng Anh tốt.

Nâng cao đãi ngộ để hút lao động

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực thì thị trường lao động chưa hoàn toàn hết khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt hẳn.

Để phục hồi nhanh chóng, tránh đứt gãy dây chuyền sản xuất cũng như giữ tính bền vững của thị trường lao động theo ông Vũ Quang Thành, doanh nghiệp cần tập trung thu hút và tuyển dụng lao động thông qua nhiều giải pháp, trong đó nâng cao đãi ngộ và phúc lợi cho người lao động là một trong các giải pháp chính.

Cụ thể như chế độ đãi ngộ cho người lao động bằng tiền mặt, đãi ngộ cho người lao động bằng quyền lợi hay chế độ đãi ngộ phi tài chính (đối với những người lao động chưa tiêm đủ mũi vaccine ngừa COVID-19 thì cần có chính sách đảm bảo an toàn sức khỏe cho họ, đặc biệt là chính sách ưu tiên tiêm vaccine cũng như chính sách phân bổ sử dụng người lao động; khuyến khích người lao động thực hiện 5K, đảm bảo phòng, chống dịch và yên tâm sản xuất).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác sản xuất và quản trị doanh nghiệp. Tập trung nghiên cứu đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất và bắt kịp xu hướng công nghiệp 4.0.

Về phía người lao động, cần có sự linh hoạt chủ động tìm kiếm những công việc phù hợp. Bên cạnh đó, người lao động cần phải tìm hiểu và trau dồi các kỹ năng như tìm kiếm việc làm trên các kênh tuyển dụng, chuẩn bị hồ sơ trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến, tìm hiểu và làm quen với ứng dụng dùng để phỏng vấn trực tuyến…

Trau dồi kiến thức kỹ năng hàng ngày, nhất là về lĩnh vực, về doanh nghiệp mà người lao động muốn ứng tuyển.

Nâng cao trách nhiệm, tay nghề, cần trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng nhanh trong môi trường lao động liên tục biến động bởi tác động của công nghệ và dịch bệnh.

Tiếp cận những công nghệ mới để phát triển bản thân, thành thạo, học thêm ngoại ngữ để giao tiếp với khách hàng, đặc biệt với những người có mong muốn làm việc tại các công ty nước ngoài.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE